Giữa những căng thẳng với Đức Thánh Cha Phanxicô, các Giám mục Ukraine hướng tới việc tăng cường nỗ lực truyền thông

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các Giám mục Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: UGCC)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các Giám mục Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: UGCC)

Trong bối cảnh của những căng thẳng đang diễn ra liên quan đến những nhận xét gây tranh cãi của Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi “Nước Mẹ Nga vĩ đại”, bị nhiều người Ukraine coi là một công cụ tuyên truyền của đế quốc Nga, các Giám mục Công giáo Hy Lạp ở Ukraine muốn đào tạo và chỉ định những đại diện có thể trình bày rõ ràng hơn quan điểm của họ.

Từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 9, các Giám mục Công giáo Hy Lạp Ukraine đã gặp gỡ nhau tại Rôma để tham dự Thượng Hội đồng thường niên với chủ đề “Hỗ trợ Mục vụ cho các nạn nhân chiến tranh”. Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (UGCC), với số lượng khoảng 6 triệu tín hữu, là Giáo hội lớn nhất trong số các Giáo hội Đông phương hiệp thông với Rôma.

Trong cuộc họp, các Giám mục đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô và một số quan chức cấp cao khác của Vatican, thảo luận về một số điểm hành động trong tương lai, bao gồm việc thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm giám sát việc cung cấp hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân của chiến tranh.

Truyền thông nổi lên như một trọng tâm đặc biệt trong các cuộc thảo luận của các Giám mục, đặc biệt cấp bách bởi cuộc tranh cãi về những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một hội nghị truyền hình ngày 25 tháng 8 với giới trẻ Công giáo Nga tập trung tại St. Petersburg, trong đó Đức Thánh Cha ca ngợi “nước Nga vĩ đại của Peter I, Catherine II, đế chế khai sáng vĩ đại đó”.

Những phát ngôn đó đã tạo ra phản ứng dữ dội ngay lập tức từ các cơ quan dân sự và Giáo hội, với việc các nhà lãnh đạo quốc gia cáo buộc Đức Thánh Cha tái sử dụng “sự tuyên truyền đế quốc” của Nga và người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (UGCC), Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halyć, đã đưa ra một tuyên bố cho biết những lời của Đức Thánh Cha đã gây ra “nỗi đau và sự quan ngại to lớn”.

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podolyak, đã coi Đức Thánh Cha Phanxicô là người “thân Nga” và “không đáng tin cậy”, đi xa hơn khi cho rằng đường lối của Vatican về cuộc chiến Ukraine có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản đầu tư của Nga vào Ngân hàng Vatican.

Ngân hàng Vatican, còn được gọi là Viện Giáo Vụ, đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc, đồng thời lưu ý rằng ngân hàng này thường chỉ chấp nhận tiền gửi từ các Dòng tu và các tổ chức Công giáo được ủy quyền khác trên khắp thế giới.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tìm cách đi theo một ranh giới tế nhị, lên tiếng hơn 200 lần thay mặt cho Ukraine và cầu nguyện cho hòa bình, đồng thời cũng cố gắng xoa dịu những điều nhạy cảm của Nga.

Đôi khi, Đức Thánh Cha Phanxicô tự nhận thấy mình đang gặp rắc rối với Giáo hội Ukraine và người dân Ukraine, có lúc gọi con gái của một kẻ hiếu chiến người Nga bị giết trong vụ đánh bom xe là “nạn nhân vô tội” của cuộc xung đột và từng cho rằng Nga có những lo ngại chính đáng về an ninh khi liên minh NATO đã “sủa trước cửa nước Nga”.

8dc4dcaf6dc08c01

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các Giám mục Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: UGCC)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các Giám mục Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: UGCC)

Trong điều được UGCC mô tả là “cuộc trò chuyện thẳng thắn” giữa các Giám mục và Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 6 tháng 9, vấn đề về những nhận xét của Đức Thánh Cha đối với giới trẻ Nga đã được thảo luận, cũng như nhiều lời cầu nguyện của ngài dành cho những người đang trải nghiệm “chiều kích của tử đạo” trong chiến tranh.

Là một phần của cuộc thảo luận đó, các Giám mục đã quyết định đầu tư năng lượng và nguồn lực vào việc tạo ra một chương trình đào tạo những người có thể đại diện cho Giáo hội của họ với thế giới bên ngoài, về cơ bản trở thành các nhà ngoại giao nội bộ của UGCC.

Đề xuất thiết lập một chương trình đặc biệt trong UGCC nhằm truyền đạt hiệu quả hơn các quan điểm và kinh nghiệm của chính họ, đồng thời tạo dựng một mạng lưới để giúp họ thực hiện điều đó cùng với các nỗ lực ngoại giao và truyền thông của Vatican.

Các Giám mục cũng bày tỏ mong muốn làm được nhiều việc hơn nữa cho những người tị nạn Ukraine và những người phải di tản vì chiến tranh.

Theo Liên Hợp Quốc, tính đến tháng 5, đã có 5,1 triệu người phải di tản trong nước ở Ukraine và tính đến tháng 7, hơn 6,2 triệu người đã rời bỏ đất nước kể từ khi cuộc chiến với Nga bùng nổ sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm ngoái.

Khi thời gian trôi qua mà chiến tranh hiện vẫn chưa có hồi kết rõ ràng, và khi những người tị nạn chạy trốn sang các nước xung quanh hoặc các khu vực khác của Châu Âu và xa hơn trở nên ổn định hơn trong các cộng đồng sở tại của họ, UGCC ngày càng lo ngại rằng những người này sẽ không quay trở lại Ukraine, và kết quả là Giáo hội sẽ trở nên rạn nứt, với phần lớn các tín hữu sống trong cộng đồng hải ngoại.

Theo nghĩa này, UGCC, theo các nguồn quen thuộc với cuộc thảo luận, muốn thu hút các tu sĩ sống đời thánh hiến của họ nỗ lực tham gia nhiều hơn vào công việc truyền giáo trực tiếp với những người tị nạn Ukraine, với ý tưởng rằng nếu người dân đã phải tản cư, Giáo hội phải đi cùng họ và đồng hành cùng với họ.

Đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng xét đến mức độ lan rộng của cộng đồng Công giáo Hy Lạp, với 200 Giáo xứ thuộc 4 Giáo phận nằm rải rác trên khắp Hoa Kỳ, trải dài từ bờ biển này sang bờ biển khác. UGCC có mặt ở khoảng 27 tiểu bang, với phần lớn tín hữu ở Philadelphia.

Nói về phương diện toàn cầu, Giáo hội phải đối mặt với một thách thức ngày càng tăng trong việc phải chăm sóc mục vụ tại những không gian vật lý rộng lớn với số nhân sự hạn chế. Vì nhiều tín hữu hiện đang cư trú tại các khu vực có thể không có Giáo xứ thuộc UGCC gần đó, Giáo hội phải xác định cách thức tốt nhất để phục vụ những tín hữu và những cộng đồng này.

Về vấn đề này, việc truyền giáo thường xuyên là một giải pháp tiềm năng mà Giáo hội quan tâm theo đuổi.

Một lĩnh vực trọng tâm khác của UGCC là kỷ niệm 30 năm giải trừ vũ khí hạt nhân của Ukraine vào năm tới với việc ký kết Bản ghi nhớ Budapest vào năm 1994. Trước đó, Ukraine có kho dự trữ vũ khí hạt nhân nhiều hơn cả Trung Quốc, Pháp và Anh cộng lại.

Với mối đe dọa trả đũa hạt nhân định kỳ của Nga đã nảy sinh kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, UGCC nóng lòng nêu bật cam kết liên tục của Ukraine về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Việc tổ chức lễ kỷ niệm cũng sẽ có tác dụng thể hiện cam kết lâu dài về giải trừ quân bị của Ukraine, bất chấp những lời kêu gọi liên tục của nước này về việc hỗ trợ phòng thủ quân sự hơn nữa, bao gồm cả việc sử dụng bom chùm gây tranh cãi.

UGCC cũng mong muốn ưu tiên cả việc phục hồi ngắn hạn lẫn dài hạn sau chiến tranh cũng như việc rao giảng Tin Mừng trong một tình hình hoàn toàn mới.

Với ước tính khoảng 150 người ở Ukraine thiệt mạng mỗi ngày, việc phối hợp hỗ trợ quốc tế là điều cần thiết, cũng như mang lại sự gần gũi mục vụ cần thiết cho những người đã phải trải qua chấn thương chắc chắn sẽ để lại những vết sẹo cho các thế hệ mai sau.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết