“Hiểu hôn nhân và Thánh Thể như là những hành vi cá nhân, mà không tính đến lợi ích chung của Giáo Hội, là làm xong việc giải thể văn hóa gia đình (…). Giáo Hội sẽ đánh mất bản chất hiệp thông của mình, là bản chất được thành lập trong bản thể của các bí tích, và sẽ trở thành một bộ sưu tập những chiếc phao cá nhân vu vơ trôi giạt trên biển.”
Tiếp theo các bài tường thuật trước, chúng tôi xin tiếp tục kể hầu quý vị ý kiến của Đức Hồng y Müller về việc giải thích Chương VIII của Tông huấn “Amoris Laetitia” (AL).
Đức Hồng y nói: “Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều, trong những năm qua, về khả năng cho những người ly dị đang sống trong một kết hợp dân sự mới, được rước lễ. Ở đầu “Amoris Laetitia” Đức Giáo Hoàng đã nhắc đến một số lập trường cực đoan mà chúng tôi đã đối mặt. Những lập luận thì rất nhiều và đa dạng, với nguy cơ lạc mất trong đám rừng hàng loạt nố phức tạp. Chúng ta hãy giữ một khoảng cách nhỏ và xem xét vấn đề trong viễn tượng, tạm gác sang một bên các chi tiết.”
“Nếu Giáo Hội cho phép những người ly dị sống trong một kết hợp mới được rước lễ mà không cần yêu cầu họ thay đổi cuộc sống, cho phép họ tiếp tục ở trong tình trạng của họ, thì điều đó há không phải là đơn giản nói rằng Giáo Hội chấp nhận ly hôn trong một số trường hợp nhất định?” – Đức Hồng y đặt câu hỏi.
“Chắc chắn Giáo Hội sẽ không chấp nhận điều đó bằng văn bản – Đức Hồng y quả quyết -, Giáo hội sẽ tiếp tục khẳng định sự bất khả phân ly như một lý tưởng, nhưng đó không phải là đặt nó như lý tưởng mà xã hội của chúng ta cũng thừa nhận? Giáo Hội sẽ nói khác thế gian ở điểm nào?”
Đi sâu vào vấn đề hơn nữa, Đức Hồng y đặt câu hỏi: “Giáo Hội có thể nói rằng mình vẫn còn trung thành với lời của Chúa Giêsu, lời nói rõ ràng, tuy nghe có vẻ cứng cỏi? Há những lời đó không trái với văn hóa, tập quán của thời Ngài, vốn cho phép ly dị dễ dãi để phù hợp với những yếu đuối của con người?”
Quả thực, như lời Đức Hồng y, “Trong thực tế, sự bất khả phân ly của hôn nhân sẽ vẫn là một nguyên tắc tốt đẹp, cho dù nó có không được tuyên xưng trong Bí Tích Thánh Thể, cảnh vực đích thực nơi đó có lời tuyên xưng các chân lý Kitô giáo chạm vào cuộc sống và định dạng cho chứng từ công khai của Giáo Hội.”
Cần chú ý nhìn vấn đề một cách toàn diện. Đức Hồng y trăn trở: “”Chúng ta phải tự hỏi: chúng ta đã không quá xem xét vấn đề này từ các quan điểm cá nhân? Tất cả chúng ta đều có thể hiểu được những mong muốn hiệp thông của các anh em đó và những khó khăn nếu họ phải từ bỏ kết hợp đôi lứa của họ hay phải sống trong nó theo cách khác. Từ quan điểm của mỗi câu chuyện, chúng ta có thể suy nghĩ: sâu xa ra, đâu là cái giá phải trả nếu đồng ý cho họ rước lễ?”
Đức Hồng y trả lời: “Chúng ta đã quên, tôi nghĩ, nhìn mọi thứ từ một góc nhìn rộng hơn, từ Giáo Hội như là hiệp thông, từ thiện ích chung của Giáo Hội.”
“Bởi vì một mặt hôn nhân có bản chất xã hội – Đức Hồng y giải thích. Thay đổi hôn nhân đối với một số trường hợp, có nghĩa là thay đổi đối với tất cả mọi người. Nếu có một số trường hợp trong đó việc sống trái với kết ước bí tích không phải là quan trọng, thì chúng ta cũng không nên nói với các bạn trẻ, những người muốn kết hôn, rằng những ngoại lệ này cũng áp dụng cho họ? Ý tưởng này há không thâm nhập vào ngay cả những cặp vợ chồng đang chiến đấu để duy trì sự hiệp nhất nhưng phải chịu sức nặng của cuộc hành trình và cơn cám dỗ bỏ nhau? Hơn nữa, từ một mặt khác, Thánh Thể có một cấu trúc xã hội (x. AL 185-186), không chỉ phụ thuộc vào các điều kiện chủ quan của tôi, mà còn về cách tôi liên quan với những người khác trong cơ thể của Giáo Hội, vì Giáo Hội sinh ra từ Thánh Thể.”
Và Đức Hồng y mạnh mẽ đưa ra một kết luận quan trọng: “Hiểu hôn nhân và Thánh Thể như là những hành vi cá nhân, mà không tính đến lợi ích chung của Giáo Hội, là làm xong việc giải thể văn hóa gia đình (…). Giáo Hội sẽ đánh mất bản chất hiệp thông của mình, là bản chất được thành lập trong bản thể của các bí tích, và sẽ trở thành một bộ sưu tập những chiếc phao cá nhân vu vơ trôi giạt trên biển.”
(còn tiếp)
Giuse Nguyễn Ngọc Huỳnh