Hội thảo trực tuyến về “Amoris Laetitia” giúp các nhà lãnh đạo hỗ trợ các cuộc hôn nhân bí tích trong Giáo hội

Được tổ chức bởi Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, hội thảo trực tuyến kéo dài bốn ngày tập trung vào câu hỏi: "Chúng ta đang ở vị trí nào với việc áp dụng Amoris Laetitia?".

Được tổ chức bởi Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, hội thảo trực tuyến kéo dài bốn ngày tập trung vào câu hỏi: “Chúng ta đang ở vị trí nào với việc áp dụng Amoris Laetitia?”

Hội nghị trực tuyến của Vatican về “Amoris Laetitia” đã quy tụ hàng trăm tham dự viên trong tuần này để thảo luận về cách thức hỗ trợ tốt hơn các cuộc hôn nhân bí tích và các gia đình trong Giáo hội Công giáo.

Được tổ chức bởi Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, hội thảo trực tuyến kéo dài bốn ngày tập trung vào câu hỏi: “Chúng ta đang ở vị trí nào với việc áp dụng Amoris Laetitia?”.

Amoris Laetitia” là Tông Huấn năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô về tình yêu thương trong gia đình, được viết sau các Thượng Hội đồng Giám mục năm 2014 và 2015 về gia đình.

Hội nghị kín từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 6 có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 30 phong trào quốc tế và các văn phòng về gia đình của hơn 60 Hội đồng Giám mục trên thế giới.

Trong phần giới thiệu của mình vào ngày đầu tiên của diễn đàn, Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã nhắc lại chuyến viếng thăm năm 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới các văn phòng của Thánh Bộ tại Vatican.

Trong chuyến thăm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng “’Amoris Laetitia’ phải được đọc cùng với nhau, từ chương đầu tiên đến chương cuối cùng, không ‘cắt xén’ những phần mà chúng ta cho là dễ thực hiện hơn những phần khó thực hiện hơn”, Đức Hồng y Farrell nói.

Đức Hồng y Farrell đã trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha rằng Tông Huấn này nên “được đọc như một tổng thể toàn vẹn”.

“Hội thảo trực tuyến nên được xem xét trong tiến trình của Thượng Hội Đồng như là một dấu hiệu của việc Giáo Hội đến với nhau để đảm bảo rằng gia đình phải được trao vị thế trung tâm trong phạm vi tiếp cận truyền giáo của mọi tổ chức hoặc mọi cộng đoàn Giáo Xứ trong Giáo Hội”, Đức Hồng y Farrell nói. “Giáo hội phục vụ gia đình, làm việc cùng với gia đình, hy vọng vào tiềm năng to lớn của nó, với sự chắc chắn rằng ‘Giáo hội luôn sẵn sàng phục vụ gia đình và gia đình luôn sẵn sàng dấn thân vì Giáo hội'”.

Đức Tổng Giám mục Victor Manuel Fernández Địa phận La Plata, Argentina, một người bằng hữu và là cây bút ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô, đã có bài thuyết trình về “sự đồng hành, sự phân định, và việc hội nhập những người mong manh” vào ngày cuối cùng của diễn đàn.

Theo bản tóm tắt ngắn gọn từ Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, bài diễn văn của Đức TGM Fernández bắt đầu bằng việc phân tích về Chương 8 gây tranh cãi của Tông Huấn “Amoris Laetitia”.

Đức TGM Fernández cho biết trong Chương 8, Đức Thánh Cha Phanxicô “đề cập đến ‘những tình huống chưa hoặc không còn phù hợp với giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân”, cái gọi là ‘những tình huống bất thường’. Vị Giám chức đề xuất một đường hướng phân định để có được sự hội nhập nhiều hơn. Trong mọi trường hợp, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là một vấn đề thứ yếu. Điều khiến ngài quan tâm hơn đó là ‘hai chương trọng tâm, dành riêng về tình yêu’.

Đức TGM Fernández cũng cho biết rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng điều cần thiết là phải chăm sóc tình yêu trong hôn nhân bằng cách khuyến khích sự phát triển của nó. Điều này chính là bởi vì ‘Tình yêu phu phụ không được bảo vệ chủ yếu bằng cách trình bày tính bất khả phân ly như một nghĩa vụ, hoặc bằng cách lặp lại Giáo lý, nhưng bằng cách giúp đỡ nó để nó phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhờ sự thúc đẩy của ân sủng'”.

Đức TGM Fernández cho biết Chương 8 của Tông Huấn “Amoris Laetitia” tìm cách “tích hợp những điều tốt đẹp vốn khả thi” và đồng hành với mọi người trong những hoàn cảnh khó khăn.

Một số điểm trọng tâm của các cuộc họp trong tuần, được Đức Hồng Y Farrell tổng kết, bao gồm sự cần thiết về sự nhận thức giữa các gia đình về sứ mạng mà họ đã được trao ban qua Bí tích Hôn nhân, và cách thức các Mục tử chia sẻ sứ mạng đó; rằng Giáo xứ là gia đình của các gia đình; nhu cầu đào tạo hiệu quả hơn cho các Linh mục, Phó tế, Tu sĩ, Giáo lý viên và anh chị em giáo dân liên quan đến việc chuẩn bị cho các cặp đính hôn hướng tới hôn nhân; rằng người Công giáo phải tiếp cận với những gia đình bị Giáo hội ‘ghẻ lạnh’; rằng những gia đình đang gặp khủng hoảng hoặc những khó khăn khác cần được quan tâm đặc biệt; và công việc mục vụ liên quan đến các gia đình đó phải có tính truyền giáo.

Bốn ngày diễn ra hội thảo trực tuyến có các phiên thảo luận về hôn nhân dự tòng, việc đào tạo những người đồng hành trong hôn nhân, việc giáo dục con cái, linh đạo của vợ chồng, tinh thần truyền giáo trong gia đình, và sự mong manh của gia đình.

Các cặp vợ chồng Công giáo từ khắp nơi trên thế giới đã trình bày những lời chứng về đời sống hôn nhân và các công việc mục vụ liên quan đến đời sống gia đình của họ.

Một trong những cặp đôi này là anh chị Mary-Rose và Ryan Verret, người đã kết nối với hội thảo trên web từ Hoa Kỳ. Gia đình Verret là những người sáng lập Ủy ban, ‘Nhân chứng tình yêu: Làm thế nào để giúp thế hệ tiếp theo xây dựng cuộc hôn nhân tồn tại và phát triển’ (Witness to Love: How to Help the Next Generation Build Marriages that Survive and Thrive).

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 11 tháng 6 với EWTN News Nightly, Ryan Verret cho biết “chúng tôi đã nhận được lời mời đặc biệt từ Vatican để trình bày về việc sử dụng, trong ‘Witness to Love’ (Nhân chứng tình yêu), những người cố vấn, hoặc điều mà ‘Amoris Laetitia’ và Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là ‘những cặp vợ chồng truyền giáo'”.

Đối với các cặp đôi đã đính hôn, những người cố vấn “thực sự giúp lấp đầy không gian của việc xây dựng lại lòng tin, không chỉ vào Giáo hội, mà còn vào Thiên Chúa, và tin tưởng rằng hôn nhân vẫn là một món quà tuyệt diệu đang diễn ra”, Ryan Verret chia sẻ.

Mary-Rose chia sẻ rằng: “‘Witness to Love’ thực sự là một phong trào hôn nhân cố gắng giúp mọi cặp vợ chồng, mọi cặp vợ chồng đã kết hôn, coi ngôi nhà của họ như một tiền đồn truyền giáo của Giáo hội địa phương, và thực sự hình thành các cặp vợ chồng nhận thức được điều đó và sống điều đó”.

“Những gì chúng ta đã chứng kiến”, Mary-Rose tiếp tục, đó là “có quá nhiều chương trình tuyệt vời, có rất nhiều nguồn lực tuyệt vời trong Giáo hội ngày nay, nhưng thực sự không có cơ sở hạ tầng phục vụ việc truyền bá Phúc Âm hóa. Vì vậy, ‘Witness to Love’ nói về việc đưa các tài liệu, nhân chứng, công cụ, vào tay các cặp vợ chồng, vào tay các Giáo xứ, vào tay các Linh mục, để việc truyền bá Phúc Âm hóa có thể xảy ra”.

“Bởi vì gia đình thực sự là tương lai của Giáo hội  của chúng ta”, Mary-Rose chia sẻ. “Giáo hội mà không có các gia đình là Giáo hội sẽ đi đến chỗ bế tắc”.

Diễn đàn được tổ chức như một phần của Năm Gia đình Amoris Laetitia đang diễn ra.

Trong thông điệp video được gửi vào ngày khai mạc diễn đàn trực tuyến vào ngày 9 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng “gia đình là ‘một Giáo hội tại gia’, là nơi mà sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô hoạt động giữa cặp vợ chồng và giữa cha mẹ và con cái”.

“Theo nghĩa này”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “‘kinh nghiệm về tình yêu thương trong gia đình chính là nguồn sức mạnh lâu dài cho đời sống của Giáo hội’, được đời sống của tất cả các Giáo hội tại gia không ngừng làm cho trở nên phong phú. Vì thế, nhờ Bí tích Hôn phối, mọi gia đình đều trở nên tốt đẹp cho Giáo hội”.

“Do đó, tinh thần đồng trách nhiệm đối với sứ mạng kêu gọi các cặp vợ chồng và các thừa tác viên được truyền chức thánh, đặc biệt là các Giám mục, hợp tác một cách hiệu quả trong việc quan tâm và coi sóc các Giáo hội tại gia”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube