
Từ trái sang, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni (phải) lắng nghe Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong phiên làm việc về Trí tuệ nhân tạo (AI), Năng lượng, Châu Phi-Địa Trung Hải, vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 50 tại Borgo Egnazia, miền nam nước Ý, vào thứ Sáu, ngày 14 tháng 6 năm 2024 (Ảnh: Christopher Furlong/Pool Photo via AP)
Thứ Sáu vừa qua quả thực là một trong những ngày đáng chú ý nhất trong toàn bộ kỷ nguyên của Đức Thánh Cha Phanxicô, và xét theo cách mà Triều đại Giáo hoàng này đã tạo ra những cảm giác của sự xúc động và ly kỳ không ngừng nghỉ trong hơn 11 năm nay, điều thực sự đang nói lên điều gì đó.
Đó là một cuộc hành trình kéo dài từ sáng tới tối, bắt đầu từ lúc 8:30 sáng với cuộc gặp gỡ vẫn chưa giải thích được nhưng lại vô cùng thú vị với hơn 100 diễn viên hài đến từ khắp nơi trên thế giới – hầu như tất cả mọi người trong số họ, theo như ghi nhận, đều nói với các phóng viên rằng họ không biết họ đang làm gì ở Vatican – và kết thúc 14 tiếng đồng hồ sau đó khi chiếc trực thăng chở Đức Thánh Cha Phanxicô hạ cánh đưa ngài trở về Rôma, sau khi Đức Thánh Cha trải qua vài giờ đồng hồ tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Vùng Puglia miền nam nước Ý.
Bất kỳ ngày nào bắt đầu với cuộc gặp gỡ với những nhân vật như Whoopi Goldberg, Jimmy Fallon và Conan O’Brien, và sau đó kết thúc với cuộc gặp gỡ Joe Biden, Giorgia Meloni và Emanuel Macron, đều phải trôi qua một cách đáng nhớ (Cuối cùng, tôi để độc giả suy ngẫm xem dàn nhân vật nào buồn cười hơn).
Ngoài việc thuyết phục G7 về khía cạnh luân lý của trí tuệ nhân tạo khi ở Puglia, Đức Thánh Cha Phanxicô còn tiến hành các cuộc gặp gỡ song phương với 9 nguyên thủ quốc gia, trong đó không chỉ có Tổng thống Hoa Kỳ Biden mà còn có Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine và Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, cũng như Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Thực sự là chúng ta đang nói về một ông cụ 87 tuổi liên tục phải ra vào bệnh viện trong những tháng gần đây, người bị khó thở mãn tính và thực sự không thể di chuyển xa với sức riêng của mình, nhưng lại là người, bằng cách nào đó, vẫn có thể có đủ thể lực ổn định để vượt qua một ngày làm việc bận rộn vốn có thể khiến hầu hết những người bằng nửa tuổi mình đều phải gục ngã.
Điểm nổi bật chính của sự kiện bom tấn trong ngày này là gì? Nói một cách dễ hiểu, nó khẳng định quyền lực của một ngôi sao của Đức Giáo hoàng – chứ không chỉ Đức Phanxicô, mà bất kỳ vị Giáo hoàng nào.
Như một bài tập suy tư, hãy suy ngẫm câu hỏi về việc tổ chức nào khác đã có thể đã triệu tập Goldberg, Fallon, O’Brien, Chris Rock, Stephen Colbert, Julia Louise Dreyfus và Jim Gaffigan, tất cả đều xuất hiện dưới quyền lực của chính họ, không ai trong số họ tỏ ra hiểu rõ vấn đề là gì, nhưng tất cả đều cư xử khôn khéo nhất? (Ví dụ, chúng ta đã trải qua buổi sáng mà không có ai bị sỉ nhục).
Chắc chắn, quý vị có thể có được danh sách tương tự cho giải Oscar, nhưng đó chỉ là dàn các ngôi sao của Mỹ. Hôm thứ Sáu vừa qua, đã có số lượng tương đương những người nổi tiếng trên khắp thế giới tham gia sự kiện.
Liệu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có thể làm được điều gì đó như thế này không? Có thể, nhưng đó chỉ là một danh sách ngắn và gần như chắc chắn không có ai khác trong thế giới tôn giáo có thể làm được điều đó. Có lẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có thể làm được điều đó trước những vụ bê bối gần đây của ông, hoặc Đức Giám mục Desmond Tutu vào thời của ngài, nhưng đó là về sức cuốn hút cá nhân hơn là quyền lực của chức vụ.
Dù logic của sự kiện này có thể là gì – và, thành thật mà nói, không ai đưa ra lời giải thích đặc biệt thuyết phục, ngoài thực tế là nó chỉ giống như một tiếng thét – hội nghị cấp cao của các diễn viên hài đã xác nhận một cách đắc thắng thẩm quyền triệu tập độc nhất của Đức Giáo hoàng.
Vatican đơn giản là có lợi thế sân nhà lớn nhất trên thế giới, và hầu như không ai từ chối lời mời từ Đức Giáo hoàng.
Xét về mặt G7, sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một vị Giáo hoàng tham dự cuộc họp mặt của các cường quốc phương Tây, và trớ trêu thay, nó lại diễn ra vào thời điểm Đức Thánh Cha Phanxicô đang dần tái định hướng Vatican từ hiệp ước lịch sử với phương Tây hướng tới một lập trường không liên kết toàn cầu hơn.
Dù vậy, quyền lực ngôi sao của Đức Giáo hoàng vẫn không thể bỏ lỡ. Một báo cáo của Associated Press lưu ý rằng Thủ tướng Meloni đã chào mời sự xuất hiện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một thông điệp video đặc biệt trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Puglia, nhấn mạnh việc nó mang lại uy tín to lớn cho sự kiện như thế nào và khi Đức Thánh Cha bước vào phòng hôm thứ Sáu tuần trước, không gian náo nhiệt thường lệ trở nên im lặng, và ngay cả những nguyên thủ quốc gia cũng có vẻ hơi kinh ngạc.
Như John Kirton, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Toronto, người điều hành một tổ chức tư vấn G7, đã nói rằng: “Giáo hoàng là một kiểu nhân vật nổi tiếng đặc biệt”.
Tất cả những điều đó có nghĩa là khi Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra bài phát biểu của mình về những thách thức về mặt luân lý do công nghệ AI đặt ra, những gã khổng lồ trên trái đất đã chú ý. Không phải là họ nhất thiết phải tuân theo tất cả các điểm trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha, nhưng ít nhất họ buộc phải ngồi đó và lắng nghe.
Tất cả những điều này đều đáng được nhấn mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh một tài liệu mới được Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo của Vatican công bố trong tuần qua có tựa đề “Vị Giám mục Rôma: Tính Ưu việt và Hiệp hành trong các cuộc đối thoại đại kết và trong phản ứng với Thông điệp Ut Unum Sint”.
Trên thực tế, nó phản ánh 30 năm kinh nghiệm kể từ khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi các Kitô hữu khác cùng với các tín hữu Công giáo tái xem xét việc thực thi sứ vụ Giáo hoàng để biến nó thành nguồn mạch của sự hiệp nhất thay vì chia rẽ giữa các Kitô hữu – như Đức Gioan Phaolô II đã nói, một “sự phục vụ của tình yêu được tất cả những người có liên quan công nhận”.
Phần lớn, điều này đã được coi là đương nhiên kể từ khi việc điều chỉnh lại sứ vụ Giáo hoàng để các giáo phái Kitô giáo khác có thể chấp nhận đồng nghĩa với việc cắt giảm quy mô, hạn chế thẩm quyền, đặc biệt là như được mô tả trong các tuyên bố của Công đồng Vatican I về tính bất khả ngộ và quyền tối thượng.
Chắc chắn có nhiều cách để tái cơ cấu vai trò của Giáo hoàng để cho phép sự đa dạng hợp pháp trong thế giới Kitô giáo phát triển. Tuy nhiên, ngày thứ Sáu vừa qua cũng là một lời nhắc nhở đầy thắng lợi rằng Đức Giáo hoàng chiếm một vị trí hoàn toàn độc đáo trong bối cảnh văn hóa, và được cho là nguồn lực quý giá nhất mà Kitô giáo có sẵn để gắn kết với thế giới rộng lớn hơn.
Nói cách khác, nếu chúng ta không có chức vụ Giáo hoàng, thì chúng ta sẽ phải làm sao để có chức vụ đó trong thế giới – và đó là một điểm đáng lưu ý, đặc biệt khi kế hoạch tái cấu trúc chức vụ này đang được triển khai.
Minh Tuệ (theo Crux)