Kinh Truyền Tin ngày 10/12: ‘Qua sự thinh lặng và cầu nguyện, chúng ta dành không gian cho Chúa Giêsu’

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin vào ngày 10 tháng 12 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin vào ngày 10 tháng 12 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe Thiên Chúa bằng cách noi gương Thánh Gioan Tẩy Giả, “tiếng kêu trong sa mạc”, trong thông điệp trong giờ Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng.

Trong khi sa mạc là “một nơi trống rỗng, nơi người ta không giao tiếp”, thì đó lại là bối cảnh quan trọng cho sứ vụ của Gioan Tẩy Giả vì nó đại diện cho một nơi của sự gặp gỡ, nơi chúng ta có thể “lắng nghe Thiên Chúa một cách đích thực”, Đức Thánh Cha nói với gần 25.000 tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa nhật ngày 10 tháng 12.

Lưu ý rằng hình ảnh sa mạc cằn cỗi như một nơi rao giảng có thể “dường như là hai hình ảnh trái ngược nhau”, trên thực tế, chúng được dung hòa thông qua hình ảnh Gioan Tẩy Giả khi tiếng kêu của ông “được liên kết với tính chân thực trong trải nghiệm của ông và sự tinh khiết nơi tâm hồn của ông”.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng sa mạc là “nơi của sự thinh lặng và những điều thiết yếu, nơi mà con người không thể đắm chìm vào những thứ vô ích mà cần tập trung vào những điều không thể thiếu để tồn tại”.

Sa mạc không giữ một vị trí trung tâm trong bối cảnh Kinh Thánh, Đức Thánh Cha nói,nhưng đối với chúng ta ngày nay, nó là một ẩn dụ như một nơi để chiêm niệm và gặp gỡ Thiên Chúa, đồng thời cung cấp một gương mẫu cho việc sống một cuộc sống tốt lành.

“Để tiếp tục cuộc hành trình cuộc sống, chúng ta cần phải bỏ mình vì ‘những thứ quan trọng hơn’, bởi sống tốt không có nghĩa là chứa đầy những thứ vô bổ, nhưng được giải thoát khỏi những điều thừa thãi, để đào sâu vào nội tâm mình ngõ hầu nắm giữ lấy điều thực sự quan trọng trước mặt Thiên Chúa”.

“Chỉ khi, qua sự thinh lặng và cầu nguyện, chúng ta dành không gian cho Chúa Giêsu, Đấng là Lời của Chúa Cha, chúng ta mới biết cách thoát khỏi sự ô nhiễm của những lời nói phù phiếm và huyên thuyên”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã kỷ niệm việc ký kết Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.

Lưu ý rằng tài liệu gồm 30 điều khoản là một bước ngoặt mở ra các chuẩn mực mới và một loạt các quyền cơ bản được phổ cập hóa, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng có nguy cơ của việc “đi lùi”.

“Cam kết về nhân quyền không bao giờ kết thúc! Về vấn đề này, tôi gần gũi với tất cả những người, không cần tuyên bố, trong cuộc sống cụ thể hàng ngày, đang chiến đấu và trả giá cá nhân để bảo vệ quyền lợi của những người không được tính đến”, Đức Thánh Cha kêu lên.

Đức Thánh Cha cũng dành chút thời gian để thu hút sự chú ý đến cuộc trao đổi tù nhân gần đây giữa chính phủ Armenia và Azerbaijan.

“Tôi hết sức hy vọng nhìn thấy dấu hiệu tích cực này đối với mối quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, vì hòa bình ở Nam Caucasus, và tôi khuyến khích các bên cũng như các nhà lãnh đạo của họ ký kết hiệp ước hòa bình sớm nhất có thể”, Đức Thánh Cha nói.

Việc trao đổi tù nhân, được cả hai chính phủ công bố hôm thứ Năm, ngày 8 tháng 12, đã chứng kiến 2 người Azerbaijan và 32 người Armenia bị giam giữ được trao đổi và là một bước đột phá lớn trong quan hệ giữa hai nước kể từ khi căng thẳng bùng lên ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh vào hồi đầu năm nay.

Đức Thánh Cha kết thúc lời kêu gọi của mình bằng cách cầu xin hòa bình khi chúng ta bước vào Mùa Giáng Sinh.

“Chúng ta đang hướng tới Lễ Giáng Sinh: Liệu chúng ta có thể, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, thực hiện những bước cụ thể hướng tới hòa bình? Điều đó quả thực không hề dễ dàng, chúng ta biết điều đó. Một số xung đột có nguồn gốc lịch sử sâu sắc. Nhưng chúng ta cũng có chứng tá của những người nam nữ đã nỗ lực làm việc với sự khôn ngoan và kiên nhẫn vì sự chung sống hòa bình”.

“Hãy noi gương họ! Cần thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết và loại bỏ các nguyên nhân gây xung đột. Và trong khi đó – nói về vấn đề nhân quyền – dân thường, bệnh viện, các địa điểm thờ phượng phải được bảo vệ, các con tin phải được trả tự do và viện trợ nhân đạo phải được đảm bảo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết