Đức Tổng Giám mục Nigeria: ‘Các quốc gia giàu có cần phải trả giá cho những thiệt hại về môi trường’

Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama Địa phận Abuja

Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama Địa phận Abuja

SHARM EL-SHEIKH, Ai Cập – Đức Tổng Giám mục người Nigeria Ignatius Kaigama Địa phận Abuja cho biết rằng các quốc gia phát triển cần giúp các nền kinh tế dễ bị tổn thương phục hồi sau những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu.

Nhận xét của Đức Tổng Giám mục Kaigama được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới đang nhóm họp tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, để tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn qua email với Crux, vị Giám chức cho biết “các quốc gia giàu có sẽ đạt được lợi ích từ việc ổn định các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất”.

Đức Tổng Giám mục Kaigama cho biết rằng thật bất công khi các quốc gia đang phát triển ít gây ra biến đổi khí hậu lại phải gánh chịu những tác động của nó, đồng thời kêu gọi các quốc gia giàu có “tăng cường hỗ trợ châu Phi và các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc giải quyết các tác động của vấn đề biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Sau đây là trích đoạn của cuộc phỏng vấn đó.

Các quốc gia châu Phi tại COP27 thúc đẩy những quốc gia gây ô nhiễm tác động đến các khoản thanh toán về tổn thất và thiệt hại để giúp họ đối phó với sự tàn phá do biến đổi khí hậu gây ra. Có ích lợi gì từ việc này?

“Tổn thất và Thiệt hại” đề cập đến những phí tổn đã phát sinh từ các tác động hoặc điều kiện thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu. Việc đối phó với hiện tượng này đang đẩy các quốc gia đang phát triển vào tình trạng nợ nần ngày càng chồng chất và nền kinh tế của họ đến bờ vực sụp đổ. Ngoài sự đòi buộc về luân lý, nguyên tắc ‘người gây ô nhiễm phải trả tiền’, các quốc gia giàu có sẽ đạt được lợi ích từ việc ổn định các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất.

Đức Cha nghĩ tại sao các quốc gia phương Tây lại lo lắng như vậy mỗi khi đề cập đến các khoản thanh toán tổn thất và thiệt hại? 

Các quốc gia giàu có phải đẩy mạnh việc hỗ trợ châu Phi và các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc giải quyết các tác động của vấn đề biến đổi khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Châu Phi đã chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng khí hậu, mặc dù nó đã góp phần rất ít trong việc gây ra cuộc khủng hoảng.

Thiệt hại đối với châu Phi nên được tất cả các quốc gia quan tâm hàng đầu. Điều này một phần là vì lý do đạo đức. COP26 diễn ra ở Glasgow, thừa nhận nghĩa vụ của các quốc gia phát triển trong việc giải quyết sự tổn thất và thiệt hại ở các quốc gia đang phát triển nhưng không nêu chi tiết cách thức huy động tài chính. Trong khi vấn đề về sự tổn thất và thiệt hại và ai sẽ là người phải thanh toán khoản tiền này được nêu lên ở hầu hết mọi hội nghị COP, bức tranh tổng thể kể từ Thỏa thuận Paris năm 2015, đã trở thành một trong những sự trì trệ.

Nếu các quốc gia đồng ý thành lập một quỹ, họ sẽ cần đưa ra các chi tiết như nguồn tiền nên đến từ đâu, các quốc gia giàu có phải chi trả bao nhiêu, và những quốc gia hoặc thảm họa nào đủ điều kiện để được bồi thường. Việc cung cấp tài chính cho những tổn thất và thiệt hại đã bị một số quốc gia phát triển phản đối vì nhiều lý do. Hoa Kỳ và EU, trong lịch sử là những quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, lập luận rằng việc đồng ý với các điều khoản như vậy sẽ mở ra cho họ những vụ kiện tụng không hồi kết. Những nỗi sợ hãi này đi đôi với quan điểm rằng không chỉ lượng tài chính quá lớn mà số tiền đó sẽ được chi tiêu tốt hơn cho việc giảm thiểu và thích ứng.

Đức Cha nghĩ gì về các quốc gia châu Phi luôn đổ xô đến phương Tây, nhún nhường tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính?

 Các quốc gia châu Phi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài chính bên ngoài – do các nhà tài trợ thúc đẩy hoặc từ đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Sự thiếu phát triển của thị trường vốn địa phương đồng nghĩa với việc viễn cảnh này có thể sẽ tiếp tục, mặc dù việc bơm vốn tài trợ hạt giống (seed finance) một cách chiến lược vào các lĩnh vực phù hợp có thể mang tính chuyển đổi. Quỹ mới nên được dành riêng cho mục đích chi trả cho tác động của vấn đề biến đổi khí hậu.

Các khoản cho vay cần có mục tiêu và phải được giám sát chặt chẽ. Trong quá khứ, các quỹ từ nước ngoài đã bị sử dụng sai mục đích hoặc bị biển thủ thông qua tham nhũng. Trường hợp này không nên lặp lại trong tình huống này. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi phải tiếp tục tìm mọi cách để tự chủ về tài chính. Chúng tôi có các nguồn lực, con người và tự nhiên, để trở nên độc lập về tài chính. Thực tế của vấn đề là Châu Phi không nghèo, nó được quản lý yếu kém.

Dựa trên kinh nghiệm của Đức Cha với các cuộc đàm phán về khí hậu, ngài có nghĩ rằng, dựa trên các cam kết hiện tại, thế giới đang đi đúng hướng để đáp ứng giới hạn 1,5°C đối với tình trạng nóng lên toàn cầu?

Trọng tâm chính của các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vẫn là giảm nhanh lượng khí phát thải để nhiệt độ toàn cầu tăng được giữ ở mức dưới 1,5°C. Lý do lớn nhất cho sự bi quan sau Glasgow là thành tích thực hiện thấp. Thỏa thuận, cuối cùng, được xây dựng xung quanh các cam kết của từng quốc gia. Các cam kết đã không được nhiều quốc gia đáp ứng. Do đó, ngay cả khi các cam kết ở Glasgow không đạt được, vấn đề đặt ra là: liệu những cam kết không đầy đủ này có được duy trì hay không? Ví dụ, dữ liệu hiện có cho thấy rằng, chỉ có 26 trong số 193 quốc gia đồng ý tăng cường hành động chống biến đổi khí hậu vào năm ngoái đã thực hiện theo các kế hoạch đầy tham vọng hơn.

Thực tế của vấn đề biến đổi khí hậu ở quốc gia của Đức Cha, Nigeria và Châu Phi nói chung là gì?

Tháng trước, lũ lụt ở Nigeria đã khiến hơn 600 người thiệt mạng và khiến 1,3 triệu người phải sơ tán. Nam Phi đã trải qua cơn bão kinh hoàng nhất được ghi nhận khiến hơn 400 người thiệt mạng vào tháng 4 năm nay và một đợt hạn hán chưa từng có đang diễn ra ở vùng Sừng châu Phi. Các quốc gia châu Phi khác đã phải chịu tình trạng ngập lụt ở các mức độ khác nhau. Tác động của những sự kiện này và cái giá phải trả sau đó là những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Khi động lực về vấn đề tổn thất và thiệt hại gia tăng tại COP27, điều quan trọng đối với các quốc gia châu Phi cùng với G77 và Trung Quốc là duy trì quan điểm thống nhất của họ về việc hỗ trợ tổn thất và thiệt hại, đồng thời xây dựng một cách lý tưởng dựa trên các nguyên tắc này như nền tảng cho thỏa thuận.

Vai trò của Giáo hội trong cuộc chiến chống vấn đề biến đổi khí hậu là gì, hoặc vai trò của Giáo hội nên thế nào?

Bằng cách gắn bó với động lực nền tảng của sứ mạng, đó là loan báo Tin Mừng cứu độ, các cộng đồng Công giáo ở Châu Phi sẽ phải tái xem xét về một số viễn cảnh lớn lao trong hoạt động truyền giáo của họ dưới ánh sáng của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đã khiến người dân châu Phi trở nên vô cùng nghèo khổ, điều càng làm trầm trọng thêm sự đau khổ của người dân. Ngày nay, Giáo hội ở Châu Phi phải đáp ứng một cách hiệu quả đối với những người dân đang đau khổ. Giáo hội không được phụ bạc hy vọng này. Để làm được điều này, Giáo hội phải nỗ lực gấp đôi trong công việc phục vụ bác ái. Giáo hội phải đi đầu trong việc hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo mà số lượng thực sự tiếp tục tăng lên. Đó là một cuộc chiến mà Giáo hội Châu Phi sẽ không thể chiến thắng nếu Giáo hội không nỗ lực làm việc nghiêm túc để đáp ứng thách thức về sự tự chủ tài chính của mình.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube