Giữa bối cảnh của cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, Hội đồng xét duyệt quốc gia (NRB) của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi “quá trình điều tra do giáo dân lãnh đạo” đối với các giám mục, và đồng thời thực hiện chính sách tố giác.
Công bố gần đây của bồi thẩm đoàn Pennsylvania ở Mỹ, và sự tiết lộ về những cáo buộc chống lại cựu Hồng y Theodore McCarrick, đã thúc giục Hội đồng xét duyệt quốc gia (NRB) công khai đề xuất một hội đồng giáo dân để điều tra các giám mục, và đồng thời cũng cho biết rằng “chính sách tố giác” cần phải được thực hiện. Được thành lập vào năm 2002 bởi Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB), NRB đã tư vấn cho các giám mục về việc phòng ngừa tình trạng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã phát hành tuyên bố trên trang web của mình vào hôm thứ ba.
Thân thể Đức Kitô đã bị phản bội
NRB bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng các vụ việc liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục thực tế đối với trẻ vị thành niên đã giảm đáng kể kể từ khi HĐGM Hoa Kỳ thực hiện các chính sách và quy định vào năm 2002. Tuy nhiên, những tiết lộ gần đây liên quan đến sự tham gia của “các quan chức cấp cao nhất của hàng Giáo phẩm” trong việc che đậy những vụ việc này, cho thấy điều mà NRB gọi là “một vấn đề sâu sắc hơn”. Việc thành lập các “ủy ban, các chính sách, hoặc các quy định khác”, NRB cho biết, là không đủ. Họ kêu gọi “sự thay đổi trong văn hóa của Giáo hội, đặc biệt là giữa các giám mục” bởi vì đã có một “thứ văn hóa im lặng” đã len lỏi vào Giáo hội, cho phép “vấn đề lạm dụng tình dục tiếp diễn đến mức hầu như không thể kiểm soát được”. Các nạn nhân bị lạm dụng và toàn bộ Thân Thể Chúa Kitô đã bị phản bội, NRB tuyên bố, bởi việc “đánh mất vai trò lãnh đạo luân lý cũng như việc lạm dụng quyền bính”.
Trách nhiệm của các Giám mục
Trách nhiệm của các Giám mục trong “sự thất bại” đó, hoặc thông qua sự đồng lõa trực tiếp hoặc gián tiếp, đòi hỏi “một sự đánh giá độc lập đối với các hành động” của bất kỳ giám mục nào “khi một cáo buộc được đưa ra ánh sáng”, NRB tuyên bố. NRB cũng cho biết họ đồng ý với Đức Hồng y DiNardo, Chủ tịch HĐGM Công giáo Hoa Kỳ, người mà gần đây đã đề nghị rằng một thực thể như vậy được giao phó cho giáo dân. Bởi vì nếu như các thành viên của NRB đều là giáo dân, NRB cho rằng họ “sẽ trở thành một nhóm hợp lý để tham gia vào nhiệm vụ này”.
Chính sách tố giác
Ngoài việc hình thành một cơ quan điều tra như vậy, NRB kêu gọi thành lập ngay lập tức “một chính sách tố giác ẩn danh” tách biệt với hàng Giáo phẩm của Giáo hội, vốn sẽ báo cáo những cáo buộc cho cả các cơ quan dân sự và Giáo hội.
Điều lệ bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên
NRB cũng kêu gọi việc sửa đổi Hiến chương về việc Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên để nó có thể phản ánh những kinh nghiệm đã được học hỏi cũng như những khuyến nghị được đưa ra bởi NRB vốn đã “không được kết hợp chặt chẽ vì nhiều lý do khác nhau”. Họ đặc biệt đề nghị rằng “Tuyên bố Cam kết của HĐGM” vốn không hiệu quả phải được sửa đổi “để trở thành một cam kết có ý nghĩa, có thể hành động” và sự mơ hồ của “sự sửa phạt huynh đệ” phải được sửa đổi nhằm “phác thảo các bước cụ thể” cần thiết khi cáo buộc lạm dụng tình dục thực tế được đưa ra chống lại một giám mục hoặc khi một giám mục không đưa ra phản ứng đầy đủ khi các giáo sĩ bị cáo buộc.
Đã đến lúc người giáo dân phải đảm đương vai trò lãnh đạo
NRB kết luận tuyên bố của họ bằng cách cho biết rằng họ “thừa nhận rằng phần lớn các giám mục hiện tại của chúng ta đã, và sẽ tiếp tục, giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên một cách hết sức nghiêm túc”. Nhưng mấu chốt trong lời nói của họ đó chính là, “mỗi khi một giám mục không hành động, toàn thể Hội đồng giám mục cũng bị trở nên nhơ nhuốc”. Do đó, NRB tuyên bố, “đã đến lúc người giáo dân phải đảm nhận vai trò lãnh đạo dũng cảm để giúp Giáo hội đối phó với vấn đề này và đồng thời chữa lành và giúp các giám mục lắng nghe một cách cẩn thận những lời đề xuất của chúng tôi”.
Minh Tuệ chuyển ngữ