Kỷ niệm 4 năm Đức Giáo hoàng Phanxicô: tâm điểm là lòng thương xót

Trong những ngày tới, tôi sẽ hướng cái nhìn về các chủ đề trọng tâm của giáo triều Đức Phanxicô nhân dịp chúng ta chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 4 năm ngày Đức Giáo hoàng nhậm chức vào thứ hai tới. Tôi muốn trích dẫn một vài câu mà Ngài đã viết và giải thích vì sao ở hiện tại chúng còn quan trọng hơn rất nhiều so với lần đầu tiên được biết đến.

20170311 ĐGH

Đức Thánh Cha chủ sự giờ đọc kinh Truyền tin lần đầu tiên tại Quảng trường Thánh Phêrô – Vatican, ngày 17 tháng 3 năm 2013 (CNS/L’Osservator Romano)

Trong Tông Huấn về hôn nhân và gia đình Amoris Laetitia số 311, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết:

Nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt để dành không gian trong việc mục vụ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Chúng ta đặt quá nhiều điều kiện cho lòng thương xót đến nỗi làm mất đi cảm thức cụ thể và ý nghĩa thật sự của nó, và đó là cách tồi tệ nhất để làm loãng Tin mừng.

Nếu có một câu trích dẫn nào có thể xác định được những sự cải cách mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang tìm kiếm cho Giáo hội, thì chúng ta có thể tìm thấy ngay trong câu vừa nêu trên đây.­

Chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô đang xây dựng Giáo hội dựa trên nền tảng thần học vững chắc và truyền thống huấn quyền, nhưng Ngài cũng đồng thời thực hiện một vài điều gì đó mới mẻ. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã viết trong thông điệp thứ hai của Ngài, Dives in misericordia, công bố năm 1980, về chủ đề lòng thương xót cùng với lòng thành kính Thánh nữ Faustina và việc đặt Ngày Chúa Nhật II Phục Sinh làm Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót đã minh chứng về mối quan tâm của Ngài về chủ đề này. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng từng viết những lời tốt đẹp về Lòng Thương Xót.

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là trong nhiều thế kỉ, lòng thương xót đã bị che khuất khỏi vị trí trung tâm của nó trong thần học Công giáo không chỉ như là một nhân đức luân lý mà chúng ta được mời gọi thực hành, nhưng là bản chất sự tự mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Như Đức Hồng y Walter Kasper đã trình bày cách khéo léo và thuyết phục trong cuốn sách của Ngài “Lòng Thương Xót: Cốt Lõi Của Tin Mừng, Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu”, rằng những tiếp xúc đầu tiên của chứng nhân Kitô với các tư tưởng Hi Lạp đã đặt trọng tâm vào các khái niệm hữu thể như là chìa khóa để hiểu được Thiên Chúa, nhưng các chứng nhân Thánh Kinh đã nhấn mạnh hơn vào các mối tương quan của thuộc tính lòng thương xót. Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong bài diễn văn tại giờ Kinh Truyền Tin Chúa Nhật lần đầu tiên, cho biết rằng Ngài đã đọc cuốn sách của Đức Hồng Y Kasper và đã có lời khen ngợi.

Điều này minh chứng rằng cách mà Đức Phanxicô nói về lòng thương xót có gốc rễ sâu xa hơn là chỉ đọc hiểu về nó qua một cuốn sách. Việc Ngài luôn đặt lòng thương xót vào trung tâm lời rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh là hoa trái của một đời sống như vị mục tử của những tâm hồn. Ngài hiểu được những tâm hồn đang bị thương tổn cần đến Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến. Ngài hiểu được những con người nghèo khổ đang cần có cái ăn, cần có nhân phẩm và công việc làm. Ngài hiểu được những cặp đôi đang trong tình trạng rối hôn phối, những con người mà tình yêu của họ không nằm trong các danh mục gọn gàng của giáo lý Công giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về lòng thương xót từ sự trải nghiệm và một nhận thức thần học sâu sắc.

Chính sự cam kết đặt lòng thương xót vào trung tâm sứ vụ của Giáo Hội này là nguồn cơn thực sự của những căng thẳng với rất nhiều người chỉ trích Đức Giáo hoàng. Khi tông huấn Amoris Laetitia được ban hành, tôi đã viết lời bình sau lần đầu tiên đọc tài liệu này, khởi đầu bằng số 311 cùng những dòng như sau:

Ở số này và xuyên suốt Tông Huấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đối chất với các lời buộc tội cho rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng là một sự đầu hàng đối với nền văn hóa, dội một gáo nước lạnh vào giáo lý Công giáo và đổ tội lên đầu những sự thay đổi ấy. Ngài nhắc nhở toàn thể Giáo Hội rằng việc rao giảng Tin Mừng và Thần học cùng với các mục vụ kèm theo phải xuất phát từ gốc rễ của Tin Mừng Công Giáo,và không được để cho bất cứ vỏ bọc mang tính thần học, văn hóa hay giáo luật nào ngăn cản Giáo Hội khỏi nhiệm vụ chính yếu là loan báo Tin Mừng, đặc biệt đến cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề, Tin Mừng của Lòng Thương Xót.

Tôi không thấy lí do nào để thay đổi những lời trên, và trên thực tế cho đến nay, những sự phản kháng đối với Amoris Laetitia chỉ nhấn mạnh thêm tính chính xác của những gì tôi đã viết. Các đối thủ của Amoris Laetitia bám víu vào giáo luật, vào các vỏ bọc thần học, văn hóa mà quên mất đi cái cốt lõi, họ tôn kính lớp vỏ trấu mà quên mất hạt lúa mì ở bên trong.

Khi đặt trọng tâm vào lòng thương xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô không chỉ đơn thuần mời gọi chúng ta hướng sự tập trung vào một đức tính thần học mà ta cần thực hành. Điều này không phải chỉ là về luân lý đạo đức mà còn sâu hơn thế. Đó là một thí dụ tinh hoa của Thần Học về nguồn, một đề xuất quay trở về với căn cội, là trung tâm của Công Đồng Vaticanô II. Thuật ngữ aggiornamento hay còn gọi là công cuộc cập nhật hóa mà Công Đồng đã xem như sứ mạng của mình, không chỉ đơn thuần là xuôi theo tính hiện đại, nhưng là một sự dấn thân với những thay đổi hiện đại trên nền tảng tìm kiếm các căn cội của đời sống Kitô hữu bám rễ sâu vào Thánh Kinh và các vị Giáo phụ tiên khởi của Hội Thánh. Điều này nhằm mục đích chất vấn cách cụ thể đối với các rào cản văn hóa đã từng giúp vén mở và giải thích các căn cội này, nhưng nay lại trở thành những ngăn trở.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Hồng y Donald Wuerl đã chỉ ra thành tựu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc tái gắn kết Giáo Hội ngày nay với công trình của Công Đồng Vaticano II. Ngài nói:

Tôi nghĩ sự đóng góp to lớn nhất của Đức Giáo hoàng Phanxicô cho đến thời điểm này chính là việc tái gắn kết Giáo Hội với nguồn năng lượng của Công Đồng Vaticano II, nguồn năng lượng được toát ra từ Công Đồng này. Khi Công Đồng đang diễn ra thì tôi vẫn còn là một sinh viên đang nghiên cứu Thần học và tất cả sinh viên chúng tôi đều đã rất hứng khởi với aggiornamento — công cuộc cập nhật hóa.

Lòng thương xót là trái tim của sự tái gắn kết trước hết với Công Đồng và sau nữa, với cốt lõi của Tin Mừng, đúng như Công Đồng đã hướng dẫn. Lòng thương xót mời gọi người Công giáo sống trong thế giới cách kiên định, biết thứ tha trong một thế giới không tha thứ, làm chứng nhân của Lòng Chúa thương xót với lòng thương xót của chính bản thân, không phải chỉ để hành động cách nhân ái nhưng là để lòng thương xót nhập thể trong đời sống của chúng ta. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi Hội Thánh hãy trở nên được biết đến bởi lòng thương xót mà chúng ta thể hiện chứ không phải chỉ như những giáo điều. Điều này sâu sắc hơn phạm trù Đạo đức học, nó còn là Nhân học và Giáo hội học Kitô giáo.

Chúa nhật trước, chúng ta đã lắng nghe Thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Rôma nói về cách mà tội lỗi và ơn cứu độ đến trong lịch sử loài người. Tôi có sự chú ý đặc biệt đến câu sau: “Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa”. Đã từ rất lâu, quá nhiều người Công giáo hành động như thể ân huệ của Thiên Chúa cũng giống như sự sa ngã của tội lỗi, như thể mọi việc chúng ta làm trong cuộc đời chỉ là chứng minh cho bằng được rằng chúng ta xứng đáng được lãnh nhận các bí tích, hay như thể kế đồ ân sủng cũng giống như nền kế hoạch tiền bạc mà trong đó chúng ta phải trao đổi và buôn bán để có được ơn Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đang nhắc nhở chúng ta những gì mà Thánh Phaolô đã nhắc nhở các tín hữu Rôma rằng: ân sủng của Thiên Chúa không giống như sự sa ngã của tội. Ân sủng của Lòng Chúa thương xót luôn mãi dư đầy. Ân sủng được ban cho chúng ta cách đặc biệt trong những khoảnh khắc chúng ta dễ bị tổn thương nhất chứ không phải khi chúng ta đạt được các thành tựu đạo đức. Điều này cho phép chúng ta chia sẻ các ân sủng với người khác cách vô tư không đong đếm như chính khi chúng ta đã được nhận lãnh. Nó đòi hỏi chúng ta phải có một sự hoán cải tận căn trái tim con người tầm thường luôn mong muốn được ca tụng hay đền đáp. Nó thúc đẩy sự trỗi dậy của một Công giáo được Phúc âm hóa cách thực sự, một Công giáo bớt đi những mối bận tâm tới các danh mục tiêu chuẩn đạo đức phải tuân theo và quan tâm hơn đến việc loan báo rằng Vương quyền của Thiên Chúa luôn sẵn sàng bất cứ khi nào chúng ta nhận lãnh hay trao ban lòng thương xót. Chính sự hoán cải tận gốc rễ này và chỉ có sự hoán cải này sẽ làm đổi mới Giáo Hội.

Lời chứng mạnh mẽ của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với lòng thương xót không chỉ được trao ban cho chúng ta nhưng Ngài còn mời gọi tất cả chúng ta hãy cũng trao ban như Ngài. Đó là trung tâm điểm của cuộc cách mạng về lòng nhân ái mà Ngài tìm kiếm và thế giới đang thực sự cần. Cho đến nay, đây là một trong ba đóng góp quan trọng nhất của Đức Thánh Cha liên quan mật thiết đến đời sống của Hội Thánh. Trong phần tới, tôi sẽ nói đến đóng góp thứ hai của Ngài là ánh sáng mà Ngài đã soi chiếu vào học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Michael Sean Winters 

Huỳnh Phi chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube