Đức Tổng Giám mục Shevchuk: ‘Tội ác chiến tranh ở Ukraine phải bị lên án’

Ảnh tư liệu: Đức Thánh Cha Phanxicô cùng Đức Tổng Giám mục Shevchuk khi Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám mục Ukraine tại Vatican (ANSA)

Ảnh tư liệu: Đức Thánh Cha Phanxicô cùng Đức Tổng Giám mục Shevchuk khi Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám mục Ukraine tại Vatican (ANSA)

Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, khẳng định rằng những tội ác chiến tranh phải bị lên án khi ngài phát biểu tại một hội nghị của tổ chức “Viện trợ các Giáo hội Đau khổ” cùng với Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine.

 Ngày 24 tháng 2 sẽ đánh dấu kỷ niệm 2 năm cuộc chiến ở Ukraine với cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào quốc gia láng giềng vào năm 2022. Số người chết tiếp tục gia tăng, cũng như mức độ tàn phá trong cuộc xung đột thực tế đã có từ 10 năm trước, với việc Nga sáp nhập Crimea.

Những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho quốc gia đang bị bao vây là vô số kể, và bao gồm cả lời kêu gọi gần đây nhất của ngài tại buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, nơi ngài một lần nữa kêu gọi chấm dứt sự đau khổ.

Suy ngẫm về tình hình hiện tại trong cuộc họp báo do Quỹ Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) tổ chức, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, đã than phiền về thảm kịch tiếp tục gây tổn hại cho người dân và đất nước của ngài.

Hội nghị được tổ chức để đánh dấu kỷ niệm 10 năm bắt đầu cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine, bắt đầu bằng việc xâm chiếm Crimea và một phần miền Đông Ukraine, vào ngày 20 tháng 2 năm 2014, cũng như 2 năm cuộc xâm chiếm toàn diện vào 2022. Tổ chức Giáo hoàng, vốn đã dành riêng Chiến dịch Mùa Chay năm 2024 cho Ukraine, đã tổ chức sự kiện này để tìm hiểu thêm về tình hình mà các Kitô hữu phải đối mặt trong nước.

Sự dau khổ và chết chóc tiếp tục

 Theo ước tính của cơ quan không chính thức, trong gần 2 năm kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga, số thương vong về mặt quân sự đã lên tới khoảng nửa triệu người.

Gần 22.000 thường dân thương vong do các cuộc giao tranh và không kích, và khoảng 17,6 triệu người Ukraine đang rất cần sự hỗ trợ nhân đạo.

Khoảng 6,2 triệu người đã chạy trốn khỏi Ukraine và hơn 5 triệu người khác phải di tản trong nước khi các cuộc ném bom vẫn tiếp diễn hàng ngày.

Lên án tội ác chiến tranh

Trong Hội nghị, Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết: “Điều rất quan trọng là phải lên án tội ác chiến tranh” khi ngài nhắc lại chẳng hạn vụ thảm sát ở Bucha, đồng thời cảnh báo rằng nếu chúng không được chú ý, tội ác chiến tranh sẽ được nhân rộng trên khắp thế giới.

Sự lên án này, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nhấn mạnh, có nghĩa là tuyên bố kiên quyết không tham chiến.

“Người dân ở Ukraine”, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine tiếp tục, “đang bị giết hại vì họ là người Ukraine”.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk đặc biệt lên án rằng trẻ em và các gia đình đang chết dần chết mòn và ngài nhắc lại hơn 500 trẻ em đã thiệt mạng và hơn 1.200 trẻ em bị thương kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Vị Giám chức cũng chỉ trích thực tế là nhiều trẻ em Ukraine đã bị trục xuất sang Nga và nhiều gia đình ly tán.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cũng đã thảo luận về việc tại những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất của đất nước, sự hiện diện của Giáo hội của ngài bị cấm như thế nào, đồng thời lưu ý rằng ở miền Đông Ukraine, không có Linh mục và người dân không thể bước vào các nhà thờ cửa đóng then cài.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk lưu ý rằng bất chấp sự đau khổ to lớn, với tư cách là một Giáo hội, “Chúng tôi đang mang lại hy vọng cho người dân của mình”, đồng thời ngài bày tỏ lòng biết ơn về thực tế là thông qua tình liên đới trên toàn thế giới, “không có ai ở Ukraine chết vì các nguyên nhân nhân đạo”, chẳng hạn như bởi đói hoặc khát.

‘Quá tổn thương đến nỗi không thể nói nên lời’

Cũng phát biểu tại sự kiện này còn có Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, người đã chỉ ra rằng những người đã đến thăm Ukraine trở về nhà “không thể nói nên lời”, bởi vì “họ quá tổn thương trước những gì họ đã chứng kiến”.

 Đức Tổng Giám mục Kulbokas cũng đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng giáo dục trong nước, nêu rõ rằng, trong 4 năm qua, “ở một phần lớn đất nước, giữa lúc đầu là đại dịch và sau đó là cuộc xâm lược toàn diện, “không có trường học nào tồn tại”.

Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Kulbokas cũng đã nhấn mạnh công việc to lớn của các tổ chức nhân đạo, đặc biệt là ACN, nhưng đồng thời cũng than phiền rằng các tổ chức từ thiện nhỏ hơn “đã phải bỏ cuộc” vì thường xuyên hết kinh phí và gặp vấn đề về việc bang qua biên giới hoặc vận chuyển hàng hóa.

Một cách đặc biệt, Sứ Thần Tòa Thánh đã nhắc đến các Linh mục Công giáo Hy Lạp người Ukraine đã bị giam cầm sau cuộc chiến bắt đầu cách đây 10 năm, ngài nói: “Chúng tôi luôn nghĩ đến họ và chúng tôi bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện cho họ”.

Các cuộc tấn công nhằm vào trẻ em và các gia đình

Theo Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên hợp quốc tại Ukraine (HRMMU), cơ quan theo dõi và báo cáo công khai về tình hình nhân quyền ở nước này, ít nhất 641 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine vào tháng 1 năm 2024, tiếp tục xu hướng gia tăng các vụ thương vong dân sự từ tháng 12 năm 2023.

Thống kê của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy thương vong dân sự trong tháng 1 cao hơn 37% so với tháng 11 năm 2023, chủ yếu do các cuộc tấn công tăng cường của lực lượng vũ trang Nga trên khắp đất nước bằng tên lửa và đạn tuần kích.

Do những cuộc tấn công này ảnh hưởng đến các khu vực xa chiến tuyến, số trẻ em thiệt mạng và bị thương đã gia tăng.

Các gia đình cũng chiếm tỷ lệ thương vong lớn hơn ở xa tiền tuyến vì nhiều gia đình có con cái đã được sơ tán khỏi các cộng đồng ở tiền tuyến.

Phái đoàn Liên Hợp Quốc xác nhận rằng 40 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương trong tháng 1, tăng so với 18 trẻ em vào tháng 11.

Sự hỗ trợ của tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ cho Ukraine

Hai năm sau cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2, ACN đã phê duyệt 630 dự án, bao gồm 117 dự án bổng lễ, lên tới hơn 16,5 triệu euro để hỗ trợ Giáo hội Công giáo theo cả hai nghi lễ trên khắp Ukraine.

Nhờ tấm lòng hảo tâm, những lời cầu nguyện và hy sinh của các hảo tâm của tổ chức ACN, cả 2 năm 2022 và 2023, Ukraine đã trở thành quốc gia được ACN hỗ trợ nhiều nhất trên toàn thế giới.

Hơn 2.200 người phải di tản đã được hưởng lợi từ viện trợ nhân đạo trực tiếp nhờ các nhà hảo tâm của ACN.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube