Giáo hội Công giáo đã thay đổi như thế nào trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô?

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 26 tháng 6 năm 2019 (Ảnh: Daniel Ibanez/CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 26 tháng 6 năm 2019 (Ảnh: Daniel Ibanez/CNA)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được bầu làm Giáo hoàng cách đây 10 năm, vào ngày 13 tháng 3 năm 2013. Kể từ đó, Giáo hội Công giáo toàn cầu đã thay đổi như thế nào?

Nói theo những con số thống kê, Giáo hội đã phát triển, theo kịp và thậm chí vượt quá mức tăng dân số chung của thế giới. Tổng số tín hữu Công giáo trên toàn thế giới đã tăng từ 1,253 tỷ vào năm 2013 lên 1,378 tỷ vào năm 2021, tăng gần 10%. Trong cùng thời kỳ, dân số thế giới nói chung tăng 9,1%, theo Ngân hàng Thế giới.

Bất chấp sự gia tăng này, Giáo hội đã chỉ ban Bí tích Rửa tội cho chưa đến 2 triệu người vào năm 2020 so với năm 2013. Số lượng các cuộc hôn nhân đã giảm 702.246, tức gần một phần ba. Số lượng người lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu cũng giảm lần lượt là 12% và 13%, mặc dù mức độ tham dự Thánh lễ tương đối ổn định ở 13 quốc gia Công giáo nhất trên thế giới.

Một nhà nghiên cứu Công giáo phát biểu với CNA trong tuần này rằng lý do lớn nhất có thể dẫn đến sự sụt giảm này trong việc tham dự các Bí tích không khó đoán – ba trong số 10 năm Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đánh dấu bởi ảnh hưởng của đại dịch trên toàn thế giới. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất, nhà nghiên cứu này cho biết.

“Tôi không biết liệu thế giới Công giáo có thay đổi nhiều như thế giới [nói chung] đã thay đổi hay không”, Mark Gray, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Hoạt động Tông đồ (CARA) tại Đại học Georgetown, phát biểu với CNA.

“Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám mục đã phải nỗ lực vượt qua một số thay đổi nhân khẩu học thực sự đầy thách thức cũng như đại dịch. Và Giáo hội Công giáo đã vượt qua những điều này tốt hơn nhiều giáo phái Kitô giáo khác. Vì vậy, có những tin tức tốt lành ở đó, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Có một cơn gió ngược, tôi có thể nói như vậy, đang thổi ngược lại Giáo hội”.

Việc suy giảm sự tham dự các Bí tích trên toàn thế giới không chỉ do đại dịch, ông Gray cảnh báo, mà đúng hơn là một phần của xu hướng nhân khẩu học lớn hơn nhiều trên toàn thế giới về tỷ lệ sinh giảm.

Theo các chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới, kỳ vọng sống khi sanh đã tăng trên toàn cầu từ 51 tuổi vào năm 1960 lên 72 tuổi vào năm 2020. Đồng thời, ông Gray viết, tỷ suất sinh trên 1.000 người đã giảm từ 32 vào năm 1960 xuống còn 17 vào năm 2020.

“Số lượng ca sinh dự kiến sẽ giảm hàng năm trong tương lai gần, cuối cùng sẽ vượt qua số ca tử vong vào năm 2085, theo dự đoán của Liên Hợp Quốc”, ông Gray viết trong một bài đăng trên blog ngày 9 tháng 3.

“Dân số sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới khi tuổi thọ trung bìn tiếp tục tăng nhưng đồng thời tỷ lệ sinh sẽ giảm và điều đó sẽ dẫn đến ít người được rửa tội hơn, ít người lãnh nhận Bí tích Rước lễ lần đầu hơn, ít học sinh hơn, và thậm chí còn ít hơn các cuộc hôn nhân hàng năm chỉ bằng số lượng thay đổi nhân khẩu học mà chúng ta đang trải qua”.

Ông Gray viết rằng toàn bộ tác động của các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19, vốn ngăn cản người Công giáo trên khắp thế giới tiếp cận các Bí tích trong một thời gian, có thể sẽ mất nhiều năm để định lượng đầy đủ. Ông cũng cảnh báo rằng hai trong số những nguồn tin có căn cứ đích xác nhất về số lượng người Công giáo có sự tụt lại đáng kể trong số liệu của họ. Bộ dữ liệu đầy đủ gần đây nhất có trong ấn bản hiện tại của Niên giám Thống kê Giáo hội (Annuario Statisticum Ecclesiae) của Vatican là cho năm 2020, mặc dù tờ báo của Vatican đã xuất bản một bản tóm tắt về số liệu thống kê năm 2021 vào đầu tháng này. Danh mục Công giáo Chính thức, bao gồm Hoa Kỳ, sẽ kéo dài đến năm 2021.

“Bất kỳ tác động nào, dù tích cực hay tiêu cực, mà Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đã có sẽ bị lu mờ bởi tác động của đại dịch COVID-19 khi dữ liệu mới nhất của chúng tôi đại diện cho năm 2020 và 2021”, ông Gray viết.

“Chúng tôi biết rằng khi xem xét dữ liệu của Giáo hội trong những năm này, chúng ta sẽ thấy mức độ tham dự Thánh lễ và thực hành Bí tích thấp hơn do tác động của các biện pháp phong tỏa, những hạn chế và sự do dự của mọi người trong việc tụ tập thành đám đông trong không gian kín trong suốt 2 năm đó”.

Các chỉ số thống kê khác đưa ra một bức tranh hỗn hợp về sự phát triển của Giáo hội trong một số lĩnh vực và sự suy thoái ở những lĩnh vực khác. Ví dụ, tổng số học sinh trong các trường Công giáo tăng 7,3% kể từ năm 2013.

“Một trong những dấu hiệu thực sự tươi sáng cho Giáo hội là sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục Công giáo trên toàn cầu; nhiều thanh thiếu niên trên thế giới đang được giáo dục trong các trường Công giáo hơn so với những năm và những thập kỷ trước”, ông Gray lưu ý với CNA.

Con số các Linh mục triều trên toàn thế giới dường như không thay đổi trong thập kỷ dưới Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong khi số Linh mục Dòng chỉ giảm nhẹ. Số lượng các Nữ tu trên toàn thế giới sụt giảm mạnh hơn, gần 11%.

Tuy nhiên, theo Vatican, số lượng Chủng sinh trên toàn thế giới đã giảm kể từ năm 2013. Báo cáo năm 2021 cho thấy số lượng chủng sinh trên toàn cầu đã giảm 1,8% kể từ năm 2020. Mức giảm mạnh nhất là ở Bắc Mỹ và Châu Âu, nơi có số lượng Chủng sinh giảm 5,8% ở cả hai châu lục.

Mặc dù có sự tăng trưởng tổng thể về số lượng người Công giáo trên toàn thế giới, nhưng sự tăng trưởng đó không được phân bổ đồng đều. Nhìn chung, Châu Phi có tỷ lệ rửa tội cao hơn Châu Âu và tỷ lệ tham dự Thánh lễ cao hơn nhiều ở các quốc gia có đông đảo người Công giáo. Một phân tích khác gần đây của CARA cho thấy Nigeria, Kenya và Lebanon có tỷ lệ người Công giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần hoặc nhiều hơn cao nhất, với Nigeria rõ ràng là quốc gia dẫn đầu. 94% người Công giáo ở Nigeria nói rằng họ tham dự Thánh lễ ít nhất là hàng tuần. Ở Kenya, con số này là 73% và ở Lebanon là 69%. Để so sánh, các nước như Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan đều dưới 15%.

Ngoài ra, châu Phi đánh bật xu hướng suy giảm ơn gọi bằng cách cho thấy sự gia tăng số lượng Chủng sinh và Tu sĩ, theo thống kê năm 2021 của Vatican. Châu Phi cũng chứng kiến sự gia tăng duy nhất về số lượng Chủng sinh và Tu sĩ trên toàn cầu từ năm 2020-2021, ở mức 0,6%. Số anh em Tu sĩ ở Châu Phi tăng 2,2% trong cùng khung thời gian.

Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ưu tiên quan tâm công việc mục vụ cho Châu Phi, khiến chuyến viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Công giáo và Nam Sudan đông đảo người Công giáo vào tháng trước được chào đón nhiệt tình.

Tập trung vào Hoa Kỳ – nơi chỉ có 5% người Công giáo trên thế giới sinh sống – bức tranh kém lạc quan hơn một chút. Trái ngược với con số ổn định của toàn thế giới, số Linh mục triều ở Hoa Kỳ đã giảm 8% từ năm 2013 đến năm 2021. Có ít hơn 27% Nữ tu, 19% Tu sĩ nam và 15% Linh mục so với cách một thập kỷ, mặc dù số lượng các Phó tế vĩnh viễn đã tăng nhẹ, khoảng 3%. Ông Gray cho biết Hoa Kỳ phụ thuộc một cách không cân xứng vào các Linh mục nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu Linh mục của chính mình.

Ngoài ra, theo Khảo sát xã hội chung, việc tham dự Thánh lễ hàng tuần của người Công giáo ở Hoa Kỳ đã giảm từ 25% vào năm 2012 xuống còn 17% từ năm 2020-2021. Sự sụt giảm trong việc tham dự các Bí tích ở Hoa Kỳ – rửa tội, kết hôn, v.v. – phản ánh các xu hướng toàn cầu.

 Đồng thời, “kể từ năm 2013, chúng ta đã mất hơn 1.000 Giáo xứ do tái tổ chức và đóng cửa”, ông Gray lưu ý.

“Việc cầu nguyện hàng ngày đã giảm từ 59% xuống 51% từ năm 2012 đến năm 2020-2021. Không giống như việc tham dự Thánh lễ, người ta có thể cầu nguyện tại nhà và điều này lẽ ra không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Nếu có bất cứ điều gì, người ta có thể nghĩ rằng người Công giáo sẽ cầu nguyện thường xuyên hơn trong khoảng thời gian đó”.

Ông Gray một lần nữa cảnh báo rằng có nhiều thay đổi lớn hơn về nhân khẩu học và xã hội đang diễn ra ở Hoa Kỳ – và trên thế giới nói chung – hơn là chỉ có thể quy cho sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Không ai nên trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô một phiếu báo cáo 10 năm dựa trên dữ liệu mới nhất hiện có”, ông Gray kết luận.

“Và khi có nhiều dữ liệu có thể so sánh hơn hậu COVID-19, bất kỳ ‘điểm số’ nào được đưa ra cho những thay đổi về số lượng Bí tích được cử hành nên được xem xét trong bối cảnh những gì đang xảy ra về mặt nhân khẩu học trên toàn cầu”.

Trò chuyện với CNA, ông Gray cho biết thêm: “Thật khó để so sánh điều này [giữa năm 2013 và năm 2023] bởi vì chúng ta có những sự tụt lại này trong số liệu… Chúng ta sẽ biết rõ điều đó trong một vài năm khi dữ liệu bắt kịp chúng ta”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube