Đức Tổng Giám mục Gallagher: ‘Thúc đẩy hòa bình là công cụ phòng vệ đích thực’

Đức Tổng Giám mục Gallagher phát biểu tại Viện Dịch vụ Đối ngoại của Philippines (ẢNh: Vatican News)

Đức Tổng Giám mục Gallagher phát biểu tại Viện Dịch vụ Đối ngoại của Philippines (Ảnh: Vatican News)

Kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày tới Philippines, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Vatican, đã trò chuyện với các nhà ngoại giao Philippines về cách tiếp cận của Tòa Thánh đối với vấn đề ngoại giao và ủng hộ hòa bình cũng như phẩm giá con người thay vì sức mạnh quân sự.

Đối mặt với những xung đột hiện đang chia cắt nhiều khu vực trên thế giới trong “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần”, đối mặt với cuộc chạy đua vũ trang, các mối đe dọa hạt nhân và khủng bố, chúng ta phải “hiểu rằng phòng thủ không chỉ là sức mạnh quân sự mà còn là thúc đẩy các thể chế và thúc đẩy các thỏa thuận giữa các dân tộc”.

Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Vatican, đã đưa ra đánh giá này hôm thứ Sáu tuần trước khi ngài kết thúc chuyến viếng thăm 5 ngày tới Philippines.

Phát biểu tại trụ sở của Viện Dịch vụ Đối ngoại ở Thành phố Pasay, Đức Tổng Giám mục Gallagher đã đưa ra một suy tư rộng rãi về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh trong bối cảnh quốc tế đương đại, đồng thời nhắc lại rằng nói về chiến thắng hay thất bại trong bối cảnh hiện tại của chúng ta là điều “phi thực tế”.

Thay vào đó, Đức Tổng Giám mục Gallagher lưu ý, cần phải thiết lập “một trật tự mới, công bằng” vượt qua sự chia rẽ và hướng tới việc nhìn nhận phẩm giá con người.

Điều này, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói thêm, thực sự là cách tiếp cận ngoại giao của Tòa Thánh, vốn tìm cách “trở thành một dấu chỉ của niềm hy vọng” được đặc trưng bởi “tính trung lập tích cực”.

Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết cách tiếp cận như vậy, thay vì theo đuổi quyền lực hay sự thống trị, bắt nguồn từ các nguyên tắc “ưu tiên phúc lợi của toàn nhân loại, đề cao phẩm giá con người và ủng hộ nền hòa bình lâu dài”, đồng thời bảo vệ “công ích, tình liên đới giữa các quốc gia, và tính bổ trợ”.

Với tư cách là một “nhân tố xuyên quốc gia có liên quan” và “có thẩm quyền luân lý độc lập và có chủ quyền”, Tòa Thánh thực hiện hành động ngoại giao của mình như quyền lực mềm, tự tin “vào sự thuyết phục về mặt luân lý” và “sự lãnh đạo luân lý”, với mục đích thúc đẩy “công lý, hòa bình và liên đới trên bình diện quốc tế”.

Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết Tòa Thánh là một nhà hòa giải “đáng tin cậy”, độc lập “khỏi các liên minh và khối chính trị”, và do đó có thể “xây dựng những cầu nối nơi những người khác chỉ nhìn thấy những chia rẽ không thể vượt qua”.

Trong trọng tâm của bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Vatican đã tập trung vào những nỗ lực của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm bảo vệ nhân quyền, sự phát triển con người toàn diện, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và ủng hộ hòa bình và tinh thần bất bạo động.

Những phẩm chất này, Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết, làm cho Đức Thánh Cha trở thành một “nhân tố chính” trong nền ngoại giao của Vatican, vốn “bắt nguồn từ sự cởi mở chân thành” và được thiết lập trên lòng bác ái.

Trước “niềm tin đang sụp đổ giữa các quốc gia” cũng như số lượng và mức độ ngày càng gia tăng của “các cuộc xung đột và chiến tranh”, Đức Tổng Giám mục Gallagher đã nhấn mạnh sự tham gia toàn cầu của Tòa Thánh.

Giáo hội, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói, “chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và sự bận tâm của con người trong thời đại này” như Công đồng Vatican II đã tuyên bố, đồng thời góp phần lèo lái các quốc gia và các dân tộc thoát khỏi “các khuôn mẫu chiến tranh, oán giận và hận thù”.

Thay vào đó, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói thêm, Giáo hội khuyến khích các quốc gia “tiến tới trên con đường đối thoại”, được hướng dẫn bởi pháp quyền cũng như luật tự nhiên, chứ không phải vũ lực”.

Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng nhấn mạnh “trách nhiệm luân lý” của nền ngoại giao Giáo hoàng.

Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết cam kết này được thể hiện rõ ràng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm việc bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống con người kể từ khi thụ thai cho đến khi chết đi một cách tự nhiên; việc bảo vệ công trình sáng tạo; cuộc chiến chống lại “nền văn hóa thải loại” và “sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ”, đi kèm với việc cổ võ “nền văn hóa gặp gỡ” và “toàn cầu hóa tình huynh đệ”.

Tất cả những điều này, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại, phù hợp với tầm nhìn của “chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo”, nơi “nghệ thuật quản lý quan hệ quốc tế có nền tảng vững chắc trong thế giới thực, giải quyết những thách thức thực tế và tìm kiếm các giải pháp hữu hình”.

Điều này đòi hỏi phải ưu tiên “phúc lợi, an ninh và sự ổn định của các quốc gia” thay vì quyền lực hoặc lợi ích cá nhân.

Về vấn đề này, Đức Tổng Giám mục Gallagher đã trích dẫn các lĩnh vực thực hiện ngoại giao cụ thể của Vatican: việc tiếp cận quyền cơ bản về sức khỏe; hỗ trợ các chính sách kinh tế công bằng; cuộc chiến chống lại “tai họa độc hại” của vấn nạn buôn người; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và bảo vệ tự do tôn giáo.

Về điểm thứ hai này, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại rằng “Tòa Thánh khẳng định rằng tự do tôn giáo không chỉ là một quyền con người mà còn là một con đường quan trọng hướng tới việc hàn gắn những chia rẽ và thúc đẩy hòa bình toàn cầu”.

Ngoại trưởng Vatican cho biết Tòa Thánh đóng “vai trò then chốt trong việc ủng hộ hòa bình, hòa giải và giải quyết xung đột bất bạo động”.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Gallagher đã nhắc lại khoảng thời gian làm Cố vấn của Sứ thần Tòa Thánh tại Manila từ năm 1991 đến năm 1995, cũng như các chuyến viếng thăm của bốn vị Giáo hoàng đến Philippines (Thánh Phaolô VI năm 1970, Thánh Gioan Phaolô II năm 1981 và 1995, Đức Giáo hoàng Phanxicô vào năm 2015).

Đức Tổng Giám mục Gallagher kết luận bằng cách khuyến khích quốc gia Đông Nam Á tiếp tục “vai trò quan trọng” với tư cách là người thúc đẩy “sự hợp tác khu vực” ở châu Á và là người xây dựng “một xã hội nhân đạo và hòa nhập hơn”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết