Đức Tổng Giám mục Địa phận Tokyo: ‘Người châu Âu phải coi trọng tính phổ quát của Giáo hội hơn’

Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi Địa phận Tokyo là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản (CBCJ) và Tổng thư ký của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC)

Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi Địa phận Tokyo – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản (CBCJ) và Tổng thư ký của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC)

Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi Địa phận Tokyo là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản (CBCJ) và Tổng thư ký của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC). Đức Tổng Giám mục Kikuchi, 65 tuổi, hiện cũng là Chủ tịch của Tổ chức Caritas Quốc tế, một liên minh toàn cầu gồm hơn 160 tổ chức cứu trợ, phát triển và dịch vụ xã hội Công giáo hoạt động tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đức Tổng Giám mục Kikuchi gần đây đã trò chuyện với đài phát thanh Công giáo có trụ sở tại Đức, DOMRADIO.DE, về Giáo hội Công giáo ở Nhật Bản và Châu Á, Thượng Hội đồng đang diễn ra và về Tổ chức Caritas Quốc tế. Sau đây là bản dịch và biên tập cuộc phỏng vấn của ngài với Renardo Schlegelmilch.

Đời sống Công giáo ở Nhật Bản, một đất nước có nền văn hóa độc đáo, hiện như thế nào?

Giáo hội ở Nhật Bản chỉ chiếm thiểu số, với người Công giáo chỉ chiếm chưa đến 1% tổng dân số. Trong số một triệu người Công giáo, khoảng một nửa là người Nhật và một nửa khác là người Công giáo nhập cư. Tokyo là Giáo phận Công giáo lớn nhất, với khoảng 96.000 người Công giáo Nhật Bản bản địa và khoảng 50.000 đến 60.000 người nước ngoài. Người Công giáo trải rộng ở 15 Giáo phận trên khắp đất nước, bao gồm các Tổng Giáo phận Tokyo, Osaka và Nagasaki.

Giáo hội Công giáo ở Nhật Bản tiếp tục tồn tại sau cuộc đàn áp tàn bạo, bắt đầu ở Nagasaki, nơi Giáo hội của chúng tôi được thành lập và cũng là nơi chúng tôi có rất nhiều vị tử đạo. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, tình hình của chúng tôi tương đối ổn định, với khoảng 500.000 tín hữu Công giáo Nhật Bản.

Người Nhật đã tiếp nhận Giáo hội Công giáo như thế nào?

Giáo hội Công giáo ở Nhật Bản có một lịch sử rất lâu đời. Năm 1549, nhà truyền giáo Dòng Tên Phanxicô Xaviê đã giới thiệu đức tin Kitô giáo đến Nhật Bản. Sau đó, chúng tôi phải sống dưới sự đàn áp suốt hai thế kỷ. Chỉ khi đó đất nước mới dần mở cửa và đạo Công giáo lan rộng ở Nhật Bản. Kể từ đó, chúng tôi đã được mọi người tôn trọng, đặc biệt là trong công tác giáo dục và xã hội. Chúng tôi điều hành nhiều trường học và tổ chức xã hội trong nước. Người Nhật rất biết ơn Giáo hội Công giáo.

Đời sống Công giáo ở Nhật Bản khác với ở Châu Âu như thế nào?

Kitô giáo có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa châu Âu, không thể che giấu điều đó, đó là lý do tại sao các giá trị Kitô giáo đóng một vai trò tự nhiên ở các quốc gia châu Âu. Nhưng Nhật Bản thì rất khác. Chúng tôi là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo và bạn có thể thấy điều đó trong văn hóa. Hai nền văn hóa này hoàn toàn khác nhau.

Các Kitô hữu và các Phật tử hòa hợp với nhau như thế nào ở Nhật Bản?

Đa số Phật tử không quan tâm đến nhóm thiểu số Kitô giáo. Nhưng họ cũng không có vấn đề gì với chúng tôi. Các Phật tử không có vấn đề gì với tự do tôn giáo vì vị thế của họ rất vững chắc và ổn định. Các nhóm thiểu số không đóng vai trò gì ở đó.

Cuộc sống hàng ngày của các cộng đồng Công giáo trong tình huống này sẽ như thế nào?

Tôi không thể nói chính xác có bao nhiêu người Công giáo đi lễ, nhưng tôi có thể nói rằng đời sống Kitô giáo tập trung vào các ngày Chúa nhật. Các lớp Giáo lý vào ngày Chúa nhật, các cuộc họp Giáo xứ, các buổi cử hành phụng vụ tại nhà thờ. Tất cả diễn ra vào cuối tuần. Không có nhiều hoạt động trong tuần.

Đức Cha so sánh sự phát triển ở Đức và Nhật Bản như thế nào?

Cả hai đều được phát triển về mặt công nghệ, công nghiệp và các giá trị lâu dài và có dân số già. Xã hội Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng, đồng thời tỷ lệ sinh đang giảm. Trước đây, đời sống xã hội của chúng tôi chủ yếu diễn ra vào buổi tối, với việc học Kinh Thánh và giảng dạy Giáo lý. Hiện tại, các nhà thờ của chúng tôi ngày càng cũ kỹ, việc cung cấp những buổi như vậy vào buổi tối muộn ngày càng trở nên khó khăn hơn vì đơn giản là sẽ không có ai đến. Đây là một lý do khác tại sao lại có nhiều sự kiện diễn ra vào các ngày Chúa nhật.

Đức Cha đã đến thăm Đức để kỷ niệm 70 năm quan hệ hợp tác giữa các Tổng Giáo phận Cologne và Tokyo. Đức Cha đánh giá thế nào về mối quan hệ lâu dài này?

Sự hợp tác này đã tồn tại được 70 năm. Trong 25 năm đầu tiên, Tổng Giáo phận Cologne đã hỗ trợ rất nhiều về tài chính cho Tokyo. Với sự hỗ trợ đó, chúng tôi đã xây dựng được nhiều nhà thờ, trong đó có Nhà thờ Chính Tòa của chúng tôi. Nhân kỷ niệm 25 năm mối quan hệ hợp tác này, các Giám mục lúc đó, Đức Hồng Y Höffner và Đức Hồng Y Shirayanagi, đã quyết định hỗ trợ các Giáo hội khác đang gặp khó khăn về tài chính hơn. Kể từ đó, tiền từ cả hai giáo phận đều được chuyển đến Myanmar. Đây là một Giáo hội nhỏ bé, cũng ở trong hoàn cảnh thiểu số tuyệt đối. Do đó, với sự hợp tác chung của chúng tôi, chúng tôi đang hỗ trợ những Kitô hữu khác đang cần sự giúp đỡ này.

Giáo hội tại Nhật Bản đóng vai trò gì trong bối cảnh châu Á rộng lớn hơn này?

Ngoại trừ Philippines, Giáo hội Công giáo ở các quốc gia châu Á là một nhóm thiểu số tuyệt đối, đó chính là lý do tại sao Giáo hội này cần sự hỗ trợ của chúng tôi, không chỉ về mặt tài chính mà còn về mặt tinh thần. Nếu không có sự giúp đỡ này, Giáo hội sẽ không còn tồn tại ở nhiều quốc gia. Ở một số quốc gia – chẳng hạn như Ấn Độ, Sri Lanka hoặc Pakistan – có một tôn giáo đa số rất mạnh mẽ, vì vậy Giáo hội Công giáo gặp phải những vấn đề và phải đấu tranh để tồn tại. Giáo hội cần sự hỗ trợ tinh thần.

Với tư cách là một Giáo hội ở Nhật Bản, chúng tôi nỗ lực giúp đỡ nhiều nhất có thể. Chúng tôi cũng là nhóm thiểu số, nhưng chúng tôi được hưởng quyền tự do tôn giáo và không phải lo lắng về sự tồn tại của mình. Vì vậy, chúng tôi có những viễn tượng hoàn toàn khác nhau ở châu Á.

Bộ Truyền giáo của Vatican đóng vai trò gì đối với Giáo hội ở Nhật Bản và trên toàn thế giới?

Nếu bạn nhìn vào Giáo hội toàn cầu hiện nay, các Giáo hội ở Châu Phi và Châu Á đang sản sinh nhiều ơn gọi. Chúng tôi là trung tâm truyền giáo, như ở Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Một số lượng lớn các Linh mục, chủng sinh và tu sĩ thánh hiến đến từ các quốc gia này. Đó là sự đóng góp có giá trị mà chúng tôi hiện đang thực hiện cho thế giới Công giáo.

Đức Cha nhìn nhận thế nào về những ý tưởng cải cách hiện đang nảy sinh từ Giáo hội Châu Âu?

Trong nhiều năm, Giáo hội Châu Âu đã trở thành hình mẫu cho Giáo hội của chúng tôi ở Châu Á. Nếu không có sự hỗ trợ của các nhà truyền giáo đến từ Châu Âu, chúng tôi sẽ không tồn tại ngày nay. Các Giáo hội châu Âu quả thực ngày nay đang mất dần ảnh hưởng và thành viên, nhưng đồng thời, họ vẫn rất mạnh mẽ, ít nhất là so với ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở châu Á. Điều này chủ yếu là do nguồn gốc vững chắc của họ đã có trong xã hội châu Âu trong nhiều thế kỷ. Vì vậy, bất chấp mọi thứ, chúng tôi coi châu Âu như một hình mẫu. Và cuối cùng, chúng tôi cũng hỗ trợ lẫn nhau.

Châu Âu có lẽ nên chú ý hơn một chút đến tính phổ quát của Giáo hội Công giáo. Giáo hội Công giáo không phải là một tổ chức Âu Mỹ; đó là một Giáo hội hoàn vũ bao trùm mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. Đặc tính này rất quan trọng đối với các Kitô hữu và phải là dấu chỉ hy vọng cho tương lai.

Đức Cha có thể chia sẻ về cuộc gặp gỡ Ad limina với Đức Thánh Cha không?

Chúng tôi đã có mặt tại Rôma trong một tuần lễ và gặp gỡ Đức Thánh Cha. Chúng tôi hơi lo lắng vì chúng tôi đã đọc rất nhiều tin về vấn đề sức khỏe của ngài và về việc ngài đang rất yếu. Nhưng khi gặp gỡ trực tiếp Đức Thánh Cha, chúng tôi rất ngạc nhiên về sự trang kiện của ngài. Đức Thánh Cha chống gậy đi lại, nói chuyện bông đùa và thực sự gây ấn tượng với chúng tôi trong cuộc trò chuyện.

Nhưng thông điệp quan trọng của Đức Thánh Cha là chúng ta không nên quên khiếu hài hước và nụ cười bất chấp mọi vấn đề. Chúng ta không được đánh mất hy vọng và nhìn về tương lai với tinh thần lạc quan.

Với tư cách là Chủ tịch Tổ chức Caritas Quốc tế trong năm qua, Đức Cha nghĩ gì về những lý do đằng sau những xung đột nội bộ của tổ chức này và tình hình hiện nay ra sao?

Caritas Quốc tế là tổ chức phi chính phủ lớn thứ hai trên thế giới, sau Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế. Điều đó có thể đúng, nhưng chúng tôi không coi mình là một tổ chức phi chính phủ theo đúng nghĩa của từ này. Chúng tôi là hiệp hội của nhiều tổ chức viện trợ quốc gia khác nhau từ hơn 160 quốc gia. Vì vậy, mỗi tổ chức Caritas quốc gia đều có bản sắc và mục tiêu riêng. Chúng tôi chỉ điều phối các tổ chức viện trợ này với nhau. Một số hiệp hội quốc gia có nguồn tài chính đáng kể; một số khác rất nhỏ và phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ tài chính. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là kết nối 160 hiệp hội này và đóng vai trò là tiếng nói thân thuộc với thế giới bên ngoài.

Khi có quá nhiều hiệp hội được bố trí khác nhau, xung đột sẽ nảy sinh một cách tự nhiên giữa những người có nguồn lực và những người không có. Đó là cốt lõi của sự xung đột sôi sục cách đây hơn hai năm trước. Những người có khả năng tài chính dồi dào hơn muốn thiết lập nền tảng và xác định phương hướng của tổ chức. Những hiệp hội nhỏ hơn thì nên im lặng và chấp nhận điều này. Sự bất bình đẳng và thiếu cân bằng này cũng ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định và chính sách của tổ chức.

Đây chính là những sự việc đã xảy ra tại Tổ chức Caritas Quốc tế. Tôi không biết chi tiết chính xác. Hiện tại có một đội ngũ quản lý hoàn toàn mới. Do đó, chúng tôi tin tưởng về tương lai vì chúng tôi cũng có mối liên hệ tốt với Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể tái định vị Caritas Quốc tế để đáp ứng tốt hơn các mục tiêu của Đức Thánh Cha.

Đức Cha là đại biểu tại phiên họp đầu tiên của các cuộc họp của Thượng Hội Đồng về Hiệp hành vào mùa thu năm ngoái. Ngài có hy vọng gì vào tiến trình cải cách?

Tôi đã đại diện cho Giáo hội Nhật Bản tại các cuộc tham vấn vào mùa thu năm ngoái và cũng tham gia vào các cuộc họp báo. Tôi đã nhiều lần được hỏi về việc truyền chức cho phụ nữ và những quyết định cải cách rất cụ thể do Thượng Hội đồng đưa ra, nhưng tôi thực sự không thể nói bất cứ điều gì về vấn đề đó.

Tôi có thể nói rằng Thượng Hội đồng không phải là nơi đưa ra những quyết định như vậy. Chúng tôi có thể thảo luận về vấn đề này nhưng sẽ không quyết định bất kỳ thay đổi nào hoặc giới thiệu các hệ thống mới. Chúng tôi muốn đi trên một con đường chung với tiến trình hiệp hành này và việc cầu nguyện, sự phân định và thảo luận, để tìm ra một con đường phía trước cho Giáo hội phù hợp với thánh ý của Chúa Thánh Thần. Đây là mục tiêu của Thượng Hội đồng nói chung, và các Kitô hữu trên toàn thế giới phải hiểu và tiếp thu điều này.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube