Giáo hội Nhật Bản phát động sáng kiến "10 ngày vì Hòa bình"

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422

Giáo hội Công giáo tại Nhật Bản dành sáng kiến cầu nguyện “10 ngày vì Hòa bình” hàng năm với chủ đề “Bảo vệ tất cả mọi sự sống là kiến tạo hòa bình”.

“Bảo vệ tất cả mọi sự sống là kiến tạo hòa bình” sẽ là chủ đề của sáng kiến “10 ngày vì Hòa bình” năm nay, thời gian cầu nguyện hàng năm được Giáo hội Nhật Bản tổ chức từ ngày 6 đến ngày 15 tháng 8 để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Chủ đề từ khẩu hiệu chuyến Tông du của ĐTC Phanxicô

Trong thông điệp nhân dịp này, Đức Giám mục Joseph Mitsuaki Takami Địa phận Nagasaki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản (CBCJ), giải thích rằng chủ đề được rút ra từ khẩu hiệu chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản (từ ngày 23-26 tháng 11 năm 2019), nhấn mạnh mối liên hệ giữa thảm kịch đó và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang diễn ra vốn vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay.

Hòa bình trên thế giới hiện đang bị đe dọa

Vị Giám chức lưu ý rằng hòa bình và sự ổn định của cộng đồng quốc tế ngày nay vẫn bị đe dọa bởi các cuộc xung đột vũ trang, bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn trên toàn thế giới và bởi sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn đang dẫn đến một “cuộc chiến tranh lạnh mới”. Trong bối cảnh này, Đức Cha Takami nói, “chúng ta không thể không kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực đối thoại kiên nhẫn, nhằm xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn”. Đức Giám mục Takami cũng nhận xét rằng, mặc dù Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) có hiệu lực từ ngày 22 tháng 1 năm nay, nhưng vẫn còn nhiều quốc gia vẫn chưa phê chuẩn. “Cả các cuộc xung đột giữa các quốc gia lẫn sự tồn tại của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đều là mối đe dọa đối với hòa bình”, thông điệp nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản cũng nhắc lại rằng ở các quốc gia khác như Myanmar hay Afghanistan, người dân bị từ chối các quyền con người cơ bản của họ và hòa bình bởi “các cường quốc và các thế lực lệch lạc”, những người “ưu tiên vấn đề an ninh quốc gia và của cải” hơn là tôn trọng sự sống con người.

Thế giới cần liên đới hơn

Thông điệp tiếp tục đề cập đến đại dịch COVID-19, nhắc lại lời kêu gọi liên đới hơn nữa. Các quốc gia giàu có hơn và hùng mạnh hơn – Đức Giám mục Takami nói – nên hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn, tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người như nhau nhằm “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau như huynh đệ”, như được kêu gọi trong Văn kiện về Tinh thần Huynh đệ Nhân loại được ký tại Abu Dhabi năm 2019 và Thông điệp “Fratelli Tutti”.

Tất cả mọi sự sống đều cao trọng

Theo vị Giám chức, qua việc dành sự ưu tiên cao nhất cho việc bảo vệ mọi sinh mạng, bất kể xuất thân của họ, “chúng ta thúc đẩy hòa bình”, bởi vì “sự sống không chỉ là cuộc sống của một cá nhân, mà được tạo ra bởi các mối tương quan của con người: do đó, việc bảo vệ tất cả mọi sự sống cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ sự sống của các cá nhân. Hòa bình là sự hài hòa giữa cuộc sống của tất cả mọi người”, thông điệp kết luận.

10 ngày vì Hòa bình” được thiết lập vào năm 1982

Sáng kiến “10 ngày vì Hòa bình” được các Giám mục Nhật Bản thiết lập vào năm 1982, sau “Lời kêu gọi hòa bình tại Hiroshima” của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 25 tháng 2 năm 1981 trong chuyến Tông du Nhật Bản, trong đó Ngài nhấn mạnh rằng “việc hồi tưởng quá khứ cũng đồng nghĩa với việc cam kết vì tương lai ”. Trong chuyến viếng thăm của mình đến đất nước này vào tháng 11 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng trái với luân lý.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube