Kinh doanh có thể là một ơn gọi của Kitô hữu

KINH DOANH CÓ THỂ LÀ MỘT ƠN GỌI CỦA KITÔ HỮU (DOCAT 163)

Làm việc trong ngành kinh doanh có thể là một ơn gọi của Kitô hữu hay không? Câu trả lời sẽ là: Có.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Thông điệp Fratelli Tutti, tại số 123, rằng: “Một cách thiết yếu, hoạt động kinh doanh là một ơn gọi cao quí, được định hướng để sản xuất của cải và cải thiện thế giới chúng ta. Thiên Chúa khích lệ chúng ta phát triển các tài năng mà Người ban cho chúng ta, và Người đã dựng nên vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ có tiềm năng hết sức lớn lao. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi cá nhân được kêu gọi để thăng tiến sự phát triển của chính mình, và điều này bao gồm việc tìm ra những phương tiện kinh tế và kỹ thuật để làm ra nhiều hàng hóa và của cải hơn.”

Trung thành với giáo huấn đó của Đức Thánh Cha, chúng ta có quyền nói: Làm việc trong ngành thương mại và kinh doanh có thể là một ơn gọi thật sự đến từ Thiên Chúa. Quả thực, trong ánh sáng Mạc khải, hoạt động kinh tế phải được xem xét và thực hiện như một lời ứng đáp đầy lòng biết ơn đối với tiếng gọi mà Chúa gửi đến cho mỗi người. Nếu người ta làm việc với lòng tin – cậy – mến của các môn đệ Đức Kitô, thì ngay cả kinh tế và tiến bộ cũng có thể biến thành những địa điểm cứu độ và thánh hoá.

Tuy nhiên, chúng ta phải đặt hoạt động kinh tế và sự tăng trưởng vật chất trong định hướng phục vụ con người và xã hội. Kinh tế sẽ giúp ích cho mục tiêu cứu độ, khi người ta luôn biết tôn trọng chức năng của kinh tế là làm công cụ giúp phát triển toàn diện con người và xã hội, cũng như phát triển toàn diện phẩm chất nhân bản của đời sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết, vẫn tại số 123 của Thông điệp Fratelli Tutti, rằng: “Các khả năng kinh doanh, là một quà tặng của Thiên Chúa, phải luôn luôn được định hướng rõ ràng để phát triển người khác và xóa bỏ sự nghèo đói, nhất là qua việc tạo ra những cơ hội việc làm đa dạng. Quyền tư hữu luôn luôn được gắn với nguyên tắc tiên quyết về sự phụ thuộc của mọi quyền tư hữu đối với mục đích phổ quát của các của cải trên trái đất, nghĩa là mọi người đều có quyền sử dụng các của cải đó.”

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube