Giáo hội là "thể chế hoạt động duy nhất" tại Nam Sudan

Trong bối cảnh của chiến tranh và nạn đói kém tại Nam Sudan, Giáo hội Công giáo vẫn đang phục vụ những người dễ bị tổn thương, thậm chí ngay cả khi chính phủ đã sụp đổ.

South_Sudan_Credit_John_Wollwerth_Shutterstock_CNAGiáo hội là “tổ chức hoạt động duy nhất trong xã hội dân sự”, Neil Corkery – Chủ tịch Quỹ cứu trợ Sudan, phát biểu với CNA trong một cuộc phỏng vấn, và đồng thời, Giáo hội cũng “thực sự là tổ chức duy nhất còn lại đang nỗ lực giúp đỡ người dân” – những người đang sống “ở những vùng xa xôi nhất của đất nước”.

Nạn đói gần đây đã được xác nhận ở nhiều nơi trên lãnh thổ Nam Sudan – nơi đã có một cuộc nội chiến đang diễn ra kể từ tháng 12/2013.

Theo ông Corkery, 42% dân số, ước tính khoảng 4,5 triệu người, đang phải đối diện với “tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, và con số này dự kiến sẽ tăng lên một nửa dân số nước này – hay tương đương với con số 5,5 triệu người – vào tháng 7.

Đã có 2,5 triệu người tị nạn được tạo ra bởi cuộc xung đột, ông Corkery cho biết thêm. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng cuộc xung đột đã đạt đến “tỷ lệ hết sức thảm khốc đối với dân thường tại nước này”, tờ South China Morning Post đưa tin hồi tháng trước.

“Cuộc khủng hoảng này là do con người tạo ra, hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột kéo dài gây ra bởi các nhà lãnh đạo Nam Sudan, những người đã không muốn gạt sang một bên những tham vọng chính trị để hoạt động vì lợi ích của người dân”, phát ngôn viên Mark C. Toner thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố ngày 21/2 vừa qua.

“Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Kiir khẩn trương thực hiện tốt lời cam kết của ông để các tổ chức nhân đạo và phát triển sẽ không bị cản trở trong việc tiếp cận những người dân đang cần được giúp đỡ trong cả nước”, ông Toner cho biết thêm.

Gần đây, Tổng thống Salva Kiir đã kêu gọi một ngày cầu nguyện cho đất nước trước một cuộc đối thoại quốc gia. Tuy nhiên, vị Giám mục phụ tá Địa phận Juba đã bác bỏ lời kêu gọi này và đồng thời gọi đây như một “lời cầu nguyện mang tính chính trị” và là “một sự nhạo báng” trong bối cảnh bạo lực xảy ra bởi quân đội chính phủ.

Vì những mâu thuẫn và những chính sách “tàn phá đất đai” của quân đội chính phủ, nhiều người dân đã “không thể trồng trọt gì được”, ông Corkery nói.

Tại một Giáo xứ thuộc Giáo phận Tombura-Yambio, ở phần phía tây nam của đất nước và một khu vực “rất phì nhiêu mầu mỡ” vốn xưa kia từng là khu vực cung cấp ngũ cốc cho cả nước, “những người dân hiện đang phải ẩn nấp, hoặc trú ẩn trong các ngôi thánh đường, và không thể trồng trọt bất cứ thứ gì”, ông Corkery cho biết. “Mọi thứ rõ ràng đang trở nên tồi tệ hơn nhiều”.

“Đó là một cuộc khủng hoảng thực sự đang xuất hiện”, ông Corkery cảnh báo.

Các Giám mục nước này đã lên tiếng chống lại bạo lực, cáo buộc những người lính dính líu đến các tội phạm chiến tranh đồng thời cho biết rằng bạo lực đã làm gián đoạn việc thu hoạch mùa màng của người dân nơi đây.

“Mặc dù chúng tôi kêu gọi tất cả các bên, các đảng phái cũng như các cá nhân phải CHẤM DỨT NGAY CẢNH CHIẾN TRANH, tuy nhiên, việc giết hại, cưỡng hiếp, cướp bóc, người dân bị buộc phải di tản, các cuộc tấn công nhằm vào các ngôi thánh đường và việc phá hủy các tài sản vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước”, các Giám mục Nam Sudan đã cho biết trong một thông điệp mục vụ hôm 23/2 vừa qua.

“Phần lớn bạo lực” – các Giám mục nói – “đang được gây ra bởi chính phủ và các lực lượng đối lập chống lại thường dân”, đặc biệt là các nhóm sắc tộc được coi là liên minh với phe nổi dậy. Và những nạn nhân này “không thể thu hoạch vụ mùa của mình”, các Giám mục cho biết thêm.

Một số thành viên của chính phủ đã làm thất bại các thỏa thuận hòa bình địa phương do Giáo Hội đứng ra làm trung gian – các Giám mục nói – và các ngôi thánh đường, các linh mục cũng như các nữ tu đã bị tấn công.

Hoa Kỳ đã viên trợ “2 tỷ đô-la Mỹ từ năm 2014 dành riêng cho việc viện trợ nhân đạo”, ông Corkery cho biết, thế nhưng các nhân viên cứu trợ của LHQ chỉ có thể hoạt động trong “những nhóm biệt lập nhất định” tại nước này.

Giữa cuộc khủng hoảng trầm trọng và nạn đói đang gia tăng, các linh mục Công giáo, các nữ tu, và các nhà truyền giáo đã và đang nỗ lực để có thể đưa lương thực và thực phẩm đến các vùng xa xôi hẻo lánh đồng thời “tiếp cận những người thực sự nghèo túng và đói khát”.

Đó quả là một công việc không hề dễ dàng chút nào. Ngoài các cuộc xung đột đang diễn ra – nơi mà binh lính có thể tịch thu thực phẩm cũng như những đồ tiếp tế nếu chúng biết rằng đó là những thứ đang được vận chuyển tới người dân, cơ sở hạ tầng hậu cần của nước này quá nghèo nàn, thậm chí chẳng có những con đường được lát đá bên ngoài thủ phủ của Juba, ông Corkery cho biết.

“Những anh hùng thực sự mà tôi thấy ở đây” – ông Corkery cho biết – đó là “những nhà truyền giáo đang hoạt động cật lực trên các chiến tuyến”.

“Những con người này đang tìm kiếm giải pháp lâu dài nếu xét về mặt kế hoạch đối với hành trình đời sống mai hậu của con người, đó chính là sự cứu rỗi linh hồn của người dân”.

Nhiều người cộng tác với tổ chức phi chính phủ ‘Samaritan’s Purse’ đã bị bắt giữ hoặc bị bắt cóc bởi các chiến binh phản chiến gần Mayendit hôm 13/3 vừa qua.

Vào đầu tháng này, Nam Sudan tuyên bố kế hoạch thu 10.000 đô la cho mỗi thị thực đối với các nhân viên cứu trợ nước ngoài.

“Chính phủ và quân đội đã góp phần đẩy đất nước vào tình hình khủng hoảng nhân đạo hiện nay. Và hiện tại, họ lại muốn trục lợi từ chính cuộc khủng hoảng mà họ đã tạo ra”, Elizabeth Deng – một nhà nghiên cứu của Nam Sudan thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế, cho biết trong một phản ứng trước tuyên bố trên.

Bất chấp những nỗ lực hết sức anh hùng của các nhà truyền giáo, Quỹ cứu trợ Sudan và các nhóm trợ giúp khác như Tổ chức Viện trợ cho các Giáo hội đang cần được giúp đỡ và Samaritan’s Purse, thì một nền hòa bình lâu dài chính là giải pháp lâu dài duy nhất cho tất cả các vấn đề của đất nước.

Cầu nguyện là điều quan trọng nhất mà người Công giáo Hoa Kỳ có thể làm để có thể giúp đỡ tình hình – ông Corkery cho biết – vì hòa bình chỉ có thể xảy ra thông qua “việc cầu nguyện và ân sủng hoạt động nơi tâm hồn và tâm trí của những bộ tộc cũng như những đảng phái chỉ thích gây ra cảnh chiến tranh”.

Tuy nhiên, mọi công dân cũng có thể yêu cầu các thành viên Quốc hội “thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực nhiều hơn” đối với các nhà lãnh đạo Nam Sudan. Ông Corkery cho biết chính phủ Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu liệt kê danh sách các nhà “lãnh đạo hàng đầu như những bọn tội phạm chiến tranh” tại đất nước này.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng tại nước này đồng thời bày tỏ mong muốn được đến thăm quốc gia đầy đau khổ này. Tuy nhiên, tất cả các chi tiết về chuyến đi này vẫn chưa được tiết lộ, ông Corkery nói.

“Đức Thánh Cha và Giáo hội” – ông Corkery cho biết – “là người duy nhất có khả năng triệu tập, quy tụ các đảng phái lại với nhau” nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình. ĐTC Phanxicô sẽ nỗ lực “kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung vào tình hình khủng hoảng hiện nay tại nước này” đồng thời “triệu tập các bên có liên quan nhằm nỗ lực đưa họ đến cuộc thảo luận nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube