
Một Linh mục cho Rước lễ trong Thánh lễ khai mạc Đại hội đồng Giáo hội thứ VI của Châu Mỹ Latinh và Caribbean tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico ngày 21 tháng 11 năm 2021 (Ảnh: Emilio Espejel / CNS)
Đại hội đồng Giáo hội đầu tiên ở Châu Mỹ Latinh, quy tụ các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và giáo dân, đã bế mạc hôm Chúa nhật vừa qua với cam kết đồng hành với “các nạn nhân bị lạm dụng trong bối cảnh Giáo hội”, ở mức độ cho thấy sự thừa nhận rõ ràng về tác động của các vụ bê bối giáo sĩ lạm dụng tình dục trên khắp lục địa.
Nghị quyết liên quan đến các nạn nhân là một trong 12 “thách đố về mục vụ” được xác định bởi hội nghị thượng đỉnh kéo dài một tuần.
Cuộc họp bao gồm các quan chức cấp cao của Vatican như Đức Hồng y Marc Ouellet người Canada, một nhà truyền giáo kỳ cựu ở Châu Mỹ Latinh, người đứng đầu Bộ Giám mục của Vatican cũng như Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh; một số nhà thần học giáo dân; các Tu sĩ nam nữ; và các Giám mục lãnh đạo các Hội đồng Giám mục lục địa khác, chẳng hạn như Đức Hồng y Charles Bo người Myanmar, người đứng đầu Liên Hội đồng Giám mục Á Châu.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã hiện diện thông qua một đoạn video được chia sẻ vào ngày 21 tháng 11, khi “cơ quan đồng nghị mới” này khai mạc tại Đền thờ Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico.
Mặc dù chỉ có khoảng 1.000 người thực sự có thể tham dự cuộc họp – và trong số đó, chỉ có 100 người tham dự trực tiếp – các phiên họp được truyền trực tiếp thông qua YouTube và các nền tảng truyền thông xã hội, cùng với các cuộc họp báo hàng ngày được tổ chức tại Thành phố Mexico với một số tham dự viên tham gia trực tiếp. Cuộc họp trực tuyến đã bế mạc hôm Chúa nhật với Thánh lễ bế mạc được cử hành tại Đền thờ dâng kính các vị Thánh Bổn mạng của châu Mỹ, nhưng buổi làm việc cuối cùng và cuộc họp báo đã được tổ chức hôm thứ Bảy.
Trước đó, cuộc họp được tổ chức bằng một cuộc tham vấn rộng rãi được thực hiện cả trực tiếp và trực tuyến trong suốt phần lớn năm 2021.
Nhìn về quá khứ, lập kế hoạch cho tương lai
Hội nghị gần đây nhất của các Giám mục Mỹ Latinh (CELAM) đã diễn ra vào năm 2007 tại Aparecida, Brazil, với Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, ngày nay là Đức Giáo hoàng Phanxicô, điều phối việc soạn thảo văn kiện chung kết.
Ý tưởng tổ chức một cuộc họp có sự tham gia của toàn thể dân Chúa thay vì chỉ có các Giám mục đã được đề xuất bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô, người khi được yêu cầu triệu tập một hội nghị mới, đã nói với ban lãnh đạo mới được bầu của CELAM vào năm 2019 rằng vẫn còn nhiều điều để học hỏi và thực hiện.
Theo Linh mục người Argentina Pedro Brassesco, Đại hội đồng là một “kinh nghiệm về tính đồng nghị, đã được tái khẳng định như một phương thức thiết yếu để trở thành Giáo hội”, trước hết là “để canh tân tinh thần của Hội nghị Aparecida, vốn đã thúc đẩy chúng ta và tiếp tục thúc đẩy chúng ta hướng đến sứ mạng truyền giáo”.
“Để biến đổi các cấu trúc của Giáo hội, cải hóa bản thân về mặt mục vụ luôn luôn là vì sứ mạng truyền giáo, vì công cuộc loan báo Tin Mừng, vốn là lý do tồn tại của Giáo hội”, Linh mục người Argentina, Thư ký phụ tá của CELAM cho biết.
Đức Hồng y Odilio Scherer người Brazil, Phó chủ tịch của CELAM, cũng tập trung vào lời kêu gọi truyền giáo của hội nghị Aparecida, đồng thời thừa nhận rằng bất chấp sự phong phú và thực tế là nó vẫn còn rất thời sự, nhưng tài liệu này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Đức Tổng Giám mục Địa phận São Paulo cũng đã chỉ ra rằng việc áp dụng đầy đủ lời kêu gọi của Hội nghị Aparecida về một Giáo hội lục địa liên tục truyền giáo phải chú ý đến các vấn đề phát sinh từ năm 2007, bao gồm “các vấn đề mới về giáo hội, xã hội, nhân đạo, kinh tế, chính trị và văn hóa vốn đang thách thức sứ mạng của Giáo hội”.
“Chúng tôi nhắc lại một lần nữa một khái niệm quan trọng của Hội nghị Aparecida: sự hoán cải”, Đức Tổng Giám mục Địa phận São Paulo nói, và đồng thời nhấn mạnh rằng Giáo hội không thể bằng lòng với nỗ lực mục vụ của “sự bảo toàn” và khởi động một cuộc canh tân truyền giáo mục vụ thực sự.
Dân Chúa là một
Nữ tu Gloria Liliana Franco, Chủ tịch Liên đoàn Tu sĩ Mỹ Latinh và Caribbean (CLAR), lập luận rằng việc canh tân và chuyển đổi Giáo hội ở lục địa này phải tuân theo “ba chữ p”, nghĩa là “thuộc về (pertenencia trong tiếng Tây Ban Nha), tham gia và kiên nhẫn. . ”
“Chúng ta sẽ chỉ có thể hợp tác trong các tiến trình đổi mới Giáo hội của chúng ta mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi chúng ta qua một kinh nghiệm sâu sắc về sự thuộc về, cảm thấy mình là một phần của Giáo hội, mỗi người chúng ta từ kinh nghiệm và đặc sủng của mình, vốn khác biệt nhưng bổ sung cho nhau”, Nữ tu người Colombia nói.
Cảm giác của sự thuộc về này cũng áp dụng cho những người phụ nữ trong Giáo hội, điều mà Nữ tu Franco lập luận, đã được “phân tích” trong khuôn khổ của Đại hội đồng. Trích dẫn sự tham gia tích cực và những phát biểu nhận xét của phụ nữ (Susana, Isabel, Rosario, Bridgit, Marta…) từ khắp nơi trên châu lục trong suốt các cuộc thảo luận kéo dài một tuần lễ, Nữ tu Franco lập luận rằng rõ ràng phụ nữ “phải tham gia” vào linh đạo của Giáo hội, với sứ điệp nhập thể “mới mẻ, sáng tạo, mang tính biểu tượng và cập nhật” của Chúa Giêsu.
Phụ nữ cũng phải có mặt ở “biên giới” và “các khu vực ngoại vi” cùng với những người di cư, các cộng đồng người Mỹ gốc Phi trên lục địa, với những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội, cung cấp cả “lòng thương xót và sự biến đổi”. Khi nghe những lời chứng của những phụ nữ đến từ Châu Mỹ Latinh, Nữ tu Franco cho biết, “chúng ta hiểu rằng phụ nữ phải hiện diện ở những nơi có sự suy tư thần học”, và điều đó cũng trở nên hiển nhiên rằng phụ nữ phải hiện diện “ở mọi ngóc ngách có sự sự phản kháng và lời tiên tri, nơi mà với sự chân thành, chúng ta diễn đạt bằng lời nói và bày tỏ những gì chúng ta muốn dành cho phụ nữ trong Giáo hội của chúng ta”.
Thư ký Ủy ban của Vatican về Châu Mỹ Latinh, giáo dân Rodrigo Guerra Lopez, cho biết trong bài phát biểu của mình có tính đến thời điểm hiện tại của Giáo hội Công giáo, điều quan trọng là phải ghi nhớ tiền đề rằng đức tin triệu tập mọi người sống tinh thần hiệp thông và hiệp nhất.
“Cùng một đức tin kêu gọi chúng ta kiên nhẫn hết mức có thể với những sự kém cỏi và khiếm khuyết của người khác, và do đó, cùng một đức tin mời gọi chúng ta phán xét một cách thận trọng và dĩ nhiên, khi ai đó là người phạm lỗi: hãy cầu xin sự tha thứ”, giáo dân người Mexico nói.
Ông Guerra lập luận một cách mạnh mẽ rằng Đại hội đồng Giáo hội là một quá trình học hỏi, và như vậy, là một phần của một câu chuyện rộng lớn hơn, xác định nó như là một ví dụ đầu tiên cho Giáo hội ở Mỹ Latinh và Caribbean, nơi “chúng tôi đang cho mình cơ hội để lắng nghe người khác, nỗ lực đối thoại, cố gắng đón nhận và hoan nghênh và cố gắng sửa chữa”.
Các quy trình như Đại hội đồng Giáo hội “quả là đầy hứa hẹn, nếu chúng bắt đầu từ sự khiêm tốn và yêu cầu tha thứ lẫn nhau, từ tất cả chúng ta, nơi có lẽ phán xét của tôi quá vội vàng, nơi có lẽ sự không khoan dung của tôi đã ngăn cản ai đó tham gia, nơi có lẽ chính tôi, vì quá mệt mỏi, không còn nỗ lực hết sức mình để nhẫn nại và bác ái nữa”.
Đức Hồng y Ouellet cho biết rằng “không có cái gọi là Dân Chúa và Giáo hội có phẩm trật: hàng giáo phẩm là một phần của Dân Chúa”.
Hơn nữa, Đức Hồng y Ouellet cho biết trong một trong những cuộc họp báo, “các Giám mục phải cư xử như một người tín hữu trung thành, trong tinh thần huynh đệ với tất cả mọi người, lắng nghe tất cả mọi người, bởi vì chính Thần Khí cư ngụ nơi tất cả mọi thành viên và hướng dẫn họ hướng đến một nhân chứng được ban cho nhân loại và hướng tới sự cứu rỗi”.
Đồng nghị tính, yếu tố then chốt đối với cuộc hoán cải mục vụ
Trong suốt Đại hội đồng, các đại biểu nhấn mạnh rằng tầm nhìn của Đức Giáo hoàng Phanxicô về một Giáo hội đồng nghị tính, lấy cảm hứng từ Công đồng Vatican II, là nguyên tắc cốt lõi đối với Giáo hội truyền giáo mà hội nghị Aparecida đã đề xuất. Theo Đức Hồng y Ouellet, mục tiêu đầu tiên của tính đồng nghị là “làm cho Giáo hội trở thành nhân chứng của tình yêu thương lẫn nhau, bởi vì nếu không có tình yêu thương [giữa các thành viên] thì sẽ chẳng ai tin chúng ta”.
Rính đồng nghị, Đức Hồng y Ouellet nói, là “chiều kích mang tính cơ cấu của sự hiệp thông”, và một Giáo hội mang tính đồng nghị hơn bao giờ hết là một Giáo hội trong đó “tất cả mọi người đều cảm thấy rằng họ là những tham dự viên, rằng họ được tôn trọng, rằng họ là những thành viên, rằng mỗi người đều có một sự đóng góp để đưa ra”.
Nữ tu Dolores Palencia, người cũng đến từ Mexico, lập luận rằng Châu Mỹ Latinh có “những dấu hiệu mới nổi của một mô hình Giáo hội mới theo tinh thần đồng nghị”, trích dẫn việc tái cấu trúc CELAM, việc tạo ra một cấu trúc tương tự cho khu vực Amazon, bao gồm các Giáo phận từ tám quốc gia, việc cử hành các Thượng hội đồng cấp Giáo phận và các hội đồng toàn thể, cũng như chính Đại hội đồng này.
Tiến trình đồng nghị bắt nguồn từ việc lắng nghe, và nó phải có sự tham gia của tất cả mọi người nếu nó “vượt qua các mối quan hệ bất bình đẳng của sự trổi vượt và sự lệ thuộc điển hình của chủ nghĩa giáo quyền, và đặt cược vào nhu cầu tương hỗ và cùng nhau làm việc”.
“Sự tham gia không phải là một sự nhượng bộ mà là quyền của tất cả mọi người, là nghĩa vụ để nhận lời khuyên từ việc lắng nghe những người có thẩm quyền”, nhà thần học người Venezuela Rafael Luciani, người đồng trình bày với Nữ tu Palencia, lập luận. “Việc lắng nghe không chung chung cũng không trừu tượng”.
Trong cuộc trò chuyện của họ, các nhà thần học đã gọi Đại hội đồng là một công cụ vốn thúc đẩy hơn nữa tính đồng nghị trong Giáo hội khu vực, tạo ra cái mà Nữ tu Luciani gọi là “một nền văn hóa mới của sự đồng thuận trong Giáo hội”, bởi vì, theo vị Nữ tu, “tương lai của việc truyền giáo đang bị đe dọa”.
“Chúng ta cần bỏ lại phía sau mô hình giáo sĩ trị… và các đặc quyền của nó”, thay vào đó củng cố ý tưởng rằng “tất cả mọi thành phần Dân Chúa phải có trách nhiệm thực hiện các hành động mang tính biến đổi, linh hoạt, chú ý đến nhu cầu của các thế hệ mới, những người có thể tái tạo một cộng đồng Giáo hội có sự tham gia, chú ý đến đồng thuận, với những cách thức mới và đa dạng để thực thi thẩm quyền và đưa ra quyết định”.
“Thà có một Giáo hội với những thiếu sót và sai lầm, sẵn sàng đứng dậy và bắt đầu lại cuộc hành trình, còn hơn là sự tê liệt, hoảng loạn, thứ ngăn cản hoạt động của Chúa Thánh Thần”, Nữ tu Palencia nói.
Đại hội đồng Giáo hội từ con mắt của một người châu Âu
Một trong những vị khách được mời tham dự Đại hội đồng Giáo hội Châu Mỹ Latinh là Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich Địa phận Luxembourg, người chủ trì Ủy ban của Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu và là Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng Giám mục về Đồng nghị tính.
Đức Hồng y Hollerich đã cá nhân hóa nhận xét của mình bằng cách cho biết rằng ngài đang phát biểu với tư cách là một người sống ở Châu Âu, “một lục địa lâu đời, nơi Giáo hội đôi khi hơi mệt mỏi”, đang đối mặt với tình trạng tục hóa nghiêm trọng mà Giáo hội vẫn chưa tìm ra cách giải quyết đúng đắn.
Ví dụ, Đức Hồng y Hollerich nói về nước Đức, một quốc gia mà ngày nay, số người không theo tôn giáo nào gần như bằng cả các tín hữu Tin lành và Công giáo cộng lại. Tuy nhiên, như Đức Thánh Cha Phanxicô dạy, Đức Hồng y Hollerich nói: “Thiên Chúa phải được tìm kiếm và tìm thấy trong thế giới tục hóa ngày nay”, và như vậy, điều quan trọng là phải nhớ rằng “Thiên Chúa hiện diện ở châu Âu ngày nay”.
Đại hội đồng Giáo hội, ngoài việc đóng vai trò như là nguồn cảm hứng cá nhân cho bài phát biểu mà ngài sẽ đọc vào năm 2023, khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma, đã tập hợp nhiều thực tại nơi Thiên Chúa được tìm thấy ở cấp độ cá nhân của mỗi tham dự viên, trong niềm vui và nỗi buồn của cá nhân họ, như cũng như của các cộng đồng và các dân tộc của họ.
Các tham dự viên “có thể phân biệt sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống qua những thực tại này, nhận biết lời mời gọi của Ngài, và đưa ra phản ứng cá nhân và cộng đồng đối với lời kêu gọi này”.
12 thách đố phía trước
Trong thông điệp chung kết của mình, các thành viên Đại hội đồng đã chỉ ra những thách đố sẽ đánh dấu hành trình mục vụ trong tiến trình hoán cải truyền giáo và đồng nghị đang đặt ra phía trước đối với Giáo hội tại châu Mỹ Latinh. Họ nhắc lại cam kết phục hưng tinh thần của Hội nghị Aparecida để chuẩn bị cho hai Năm Thánh quan trọng: kỷ niệm 500 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra (vào năm 2031) và 2.000 năm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, được gọi là Năm Thánh Cứu chuộc (vào 2033).
Những thách đố này bao gồm:
– Nỗ lực làm việc vì một cuộc gặp gỡ đổi mới của tất cả mọi người với Chúa Kitô, “đã nhập thể trong thực tế của lục địa”, thúc đẩy và đồng hành với giới trẻ với tư cách là những nhân vật chính trong đời sống của Giáo hội.
– Hướng tới “các nạn nhân của vấn nạn lạm dụng trong bối cảnh Giáo hội và cam kết phòng ngừa”.
– Thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các công việc mục vụ và trong những không gian của sự phân định và đưa ra quyết định của Giáo hội.
– Thúc đẩy sự sống của con người kể từ khi thụ thai cho đến khi chết đi một cách tự nhiên.
– Tiếp tục chống lại chủ nghĩa giáo quyền thông qua tính đồng nghị.
– Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo.
– Đổi mới công việc đào tạo tại Chủng viện.
– Đồng hành cùng với các dân tộc bản địa và con cháu của những người Mỹ gốc Phi khi họ chiến đấu để bảo tồn cuộc sống, đất đai và văn hóa của họ.
Minh Tuệ (theo Crux)