Giáo hội Á châu phải đồng hành với người nghèo

Một người đàn ông sử dụng chiếc bè ngẫu hứng để thu thập nhựa và vật liệu tái chế trôi nổi giữa các thùng rác và hoa súng tại một con sông ô nhiễm ở Manila. Nhiều người Công giáo Philippines sống trong cảnh nghèo đói (Ảnh: AFP)

Một người đàn ông sử dụng chiếc bè tự chế để thu gom nhựa và vật liệu tái chế trôi nổi xung quanh những thứ rác rưởi và hoa súng trên một con sông ô nhiễm ở Manila. Nhiều người Công giáo Philippines hiện đang sống trong cảnh nghèo đói (Ảnh: AFP)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngừng nhấn mạnh sự cần thiết đối với Giáo hội Công giáo để trở thành một Giáo hội của người nghèo kể từ khi ngài trở thành người đứng đầu Giáo hội cách đây bảy năm. Ở Châu Á, nơi nhiều người Công giáo đã nghèo nàn về mặt xã hội hoặc kinh tế, sự nhấn mạnh này của Đức Thánh Cha có ý nghĩa gì?

Trong nhiều trường hợp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy châu Á và châu Phi chính là ưu tiên của ngài, phần lớn là do Giáo hội Công giáo đang trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ ở các lục địa này trong khi suy giảm ở châu Âu và châu Mỹ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm nhiều quốc gia ở châu Á hơn bất kỳ châu lục nào khác – từ các thành trì của Giáo hội Công giáo ở Philippines và Hàn Quốc cho đến các Giáo hội thiểu số ở Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh, Thái Lan và Nhật Bản. Đức Thánh Cha thậm chí đã đến thăm một khu vực xung đột đang hoạt động như Iraq.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bỏ qua các quy ước về việc bổ nhiệm Hồng y ở các quốc gia châu Á như Myanmar, Bangladesh, Malaysia và Brunei mà trước đây chưa từng có Hồng y. Đó là một phần trong nỗ lực “đến với các khu vực ngoại vi” để nhấn mạnh rằng tất cả các cộng đồng đều quan trọng trong đời sống của Giáo hội, dù nhỏ bé đến đâu.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã bổ nhiệm các Hồng y châu Á vào các chức vụ chủ chốt của Vatican. Đức Hồng y Oswald Gracias của Ấn Độ là một thành viên trong “nhóm cố vấn” về việc điều hành Giáo hội, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle Địa phận Manila hiện là Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giảng Phúc âm cho các Dân tộc, và Đức Tổng Giám mục Nam Hàn Lazarus You Heung-sik gần đây đã được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Giáo sĩ.

Sự bao gồm và lòng trắc ẩn của Đức Thánh Cha đối với người nghèo và các Giáo hội đau khổ ở Châu Á là điều rõ ràng và có thể nhìn thấy được. Nhưng có rất nhiều vấn đề được đặt ra về việc liệu sự tôn vinh và sự nổi bật đó được ban tặng cho các Giáo hội ở châu Á có khiến họ chú ý đến những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành “một Giáo hội của người nghèo vì người nghèo” hay không.

Các Giáo hội châu Á bao gồm các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội và cực kỳ nghèo như người dân thuộc các bộ tộc, người Dalits trước đây bị coi khinh và những người lao động đang gặp khó khăn. Châu Á có 120 triệu người Công giáo, chiếm hơn 11% tổng số trên toàn thế giới. Nhưng hầu hết trong số đó, khoảng 106 triệu, là ở Nam Á (20 triệu) và Đông Nam Á (86 triệu).

Phần lớn người Công giáo châu Á đều ở Philippines (85 triệu) và Ấn Độ (19 triệu), nhưng họ phải chịu cảnh nghèo đói về kinh tế và xã hội. Ví dụ, khoảng 80% người Công giáo Ấn Độ được báo cáo là những người gốc bộ lạc và người Dalit, những người bị phân biệt đối xử xã hội và nghèo đói về tài chính. Tại quốc gia Philippines đa số theo Công giáo, khoảng 20% người dân sống dưới mức nghèo khổ, không có đủ thức ăn hàng ngày.

Ở các quốc gia như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar, người Công giáo không chỉ nghèo mà còn bất lực và không có tiếng nói. Những công nhân vệ sinh Kitô giáo nghèo ở Pakistan, các Kitô hữu bộ lạc bị bóc lột ở Bangladesh hay các Kitô hữu Dalit bị áp bức ở Ấn Độ tiếp tục hao mòn trong vòng xoáy của sự đói nghèo và khốn khổ không ngừng. Nhưng hàng giáo phẩm của Giáo hội không thể tiếp cận những cộng đồng bị áp bức này một cách hiệu quả.

Hơn nữa, bộ mặt của Giáo hội tiếp tục mang tính chất La Mã và phương Tây, không đại diện cho đa số các thành viên của nó. Hàng triệu đô la được quyên góp mỗi năm nhân danh các cộng đồng nghèo này, nhưng khoản thu nhập đó không thể cải thiện hoàn cảnh của họ và phản ánh bộ mặt của họ trong Giáo hội.

Cũng có những cáo buộc về sự phân biệt đối xử xã hội và chủng tộc đối với các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội từ các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Châu Á. Sự đòi hỏi liên tục đối với các Giám mục Dalit ở Ấn Độ là một ví dụ. Nhiều Kitô hữu nghèo thậm chí không nhận thức được rằng họ có quyền trong việc đưa ra quyết định đối với Giáo hội của họ.

Những ngôi Thánh đường hoành tráng và các cơ sở lớn ở các thành phố và thị trấn của Châu Á đã trở thành bộ mặt của Giáo hội. Các nhà lãnh đạo Giáo hội thường được nhìn thấy đang chén chú chén anh với giới tinh hoa chính trị và kinh doanh. Các vị Mục tử, vẫn là một phần của Giáo hội khải hoàn, đảm bảo rằng họ không mang mùi giống như những con chiên của họ.

Khi quyền của các cộng đồng bị bủa vây của họ bị vi phạm, thường thì các nhóm nhân quyền và những người theo chủ nghĩa nhân văn tự do sẽ đứng lên thách thức những kẻ vi phạm thay vì các nhà lãnh đạo Giáo hội. Thường thì những giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân dám lên tiếng chống lại những bất công sẽ bị bịt miệng và bị gán cho là những kẻ gây rối, những người không “nghĩ đến Giáo hội”.

Cái chết bi thảm của Linh mục Dòng Tên người Ấn Độ Stan Swamy nói lên nhiều điều về sự im lặng có chủ ý và chát chúa của Giáo hội trong thời kỳ khủng hoảng đối với người nghèo và những người ủng hộ họ. Đó không phải là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói đến khi ngài nói vai trò của Giáo hội là “những người bảo vệ những người nghèo nhất, yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất”.

Một thực tế đáng buồn khác ở nhiều nơi ở châu Á đó là các nhà thờ vẫn bị mắc kẹt trong “pháo đài Công giáo”, nơi các nhà lãnh đạo sử dụng Giáo lý của Giáo hội như một thanh gươm để trấn áp những người tư duy đột phá. Một nhà thần học-Linh mục người Indonesia gần đây đã bị chỉ trích dữ dội, chủ yếu là từ các giáo sĩ, vì bày tỏ quan điểm ủng hộ quan hệ đồng giới. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy việc các nhà thờ ở châu Á có thể không khoan dung như thế nào khi đề cập đến các vấn đề nóng bỏng.

Các Giáo hội ở châu Á thường im lặng khi các quyền cơ bản của xã hội chính thống bị vi phạm. Cho dù đó là các cuộc bầu cử gian lận và các vụ giết người ngoại tụng ở Bangladesh, việc tàn phá rừng và sinh kế của người dân bộ tộc ở Ấn Độ hay tai họa của nạn buôn người và vấn nạn lạm dụng trẻ em ở Philippines và Thái Lan, các nhà lãnh đạo Giáo hội có xu hướng giữ khoảng cách an toàn.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã coi chủ nghĩa giáo sĩ trị và tư tưởng tham danh vọng như một “căn bệnh ung thư” gây ra những tổn hại không thể chữa trị được đối với Thân thể Chúa Kitô. Hầu hết các giáo sĩ và tu sĩ Công giáo ở châu Á vẫn nỗ lực làm việc để leo lên những nấc thang địa vị trong hàng giáo phẩm. Đối với họ, việc làm hài lòng các nhà lãnh đạo hàng đầu, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc bỏ qua các giá trị của sự công bằng và sự nghèo đói trong Kinh Thánh, vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nhờ các vị trí trong hàng Giáo phẩm, các giáo sĩ và tu sĩ có xu hướng được tôn sùng như các lãnh chúa và hoàng tử thời trung cổ, chứ không phải là “những Mục tử mang mùi của chiên” và họ vẫn bị tách biệt khỏi quần chúng. Sự minh bạch tài chính và sự tham gia của anh chị em giáo dân vào việc đưa ra quyết định thường trở thành nguyên lý nhân quả. Một Giám mục người Indonesia đã bị cách chức vì phung phí hơn một triệu đô la tiền quỹ của Giáo hội và có cả một nhân tình. Một Giám mục Ấn Độ bị cáo buộc cưỡng hiếp một Nữ tu và một Hồng y Ấn Độ đã bị cáo buộc về các giao dịch đất đai gây tranh cãi chỉ là một vài trong số các vụ việc được báo cáo.

Việc trao quyền cho giáo dân được nói đến nhiều hơn là hành động. Bảy thập kỷ sau khi Công đồng Vatican II nhấn mạnh về sự tham gia của giáo dân trong việc quản lý và điều hành của Giáo hội, không có hành động nghiêm túc nào được chứng kiến ở khu vực này của thế giới. Hầu hết các giáo sĩ không muốn chia sẻ quyền lực với giáo dân, vì sợ hệ thống “quan trọng nhất” của họ trong Giáo hội có thể bị đe dọa. Điều đó trái ngược với những điều Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: “Quyền lực đích thực xuất phát từ sự phục vụ”.

Các Giáo hội châu Á bày tỏ sự hăng hái to lớn đối với Thông điệp Laudato Si’ mang tính đột phá về môi trường của Đức Thánh Cha Phanxicô, dẫn đến một loạt các chương trình và hoạt động tiếp tục trong 5 năm sau. Tuy nhiên, tài liệu đặc biệt này đã không tạo được làn sóng mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia châu Á vì các nhà lãnh đạo Công giáo không thể tìm thấy bất kỳ dự án quốc gia hoặc khu vực có tổ chức nghiêm túc nào để đưa các Giáo huấn của Giáo hội vào thực tế.

Hàng Giáo phẩm châu Á ca ngợi Đức Thánh Cha Phanxicô như một nhà lãnh đạo vĩ đại và trích dẫn công phu về ngài trong các bài giảng và các cuộc hội thảo. Tuy nhiên, lời khuyên của ngài hầu như không bao giờ được tuân theo khi họ thách thức quan niệm về Giáo hội và sự tiện nghi của cuộc sống.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Châu Á cần tổ chức hành động của họ bằng cách nhận ra rằng “thời gian lớn hơn không gian” để Giáo hội của Đức Kitô không bị biến thành một thực thể tự quy chiếu có thể bị ốm yếu vì bị giam cầm. Họ cần phải dám bước ra đường với những người nghèo khổ, bất lực và thậm chí gặp “tai nạn”.

Họ cần phải hiểu rằng “thực tế quan trọng hơn ý tưởng” như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói. Việc phớt lờ những thực tế của châu Á nghèo đói và không hoạt động để trở thành một Giáo hội vì người nghèo sẽ khiến các Giáo hội châu Á trở thành vết tích của đức tin trong tương lai gần, giống như tình trạng của phương Tây ngày nay.

Rock Ronald Rozario

** Rock Ronald Rozario bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình với UCA News vào năm 2008. Sinh sống tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, Rock đã đưa tin về các vấn đề xã hội, tôn giáo, chính trị và nhân quyền ở Bangladesh và Châu Á. Rock có bằng tốt nghiệp tiếng Anh và báo chí.

Các quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm biên tập chính thức của UCA News.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube