Hình bóng của Thánh Giuse trong Tuần Thánh: Thứ Tư Gián điệp

Giuđa nhận ba mươi lượng bạc vì đã phản bội Chúa Giêsu (Ảnh: János Pentelei Molnár, 1909/ Public domain)

Giuđa nhận ba mươi đồng bạc để phản bội Chúa Giêsu (Ảnh: János Pentelei Molnár, 1909)

Bài suy niệm về Thánh Giuse của Linh mục Raymond de Souza để anh chị em chiêm ngắm Tuần Thánh.

Trong Tông thư khai mạc Năm Kính Thánh Cả Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn lời của tác giả người Ba Lan Jan Dobraczyński. Đức Thánh Cha giải thích rằng cuốn tiểu thuyết của ông, “Hình bóng của Thánh Giuse”, “sử dụng hình ảnh gợi tả về một hình bóng để miêu tả Thánh Cả Giuse. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha Trên Trời: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ để cho bản thân đi theo đường lối riêng của mình” (Patris Corde 7).

Thánh Giuse không hiện diện trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy Thánh Giuse trong Tuần Thánh, nếu chúng ta cho phép mình tưởng tượng nơi mà “hình bóng” của Ngài có thể đã phủ lên Chúa Giêsu trong những ngày thánh thiêng nhất đó.

Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, Giu-đa cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.

Trong một số truyền thống ngày nay được gọi là “Thứ Tư gián điệp” vì âm mưu ám hại Chúa Giêsu đã dẫn đến một kẻ phản bội, một kẻ gián điệp ở giữa các Tông đồ. Giu-đa đang tìm kiếm thời điểm thích hợp (x. Lc 4:13).

Cái giá phải trả là ba mươi đồng bạc. Tại Israel cổ đại, ba mươi đồng bạc là số tiền mà chủ nô lệ phải trả nếu kẻ nô lệ của mình bị con bò của người khác giết chết (x. Xh 21:32). Chúa Giêsu đã bị bán với cái giá tương đương với số tiền bồi thường thiệt hại cho một kẻ nô lệ đã chết.

Lễ Vượt Qua đã đến gần. Các thượng tế và kinh sư háo hức muốn hoàn thành âm mưu của họ chống lại Chúa Giêsu một cách vội vàng; họ không muốn gây náo động trong ngày chính lễ (x. Mc14: 1-2). Một số gia đình Do Thái mua những con chiên để mừng Lễ Vượt Qua khi Giuđa đến gặp các thượng tế và trao nộp Chiên Thiên Chúa để bán chác.

Đó là Lễ Vượt Qua. Dịp đại lễ đã đến gần.

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?”  Người bảo : “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy” (Mt 26:17-18)

Đây sẽ là Lễ Vượt Qua cuối cùng mà Chúa Giêsu cử hành. Nó sẽ được cử hành tại Giêrusalem. Chúa Giêsu đã quen với việc đi hành hương. “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua” (Lu-ca 2:41). Một số kỷ niệm thời thơ ấu đáng nhớ nhất của Chúa Giêsu đó là những chuyến hành hương bên cạnh Thánh Giuse, tụ họp cùng với những người khác để sống lại những sự kiện trọng tâm của Cuộc Xuất Hành. Nghi lễ Vượt qua của người Do Thái phân chia nhiều nhiệm vụ khác nhau – những lời cầu nguyện và những bài đọc trang trọng – cho các thành viên nam giới trong gia đình. Thánh Giuse đã nhận phận vụ của mình; có lẽ Cậu bé Giêsu lần đầu tiên nghe câu chuyện Lễ Vượt Qua từ Thánh Giuse.

Giờ đây là thời điểm thi hành trọn vẹn mọi bổn phận của mình. Thánh Giuse đã nhiều lần đưa Chúa Giêsu lên Đền thờ; giờ đây nơi chính Đền thờ đó, Giuđa mang theo đoàn người để bắt giữ Chúa Giêsu. Các cuộc hành trình trong Tuần Thánh, từ làng Bê-ta-ni-a đến Núi Sion, từ Vườn Cây Dầu đến ‘Sanhedrin’ (Tòa Công luận), trong khuôn viên Đền thờ – tất cả những địa điểm này Chúa Giêsu đã sớm được biết đến sau nhiều năm sống bên cạnh Thánh Giuse.

Thánh Giuse không còn hiện diện ở đó nữa, nhưng ký ức của Ngài sẽ còn hết sức mạnh mẽ về các địa điểm và những lời cầu nguyện, những nhịp điệu và nghi lễ của Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem.

Mỗi chi tiết của Tuần Thánh đều nói lên một cách sâu sắc những lời tiên tri xưa. Những chén rượu, những bài Thánh vịnh được cất lên, thời điểm của các hoạt động, thậm chí cả những bộ y phục mà Chúa Giêsu mang trên người. Tất cả đều đã được lưu truyền, thế hệ này sang thế hệ khác, trong các gia đình các tín hữu Do Thái. Thánh Giuse đã truyền lại tất cả cho Chúa Giêsu. Giờ đây Chúa Giêsu, trước giờ bị giao nộp, đã sẵn sàng để hoàn thành mọi sự.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube