Giáo hội và nỗi đau của những người ly dị tái hôn (kỳ IV)

“Điều quan trọng là những người ly dị tái hôn từ bỏ sự ở lại trong tình cảnh của họ, là chúng ta không coi rằng chẳng có vấn đề gì sự kết hợp mới mà họ đang sống trong đó, là họ sẵn sàng để được soi sáng bởi ánh sáng của lời Chúa Giêsu. Tất cả những điều gì dẫn đến sự từ bỏ lối sống đó đều là một bước tăng trưởng nhỏ mà chúng ta phải thúc đẩy và làm sinh động”

Trong ba bài tường thuật trước, chúng tôi đã kể hầu quý vị lời giải thích của Đức Hồng y Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý – Đức tin về sự đồng hành với những người ly dị tái hôn, mà Đức Thánh Cha muốn nói trong Tông huấn Amoris Laetitia. Theo đó, đồng hành không có nghĩa là đơn giản cho phép những người ly dị tái hôn rước lễ.

Hôm nay, trong bài tường thuật ngắn này, chúng ta sẽ nghe ý kiến của Đức Hồng y Gerhard L. Müller giải thích ngắn gọn về sự phân định mà trong Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha yêu cầu phải được thực hiện.

Trong văn hóa gia đình mà Giáo hội đang sống và đề nghị với thế giới, Đức Hồng y đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể tự hỏi: những cách thức mới mà “Amoris Laetitia” mời gọi chúng ta mở ra là gì?”

Và ngài trả lời: “Đức Giáo Hoàng suy tư về những cách thức đó khi mời gọi chúng ta phân định và hòa nhập.”

Trước hết là về sự phân định.

Đức Hồng y cho biết: “Một số người giải thích rằng, khi nói chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến các tình tiết giảm nhẹ, Đức Giáo Hoàng có ý yêu cầu sự phân định được dựa trên những sự giảm nhẹ ấy, như thể nó bao gồm việc kiểm tra liệu người đó có tội hay không về phương diện chủ quan.”

Nhưng, theo Đức hồng y, “sự phân định này cuối cùng sẽ là không thể, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu trái tim.”

“Ngoài ra – lời Đức Hồng y -, nhiệm cục bí tích là nhiệm cục của các dấu chỉ hữu hình, chứ không phải của các lập trường nội tâm hay của tội lỗi chủ quan. Việc làm cho nhiệm cục bí tích trở thành cái gì đó riêng tư, chắc chắn sẽ không còn phải là một việc mang bản chất Công Giáo.”

Và Đức Hồng y nhấn mạnh một nguyên tắc hết sức quan trọng của sự phân định: “Đây không phải là phân định một tình trạng nội tâm đơn thuần, nhưng, như Thánh Phaolô nói, “phân định nhiệm thể” (cf. AL 185-186), các mối quan hệ cụ thể nhìn thấy được, trong đó chúng ta sống.”

Đức Hồng y thêm: “Và điều đó có nghĩa rằng Giáo Hội không để chúng ta một mình trước sự phân định này. Bản văn “Amoris Laetitia” đưa ra cho chúng ta những tiêu chí quan trọng.”

Tiêu chí đầu tiên là “mục tiêu mà chúng ta muốn nhắm đến khi phân định. Đó là mục tiêu mà Giáo Hội tuyên bố cho mọi người, trong mọi trường hợp và tình huống, chứ không phải là câm lặng vì tôn trọng hay vì sợ đụng độ với não trạng của thế gian, như Đức Giáo Hoàng nhắc nhở (AL 307).”

Theo Đức Hồng y, việc phân định, trước hết, “nhấn mạnh việc quay về với sự trung thành trong kết ước hôn nhân, bằng cách lại trở vào ngôi nhà  hay con tàu mà lòng thương xót của Thiên Chúa đã cung cấp cho tình yêu và cho khát vọng của con người.”

Từ đó, phải hiểu đúng tiến trình phân định sẽ là như thế nào. Đức Hồng y nói: “Toàn bộ quá trình [phân định] được định hướng, từng bước, với sự kiên nhẫn và lòng thương xót, để tái sinh và chữa lành vết thương mà các anh chị em ly dị tái hôn phải chịu đựng, vết thương đó không phải là sự thất bại của cuộc hôn nhân trước, nhưng là sự kết hợp mới được thành lập.”

Và Đức Hồng y nói rõ: “Như thế, sự phân định là cần thiết không phải để lựa chọn điểm đến, nhưng để lựa chọn con đường.”

Việc xác định đúng mục tiêu này là rất quan trọng: “Có sự rõ ràng trong tâm trí về nơi chỗ mà chúng ta muốn mang người đó tới (sự sống tròn đầy mà Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta), chúng ta sẽ có thể phân định được những cách thế để mỗi người, trong trường hợp cụ thể của mình, có thể đạt thấu nơi chỗ ấy.”

“ Và ở đây xuất hiện tiêu chí thứ hai – Đức Hồng y nói -, đó là logic của các bước nhỏ trong sự tăng trưởng mà Đức Giáo Hoàng đã nói tới (AL 305).”

“Điều quan trọng là những người ly dị tái hôn từ bỏ sự ở lại trong tình cảnh của họ, là chúng ta không coi rằng chẳng có vấn đề gì sự kết hợp mới mà họ đang sống trong đó, là họ sẵn sàng để được soi sáng bởi ánh sáng của lời Chúa Giêsu. Tất cả những điều gì dẫn đến sự từ bỏ lối sống đó đều là một bước tăng trưởng nhỏ mà chúng ta phải thúc đẩy và làm sinh động” – Đức Hồng y giải thích.

“Quả thật, những người muốn ăn Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể cũng sẽ có mong muốn, bằng cách sử dụng hình ảnh Kinh Thánh, ăn lời của Người, đồng hóa lời ấy vào cuộc sống của mình. Hay đúng hơn, như Thánh Augustinô nói, họ sẽ có mong muốn được đồng hóa với những lời ấy. Bởi lẽ không phải là Chúa Giêsu phải thích ứng với mong muốn của chúng ta, nhưng là mong muốn của chúng ta được mời gọi nên giống Chúa Giêsu, để tìm thấy ở nơi Người sự thực hiện đầy đủ của Người.”

(Còn tiếp)

Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết