Đức Tổng Giám mục Broglio: ‘Thượng Hội đồng là một cơ hội để chống lại sự phân cực’

 Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Quân sự Hoa Kỳ, Chủ tịch tân cử của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.


Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Quân sự Hoa Kỳ, Chủ tịch tân cử của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Chủ tịch tân cử của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã thảo luận về Tiến trình Hiệp hành trong nước, tiềm năng của tiến trình này trong việc chống lại sự phân cực trong Giáo hội, và các chiến lược để thu hút tiếng nói của những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Quân sự Hoa Kỳ, đã trò chuyện với Vatican News hôm thứ Ba về Giai đoạn Lục địa sắp tới của Tiến trình Hiệp hành.

Đức Tổng Giám mục Broglio, người vừa được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đang có mặt tại Rôma để tham dự cuộc họp của các Chủ tịch và Điều phối viên của các Hội đồng Giám mục Lục địa.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục Broglio đã thảo luận về cuộc họp ở Rôma, các chiến lược để lắng nghe tiếng nói của những người bị gạt ra bên lề xã hội, và cơ hội mà Thượng Hội đồng đưa ra để chống lại sự phân cực trong Giáo hội Hoa Kỳ.

Cuộc họp của các nhà tổ chức Thượng hội đồng Giám mục ở Rôma

Cuộc họp của các nhà tổ chức Thượng hội đồng Giám mục ở Rôma

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn đã được chỉnh sửa một chút vì lý do văn phong:

Đức Cha sắp kết thúc cuộc họp hai ngày này với Ban thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục. Mọi thứ đã diễn ra thế nào? Đức Cha đã nói về vấn đề gì? Đức Cha đã thảo luận những gì? Đức Cha đã học hỏi được điều gì?

Vâng, tôi thiết nghĩ đó là một cuộc họp hết sức hữu ích. Xét về những gì chúng tôi đã thảo luận, về cơ bản, chúng tôi đã chứng kiến cách thức mỗi nhóm Lục địa đã tiếp cận phiên họp Lục địa như thế nào. Điều thú vị là tất cả các châu lục được đại diện đang thực hiện theo những cách thức khác nhau và điều đó cũng phản ánh những thực tế khác nhau được đại diện ở đây. Hoa Kỳ và Canada đang sử dụng cách tiếp cận trực tiếp vì quy mô của các quốc gia và cũng là vấn đề về hậu cần, nhưng quả thực hết sức thú vị khi thấy nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Và tôi nghĩ về những điều đã học được, thời gian sáng hôm 29 tháng 11 chúng tôi dành cho cuộc trò chuyện tôn giáo quả thực hết sức hữu ích. Tất nhiên, chính một tu sĩ Dòng Tên đã trình bày để các bạn có thể thấy tinh thần của Thánh Inhaxiô kiểu như thấp thoáng trong tiến trình này, nhưng thực sự rất cuốn hút.

Tôi thiết nghĩ hiện tại thách thức sẽ là làm thế nào để chúng ta thực hiện điều này trong các cuộc tụ họp ở các lục địa khác nhau của chúng ta. Rõ ràng, vai trò của người điều phối sẽ hết sức quan trọng, nhưng khả năng lắng nghe và sau đó tổng hợp những gì chúng ta đã nghe cũng rất quan trọng.

Một trong những điều mà Đức Cha đọc được trong Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa là họ rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng Thượng Hội đồng lắng nghe tiếng nói của toàn thể dân Chúa. Họ đặc biệt nói về việc làm cho tiếng nói của phụ nữ và giáo dân, những người sống trong điều kiện nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội được lắng nghe. Giáo hội ở Hoa Kỳ sẽ cố gắng đưa điều đó vào thực tế như thế nào?

Vâng, chúng tôi đang cố gắng sử dụng, như tôi đã nói, một phương pháp trực tiếp… với hy vọng rằng bằng cách không bắt buộc mọi người phải đến một nơi nào đó, chúng tôi có thể tiếp cận với những người bị gạt ra bên lề hơn cả, cũng như những người phải đối mặt với chi phí của một chuyến đi có thể là cả một vấn đề đối với họ.

Hiện tại, việc tuyển chọn những người đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào từng Giám mục Giáo phận vì mỗi vị có thể có từ 3 đến 5 đại biểu. Vì vậy, nó sẽ phụ thuộc vào từng Giáo phận để đảm bảo rằng họ có được sự đại diện chéo này của mọi người. Nhưng hy vọng rằng, điều đó đang diễn ra ngay lúc này, và thực tế là chúng tôi đã gia hạn thời hạn thêm một vài ngày, tôi thiết nghĩ, sẽ dễ dàng hơn một chút đối với một số Giáo phận bị tụt lại phía sau để có thể bắt kịp. Nhưng tôi hy vọng rằng nó sẽ là một cuộc trao đổi hiệu quả.

Và chúng tôi có 10 cơ hội để tham gia; có 5 cuộc trao đổi bằng tiếng Anh, hai bằng tiếng Pháp và ba bằng tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy, hy vọng nó sẽ là một tiết diện rộng của cả Hoa Kỳ và Canada bởi vì chúng tôi đang cùng nhau thực hiện điều đó.

Một trong những điều Đức Cha nghe người ta đề cập nhiều trong bối cảnh của Giáo hội Hoa Kỳ là sự phân cực. Và tôi tự hỏi liệu Đức Cha có nghĩ rằng Tiến trình Hiệp hành có bất kỳ tiềm năng nào để giúp ích cho việc đó không?

Tôi chắc chắn hy vọng điều đó. Tôi nghĩ rằng việc nhấn mạnh vào việc lắng nghe sẽ giúp ích rất nhiều nếu mọi người bước vào những khoảnh khắc của việc trò chuyện, đối thoại và phân định này với tinh thần lắng nghe người khác.

Thật không may, một trong những khía cạnh – tôi không biết điều này phổ biến như thế nào trong Giáo hội, nhưng chắc chắn là một trong những khía cạnh của xã hội nói chung ở Hoa Kỳ – là việc không có khả năng lắng nghe người khác. Bạn chỉ lắng nghe những phát thanh viên nói với bạn những gì bạn muốn nghe, hoặc từ quan điểm của bạn, và nếu bạn không đồng ý với ai đó, thì bạn không lắng nghe họ.

Chúng ta thậm chí còn thấy điều này trong khuôn viên trường đại học, nơi bạn sẽ nghĩ rằng khía cạnh cơ bản của việc học cũng là lắng nghe những người không nhất thiết phải đồng ý với tôi. Nhưng chúng ta đã kết thúc điều này khi chúng ta không muốn lắng nghe mọi người, nếu họ đại diện cho một quan điểm nhất định thì họ không được chào đón trong khuôn viên trường.

Tôi hy vọng rằng ít nhất là trong số những người Công giáo tham gia vào Tiến trình Hiệp hành, có lẽ việc cởi mở với sự hiện diện tinh thần sẽ cho phép điều đó… và điều đó không nhất thiết có nghĩa rằng đây là thời điểm thay đổi những xác quyết, nhưng đó là một khoảnh khắc của việc lắng nghe xem người kia đang ở đâu, và nỗ lực phản hồi cũng như tổng hợp những quan điểm chia sẻ đó. Tôi hy vọng rằng điều đó sẽ giúp hàn gắn, ít nhất là đối với Giáo hội, một số sự phân cực.

Đức Cha vui mừng nhất về điều gì trong việc tiến tới Tiến trình Hiệp hành trong giai đoạn lục địa tiếp theo này?

Tôi rất vui mừng về việc chúng tôi sẽ làm việc cùng với Canada. Như người huynh đệ Canada mà tôi đã nhiều lần đề cập, đó là đường biên giới dài nhất thế giới không được phòng thủ.

Và do đó, chúng tôi có nhiều điểm chung – và tất nhiên, như thế cũng đủ để làm cho hai thực tế trở nên riêng biệt – nhưng đó là một sự phong phú để có thể thâm nhập vào quốc gia khác và lắng nghe họ.

Vì những hội nghị này, bạn sẽ không cần hộ chiếu để tham gia. Vì vậy, chúng sẽ được trộn lẫn với nhau. Rõ ràng là tất cả các phiên họp đều bằng tiếng Pháp nên hướng đến Quebec nhiều hơn một chút, nhưng tôi dự định sẽ tham gia, ít nhất là một trong số đó bằng tiếng Pháp, để tôi có thể nghe được những gì đang diễn ra.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có một sự mở đầu tuyệt vời và sự đánh giá cao của Giáo hội ở cả hai quốc gia. Và sau đó sẽ rất thú vị để xem xét, khi chúng ta đi đến kết luận, việc Giáo hội ở Bắc Mỹ phải đóng góp gì cho toàn bộ Tiến trình Hiệp hành. Tôi nghĩ rằng sẽ rất thú vị để theo dõi.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube