Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng Chân Phước Teresa, cùng với bốn vị khác, sẽ được tuyên Thánh vào cuối năm nay, sau khi nhiều phép lạ được công nhận. Mẹ Teresa, trong suốt quãng đời của mình, và như vẫn còn đang hiện diện, hiện nay là một trong những người nổi tiếng nhất trên thế giới. Nhưng thực sự Mẹ là ai? Và làm thế nào Mẹ được tuyên bố như một vị Thánh?
Mẹ được sinh ra tại Anjezë Gonxhe Bojaxhiu ngày 26/08/1910. Quê hương của Mẹ ở Skopje, vào thời điểm đó, nó là một phần của Đế chế Ottoman, bây giờ là thủ đô của nước Cộng hòa Macedonia.
Hồi còn là một đứa trẻ, Mẹ đã bị cuốn hút bởi những câu chuyện của các nhà Truyền giáo và đã ước mơ muốn dâng hiến đời mình để phục vụ trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.
Đầu tiên Mẹ gia nhập Dòng các Nữ tu Loreto, lấy tên “Teresa” và trải qua gần hai mươi năm giảng dạy tại Calcutta. Tuy nhiên, cuộc sống của Mẹ đã thay đổi trong một chuyến đi vào năm 1946. Khi đang trên boong tàu đi từ Calcutta đến Darjeeling Mẹ cảm thấy có điều gì đó thôi thúc Mẹ, mà sau này Mẹ kể lại đó là “tiếng gọi từ con tim”.
Mẹ đã từ lâu cảm thấy nhức nhối về cảnh nghèo đói khủng khiếp ở Calcutta và đột nhiên cảm thấy được kêu gọi để phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo và sống cùng với họ trong khi Mẹ chăm sóc họ. Cuối cùng, sau khi được đào tạo về y tế cơ bản, Mẹ mở trường học đầu tiên vào năm 1949. Một năm sau, Mẹ được Tòa Thánh Vatican cho phép thành lập một Dòng mới mang tên Dòng Thừa Sai Bác Ái.
Từ sự bắt đầu nhỏ nhoi đó, các nữ tu đã nhanh chóng phát triển thành một Cộng đoàn với hơn 4.000 chị em làm việc trong các bệnh viện, mái ấm, trại trẻ mồ côi và các trường học trên toàn thế giới.
Mẹ Teresa đã không ngại đặt mình vào những hoàn cảnh khó khăn khác nhau để giúp đỡ những người xung quanh Mẹ. Mẹ trở nên nổi tiếng trong tư cách làm trung gian cho việc ngừng bắn tạm thời giữa quân đội Israel và chiến binh Palestine năm 1982 khi quân đội bao vây Beirut. Việc ngừng bắn đã giải cứu 37 trẻ em từ một bệnh viện nằm trên tiền tuyến của cuộc chiến.
Mẹ đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979 cho những cống hiến của mình, Mẹ đã chấp nhận, nhưng yêu cầu hủy bỏ một buổi dạ tiệc và đề nghị dùng số tiền đó để giúp đỡ người nghèo ở Calcutta.
Vì miệt mài với những người nghèo khi chăm sóc và sống cùng với họ. Mẹ đã phải trải qua một thời gian dài chịu đựng sự khô héo, cằn cỗi trong tâm linh, sự tinh luyện và thử nghiệm đức tin trong “đêm tối của linh hồn” kéo dài gần năm mươi năm cho đến cuối đời, suốt thời gian ấy Mẹ không hề cảm nhận gì hết về sự hiện diện của Thiên Chúa. Mẹ cảm nghiệm được lời của Chúa Giêsu khi chịu treo trên thập giá, “ÔiThiên Chúa của con! Sao Ngài nỡ bỏ con?”
Sau khi Mẹ mất vào năm 1997, tiến trình chuẩn bị cho việc phong chân phước cho Mẹ đã được tiến hành (thông thường tiến trình này phải chờ đến 5 năm).
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Mẹ vào năm 2003, sau khi công nhận một phép lạ được cho là Mẹ chữa trị một khối u ở một người phụ nữ trẻ Ấn Độ.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tuyên Thánh cho Mẹ vào ngày 16/10 sắp tới, sau khi công nhận phép lạ chữa bệnh kỳ diệu của Mẹ cho một người đàn ông Brazil mắc nhiều khối u. Linh mục Chánh xứ của người đàn ông này đã cầu nguyện với Mẹ Teresa cho việc chữa trị.
Theo John Waters
Minh Tuệ dịch (từ news.va)