Giáo hội Syro Malabar đang bị khủng hoảng ở Ấn Độ đã đặt ra thời hạn để giải quyết tranh chấp về vấn đề Phụng vụ kéo dài hàng thập kỷ.
Giáo hội tại miền nam bang Kerala đã yêu cầu tất cả các Linh mục đang công khai phản đối trong Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly phải tuân thủ Thánh lễ đã được Thượng Hội đồng phê chuẩn, trong đó vị chủ tế quay lên bàn thờ trong phần Phụng vụ Thánh Thể vào hoặc trước ngày 4 tháng 7 nếu không sẽ bị trục xuất.
Người đứng đầu Giáo hội, Đức Tổng Giám mục Raphael Thattil và Đức Giám mục Bosco Puthur, Giám quản Tông Tòa của Tổng Giáo phận, đã ấn định thời hạn trong một lá thư mục vụ chung được ban hành vào ngày 9 tháng Sáu.
Các vị lãnh đạo Giáo hội cũng yêu cầu đọc thông tư tại tất cả các Giáo xứ vào Chúa nhật ngày 16 tháng Sáu.
Ngoại trừ Tổng Giáo phận, vốn cũng là trụ sở quyền lực của Giáo hội, tất cả 34 Giáo phận của Giáo hội ở Ấn Độ và nước ngoài đã cử hành Thánh lễ được Thượng hội đồng phê chuẩn.
Hầu hết các Linh mục và giáo dân trong Tổng Giáo phận, nơi có khoảng 10% trong số 5 triệu tín hữu của Giáo hội, đã từ chối vì họ muốn các vị chủ tế quay xuống giáo dân trong suốt Thánh lễ.
Thông tư yêu cầu các Chủng sinh và Phó tế của Tổng Giáo phận ký vào một văn bản nói rằng họ sẽ cử hành Thánh lễ đã được Thượng Hội đồng phê chuẩn, nếu không họ sẽ không được truyền chức.
Thông tư nói với các tín hữu Công giáo rằng việc tham dự một Thánh lễ trong Giáo hội ngoài Thánh lễ đã được Thượng Hội đồng phê chuẩn sau ngày 3 tháng 7 sẽ không hợp lệ, và những Thánh lễ như vậy sẽ không hoàn thành nghĩa vụ giữ ngày Chúa nhật.
Thông tư cũng cho biết các Linh mục không có sự ủy nhiệm của Đức Giám mục sẽ không được phép quản lý các Giáo xứ hoặc các tổ chức do Giáo hội điều hành.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo dẫn đầu cuộc đấu tranh nói rằng họ sẽ không chấp nhận Thánh lễ đã được Thượng Hội đồng phê chuẩn.
“Hãy để tôi nói rõ rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận Thánh lễ đã được Thượng Hội đồng phê chuẩn”, Riju Kanjookaran, người phát ngôn của Phong trào Minh bạch của Tổng Giáo phận, đại diện cho các Linh mục, tu sĩ và giáo dân dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối Thánh lễ truyền thống, cho biết.
“Đây là một quyết định tùy tiện được đưa ra mà không hỏi ý kiến các Linh mục và lãnh đạo giáo dân của chúng tôi, và không ai bị buộc phải tuân thủ quyết định đó”, ông Kanjookaran nói với UCA News vào ngày 10 tháng Sáu.
Ông Kanjookaran đã đặt vấn đề về tính hợp lệ của lá thư mục vụ khi một Thượng Hội đồng ngoại thường được triệu tập vào ngày 14 tháng 6 để thảo luận về tranh chấp về vấn đề phụng vụ.
“Điều đó cho thấy rõ ràng rằng Thượng Hội đồng không muốn lắng nghe các Linh mục cũng như giáo dân. Thay vào đó, họ muốn làm theo cách của mình”, ông Kanjookaran cho biết thêm.
Tất cả các Giáo xứ đã thông qua các nghị quyết ủng hộ Thánh lễ truyền thống và trao lại cho Thượng Hội đồng và Vatican. Ông Kanjookaran cho biết Tổng Giáo phận có gần 470 Linh mục, và 450 Linh mục cử hành Thánh lễ truyền thống.
Ông cho biết một phái đoàn bao gồm các nhà lãnh đạo giáo dân đã đến gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 5 vừa qua.
Minh Tuệ (theo UCA News)