Ghé thăm con đường tại Burkina Faso được đặt tên để vinh danh Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI

Đức Tổng Giám mục Michael Crotty, Sứ Thần Tòa Thánh, khánh thành biển hiệu mới của Đường Giáo hoàng Bênêđictô XVI ở thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso (Ảnh: Linh mục Paul Dah)

Đức Tổng Giám mục Michael Crotty, Sứ Thần Tòa Thánh, khánh thành biển hiệu mới của Đường Giáo hoàng Bênêđictô XVI ở thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso (Ảnh: Linh mục Paul Dah)

Một Hồng y ở Burkina Faso cho biết rằng việc đặt tên một con đường theo tên của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã mang lại “hy vọng” cho đất nước, châu Phi và thế giới.

Đức Hồng Y Philippe Ouédraogo đã phát biểu tại buổi lễ khánh thành Rue Pape Benoît XVI (Đường Giáo hoàng Bênêđictô XVI) vào ngày 13 tháng 6 năm 2021 tại thủ đô Ouagadougou.

Đại lộ trước đây được gọi là đường 54.160, theo ACI Africa, đối tác tin tức của CNA ở Châu Phi. Đó là vị trí của Tòa Khâm Sứ tại nước này.

Tại buổi lễ, Đức Hồng y Ouédraogo đã mô tả Đức Bênêđictô XVI như một vị mục tử vĩ đại, người mà tên tuổi “mang lại hy vọng cho Burkina Faso, cho Châu Phi và cho thế giới, đồng thời thúc đẩy tinh thần đối thoại, hòa giải, công lý và hòa bình trong trái tim của tất cả mọi người”.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, hưởng thọ 95 tuổi. Ngài giữ chức vụ Giáo hoàng từ năm 2005 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2013.

“Chúng ta hãy biến con phố này thành nơi hòa bình đánh thức đức tin”, Đức Tổng giám mục Địa phận Ouagadougou phát biểu tại buổi lễ.

Đức Tổng Giám mục Michael Crotty, Sứ thần Tòa Thánh tại Burkina Faso và Niger, phát biểu tại buổi lễ rằng việc đặt tên con phố này là “một dấu hiệu bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI, … người đã thành lập Tòa Khâm Sứ tại Ouagadougou vào ngày 12 tháng 6 năm 2007, và cùng ngày đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Vito Rallo làm Sứ thần Tòa Thánh đầu tiên tại quốc gia này”.

Burkina Faso là một quốc gia không giáp biển ở Tây Phi với dân số 20 triệu người, khoảng 19% trong số đó là người Công giáo đã được rửa tội.

Vị Sứ Thần Tòa Thánh sinh ra ở Ireland đã cảm ơn hội đồng thành phố Ouagadougou vì vinh dự được trao cho Đức nguyên Giáo hoàng, đồng thời cũng cho biết thêm rằng con phố này cũng rất quan trọng vì “văn phòng hiệu trưởng của Đại học Công giáo Tây Phi (UCAO) cũng nằm trên Đường Bênêdictô XVI”.

“Cá nhân tôi hài lòng rằng kể từ bây giờ, trụ sở chính của UCAO sẽ mang tên Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI, được biết đến với tầm hiểu biết và sức mạnh trí tuệ, cũng như sự cống hiến của ngài cho việc tìm kiếm chân lý”, Đức Tổng Giám mục Crotty nói.

Đức Tổng Giám Mục Michael Crotty, Thị trưởng Armand Béouindé, và Đức Hồng Y Philippe Ouédraogo (Ảnh: Linh mục Paul Dah)

Đức Tổng Giám Mục Michael Crotty, Thị trưởng Armand Béouindé, và Đức Hồng Y Philippe Ouédraogo (Ảnh: Linh mục Paul Dah)

Đức Tổng Giám mục Crotty giải thích rằng việc có một phái đoàn ngoại giao vừa là một tuyên bố vừa là một cam kết “nhằm làm sâu sắc thêm và củng cố các mối quan hệ song phương, và không có cách nào tốt hơn để làm điều đó ngoài sự hiện diện trực tiếp”.

“Thật vậy, trong 9 tháng kể từ khi tôi đến Burkina Faso, niềm vui lớn nhất đối với tôi khi trở thành đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô là cho thấy ngài hiện diện ở bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến, một sự hiện diện có thể thực hiện được nhờ Đức Bênêđictô XVI, người đã thành lập phái đoàn ngoại giao này của Tòa Thánh tại Burkina Faso và Niger tại Ouagadougou”, vị Giám chức nhận xét.

“Tôi hy vọng rằng những liên kết này giữa chúng ta sẽ đơm hoa kết trái vì hòa bình và hòa giải cho thế giới của chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Crotty nói.

Với tư cách là Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI đã đến thăm quốc gia láng giềng của Burkina Faso, Benin, vào năm 2011 nhưng ngài không đến Burkina Faso.

Armand Béouindé, thị trưởng của Ouagadougou, tại buổi lễ vào tháng 6 năm 2021 đã mô tả Đức Bênêđictô XVI là “một người luôn nỗ lực dấn thân cho tinh thần hòa giải giữa các dân tộc, cho cuộc đối thoại liên tôn và cho đức tin”.

“Việc đổi mới bản sắc của con phố này sẽ khắc sâu hơn nữa vào ký ức tập thể của người dân chúng tôi tên tuổi của một nhân vật lỗi lạc, đó là Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI”, ông Béouindé nói.

Ông Béouindé cũng cho biết thêm rằng Đức Bênêđictô XVI “không chỉ cho phép thiết lập mối quan hệ ngoại giao bền chặt giữa Burkina Faso và Tòa Thánh, mà còn nhờ ngài mà Tòa Khâm Sứ mới được xây dựng vào năm 2007”.

Thị trưởng Ouagadougou cho biết rằng chính quyền của ông đã chú ý đến yêu cầu của vị Đại diện của Đức Giáo hoàng trong nước “đặt tên con đường trước cổng chính của Tòa Khâm Sứ, cũng là nơi đặt trụ sở của trường đại học Công giáo, là Đường Giáo hoàng Bênêđictô XVI”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube