Trước Chúa Giêsu, không có tội nhân được loại trừ! Bởi quyền năng chữa lành của Thiên Chúa biết rằng không có yếu đuối nào mà không thể chữa khỏi. Và điều này cho chúng ta sự tin tưởng, mở cửa trái tim ta, để Chúa sẽ đến và chữa lành chúng ta.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT về bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng 13/4 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Anh chị em thân mến!
Chúng ta đã nghe Kinh Thánh nói về việc Chúa Giêsu kêu gọi Thánh Mátthêu. Mátthêu là một viên quan thuế – kẻ làm công tác thu thuế của đồng bào mình nộp Đế quốc La Mã. Do đó, ông bị coi là một tội nhân công khai. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã gọi ông đi theo, trở thành môn đệ của Ngài. Mátthêu đã chấp nhận lời mời gọi ấy và đã mời Chúa Giêsu dùng bữa tối tại nhà mình cùng với các môn đệ.
Sau đó, nhóm Pharisêu và các môn đệ bàn tán xầm xì với nhau tại sao Chúa Giêsu lại ngồi đồng bàn với quân thu thuế và phường tội lỗi? “Nhưng ông không được đến nhà hạng người này”, người ta nói với Đức Giêsu. Trên thực tế, Chúa thường xuyên lui tới nhà họ và đồng bàn với họ. Điều này có nghĩa là họ cũng có thể trở thành các môn đệ của Ngài. Tương tự, không phải cứ là Kitô hữu thì chúng ta vô tội. Noi gương nhân viên thu thuế Mátthêu, mỗi người chúng ta hãy tín thác vào ân sủng của Thiên Chúa dẫu biết rằng chúng ta hết thảy đều tội lỗi.
Tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa. Bằng việc kêu gọi Mátthêu, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta – là những tội nhân – thấy rằng Ngài không nhìn vào quá khứ, không nhìn vào điều kiện xã hội, vào những điều kiện bên ngoài của chúng ta. Nhưng hơn hết, Ngài mở ra cho chúng một tương lai mới tươi sáng hơn. Tôi đã từng nghe một câu nói rất hay: “Không có vị thánh nào mà không có quá khứ và không có tội nhân nào mà lại không có tương lai”. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã thực hiện. Không có một vị thánh nào mà không có quá khứ hoặc không có một tội nhân nào mà không có tương lai. Chỉ cần như vậy thôi cũng đủ để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa với một trái tim khiêm nhường và chân thành.
Giáo hội không phải là một cộng đoàn bao gồm những con người người hoàn hảo, mà là các môn đệ Chúa Kitô đang trên đường lữ hành trần gian, những người theo Chúa bởi vì họ nhận ra chính bản thân họ là những tội nhân và đang cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa. Do đó, đời sống Kitô hữu là một trường dạy về sự khiêm nhường mở ra cho ân sủng.
Những hành động như thế không được hiểu bằng sự giả định về việc tin rằng mình là người “công chính” và tốt hơn những người khác. Sự kiêu ngạo và lòng kiêu hãnh không giúp con người nhận ra bản thân mình đang cần đến ơn cứu độ. Thay vào đó, chúng làm cản trở cái nhìn về diện mạo xót thương của Thiên Chúa và hành động bằng lòng thương xót của Ngài. Chúng là một bức tường ngăn cách. Lòng kiêu ngạo và kiêu hãnh là một bức tường ngăn cản con người với Thiên Chúa.
Nhưng sứ mạng của Chúa Giêsu là đi tìm kiếm mỗi người chúng ta, để chữa lành các vết thương và mời gọi chúng ta bước theo Ngài bằng tình yêu. Ngài nhấn mạnh: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng những người đau yếu mới cần” (Mc 2, 17). Chúa Giêsu giới thiệu chính Ngài là một thầy thuốc tốt lành! Ngài loan báo về nước Thiên Chúa, và các dấu chỉ của sự ngự đến của Ngài là rõ ràng: Ngài chữa lành các bệnh tật, giải thoát con người khỏi sự sợ hãi, khỏi sự chết, khỏi ma quỷ.
Đối với Chúa Giêsu, không một tội nhân nào bị loại trừ – không một tội nhân nào bị loại trừ! Bởi vì năng quyền chữa lành của Thiên Chúa có thể chữa lành hết mọi thương tật, và mang lại cho chúng ta niềm tin và mở tâm hồn chúng ta để Thiên Chúa ngự đến chữa lành những thương tật. Kêu gọi các tội nhân cùng ngồi đồng bàn với Ngài, Ngài chữa lành họ, tái thiết lập nơi họ một ơn gọi mà họ nghĩ là đã đánh mất và việc người Pharisêu đã lãng quên: ơn gọi của những vị thực khách tại bàn tiệc của Thiên Chúa.
Theo ngôn sứ Isaia: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy” (Is 25, 6-9).
Nếu người Pharisêu chỉ nhìn thấy các thực khách chỉ là những tội nhân và từ chối đồng bàn với họ, thì trái lại, Chúa Giêsu nhắc nhớ rằng họ cũng là những người đồng bàn với Thiên Chúa. Vì thế, ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu có nghĩa là được Ngài biến đổi và cứu rỗi. Bàn của Chúa Giêsu mang 2 ý nghĩa trong cộng đồng Kitô giáo: đó là bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể (x. Dei Verbum, 21). Những bàn tiệc này là những phương dược mà Thầy thuốc Giêsu sử dụng để chữa lành và nuôi dưỡng linh hồn mỗi chúng ta.
Nơi bàn tiệc thứ nhất – Lời Chúa – Ngài mạc khải chính Ngài và mời gọi chúng ta đối thoại với Ngài như những người bạn. Chúa Giêsu không hề e ngại khi đối thoại với các tội nhân, phường thu thuế, đĩ điếm. Không, Ngài không sợ. Ngài yêu tất cả mọi người! Lời Ngài sẽ đi vào trong chúng ta, như là một dụng cụ phẫu thuật, giải phẫu ở chiều sâu để giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ đang vây kín cuộc sống mỗi chúng ta. Đôi khi Lời này làm cho chúng ta đau đớn, bởi vì nó cắt vào những thói giả hình, lột mặt nạ những lời biện minh giả tạo, phơi bày sự thật đã giấu kín. Nhưng đôi khi, Lời Ngài soi sáng và thanh luyện, mang lại sức mạnh và niềm hy vọng, là một sự tái cấu trúc qúy giá cho hành trình đức tin của chúng ta.
Nơi bàn tiệc thứ hai – Thánh Thể – nuôi dưỡng chúng ta bằng chính sự sống của Chúa Giêsu, như là một phương dược đầy quyền năng liên tục canh tân ân sủng Phép Rửa của chúng ta một cách nhiệm mầu. Bằng việc siêng năng đến với Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta tự nuôi dưỡng chính mình bằng Mình và Máu của chính Chúa Giêsu, mặc dù, đến với chúng ta là chính Chúa Giêsu sẽ kết hiệp chúng ta với Thân Mình Ngài!
Kết thúc cuộc đối thoại với những người Pharisêu, Chúa Giêsu nhắc nhở họ bằng lời của ngôn sứ Hôsê (6,6): “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Khi nói với dân Israel, vị ngôn sứ quở trách họ vì những lời cầu nguyện họ dâng lên là những lời sáo rỗng và bất nhất. Bất chấp giao ước và Lòng thương xót của Thiên Chúa, dân chúng thường sống với một kiểu tôn giáo “hình thức bề ngoài”, không tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa một cách sâu sắc. Hãy xem vì sao mà vị ngôn sứ khẳng định: “Ta muốn lòng nhân”, đó là, sự trung thành của một tâm hồn nhận biết các tội lỗi của mình, ăn năn sám hối và trở về sống trung thành với giao ước của Thiên Chúa. “Chứ không phải của lễ”: mọi hành động mang tính tôn giáo đều không có tác dụng nếu không có một tâm hồn biết ăn năn sám hối! Chúa Giêsu cũng áp dụng điều này cho các mối quan hệ con người: những người Pharisêu rất chuộng thói hình thức, nhưng họ lại không sẵn lòng đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi; họ không biết ăn năn sám hối, do đó, họ không đặt Lòng thương xót trên hết: mặc dù họ là những quản gia trung thành của Lề Luật nhưng họ lại không biết đến Lòng thương xót của Thiên Chúa! Điều đó như thể khi mỗi chúng ta được trao tặng một bưu phẩm với một món quà ở bên trong, lúc đó, thay vì tìm món quà, chúng ta chỉ lo nhìn ngắm cái vỏ món quà mà không quan tâm đến việc bên trong chứa cái gì: chỉ chú trọng bề ngoài và hình thức, cứ không phải là hạt nhân của ân sủng, quà tặng được trao ban!
Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều được mời gọi đến với bàn tiệc của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đặt mình như thể là những người đang cùng đồng bàn với Ngài và các môn đệ. Chúng ta hãy học cách nhìn anh em đồng loại bằng Lòng thương xót và nhận ra mỗi anh chị em chúng ta đều là những người đồng bàn với Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là những môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cần phải tuân giữ những lời mà Ngài đã truyền dạy. Mỗi chúng ta đều cần nuôi dưỡng chính bản thân chúng ta bằng Lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi vì chính nơi Thiên Chúa ơn cứu độ chứa chan.
Minh Tuệ chuyển ngữ