RÔMA – Cuộc chiến của Nga đối với Ukraine làm gia tăng một cách đáng sợ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, giải phóng chất phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân và một động lực mới để phát triển hoặc mua vũ khí hạt nhân, kể cả bởi những kẻ khủng bố, các thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học cho biết.
Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ “thực hiện tất cả các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân do vô tình, tính toán sai lầm hoặc hành động phi lý”, theo nội dung tuyên bố được đưa ra vào ngày 8 tháng 4 sau một hội nghị quốc tế về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã che giấu những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, chỉ thị của ông để đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao và việc quân đội của ông thiếu cẩn trọng khi họ kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trước đây, đã làm dấy lên những cảnh báo cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, các thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học cho biết.
Các thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học đã cảnh báo về:
– “Việc phá hủy các nhà máy điện hạt nhân có chủ ý hoặc không chủ ý để lại những hậu quả nghiêm trọng cho đông đảo dân chúng”.
– “Rò rỉ không kiểm soát chất thải phóng xạ vốn có thể được sử dụng cho cái gọi là ‘bom bẩn’”.
– “Khả năng sử dụng cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các chiến trường, ví dụ như ở Ukraine”.
– “Duy trì vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động cao, có khả năng làm tăng khả năng vô tình khởi động vũ khí hạt nhân hoặc do thao túng không gian mạng”.
– “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các vũ khí khác có sức mạnh lớn trên phạm vi quốc tế ngoài Ukraine khi chiến tranh leo thang hơn nữa”.
Hội đồng của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng cho biết “sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các quốc gia và trong các quốc gia, tham vọng quốc gia hoặc đảng phái thiển cận và ham muốn quyền lực là mầm mống của xung đột vốn có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân và cuộc đại chiến thế giới”.
Nghèo nàn và đói khổ thúc đẩy sự bất hòa xã hội và đe dọa hòa bình, các thành viên của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng cho biết, và “tình trạng ô nhiễm hạt nhân đối với các cánh đồng nông nghiệp sẽ ngăn cản việc canh tác trong thời gian dài. Việc trồng trọt ở Ukraine đã bị cản trở và hoạt động buôn bán lương thực từ Ukraine và Nga càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực thế giới vì một lượng lớn thực phẩm cơ bản đã được sản xuất ở đó cho thế giới”.
Thậm chí ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân, các nhà khoa học cho biết, sự tinh vi ngày càng tăng của các loại vũ khí thông thường đồng nghĩa với “tính dễ bị tổn thương gia tăng, không chỉ của các cá nhân, đặc biệt là những người không hiếu chiến, bao gồm trẻ em, phụ nữ, những người già và những người bệnh tật, những người bị khủng bố một cách bừa bãi, hoặc bị buộc phải di cư, mà còn của toàn thể nhân loại và của hành tinh nói chung”.
Ngoài việc kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc, các thành viên của hội đồng Hàn Lâm viện Giáo hoàng kêu gọi mọi cá nhân ở khắp mọi nơi trên thế giới “nhấn mạnh rằng việc tránh chiến tranh là trách nhiệm chung, chống lại sự tin tưởng rằng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, và không ngừng lao động để đảm bảo tương lai của các thế hệ mai sau”.
“Tránh chiến tranh và đạt được một nền hòa bình có ý nghĩa”, họ nói, “không chỉ đòi hỏi sức mạnh của sự khôn ngoan trí tuệ, kiến thức và khoa học, mà còn của cả những thiện chí được thúc đẩy bởi tình yêu và công lý, các phẩm chất đạo đức, luân lý, tinh thần trách nhiệm, các giá trị và niềm tin”.
Minh Tuệ (theo Crux)