Đức Thượng phụ nghi lễ Chaldean hình dung về sự hiệp nhất với Giáo hội Đông phương Assyria

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ của Giáo Hội Chaldean, trong một buổi cử hành phụng vụ tại Đền thờ Thánh Phêrô vào năm 2013 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ của Giáo Hội Chaldean, trong một buổi cử hành phụng vụ tại Đền thờ Thánh Phêrô vào năm 2013 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ của Giáo hội nghi lễ Chaldean, đã trình bày “quan điểm cá nhân” của mình trong một bài phát biểu vào tháng trước.

Một đề xuất để hai Giáo hội Trung Đông về lịch sử đang suy yếu hướng đến hiệp thông trọn vẹn là “một ý tưởng tuyêt vời” nhưng việc áp dụng nó sẽ “đầy rẫy những khó khăn”, một học giả hàng đầu đã cảnh báo.

Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ của Giáo hội nghi lễ Chaldean có trụ sở tại Baghdad, cho biết trong một bài phát biểu vào tháng trước: “Tôi đã nghiên cứu di sản Đông phương của chúng ta và các tác phẩm của các Giáo phụ, và tôi nhận thấy không có gì có thể ngăn cản sự hiệp nhất của Giáo hội Chaldean và Giáo hội Đông phương Assyria dưới tên gọi Giáo hội Đông phương”.

Đức Hồng y Sako cho biết ngài đang bày tỏ “quan điểm cá nhân” của mình.

Cả hai Giáo hội đều đã bị thu hẹp trong 40 năm qua do kết quả của cuộc di cư kinh tế được thúc đẩy nhanh chóng bởi các cuộc đàn áp và sự bất ổn chính trị. Theo trang web Agenzia Fides, Đức Thượng phụ Sako cho biết cần phải phản ánh khẩn cấp về một “dự án hợp nhất” vì rất nhiều cộng đồng Kitô giáo Trung Đông “được đặc trưng bởi việc di cư”. Kể từ năm 2003, khoảng 70% các Kitô hữu nghi lễ Chaldean ở Iraq được cho là đã rời khỏi Iraq.

Tiến sĩ Erica Hunter, một học giả lâu năm về Kitô giáo Đông phương tại Đại học Cambridge, phát biểu với The Tablet: “Đó là toàn bộ vấn đề về sự tồn tại của Giáo hội ở Trung Đông”.

Về mặt lý thuyết, Tiến sĩ Hunter nói, đề xuất của Đức Hồng y Sako là “một ý tưởng đúng đắn… nhưng toàn bộ việc áp dụng nó đầy rẫy những khó khăn trên thực tế”, chủ yếu là “vấn đề về thẩm quyền của Đức Giáo hoàng”.

Tiến sĩ Anthony O’Mahony, một trợ giảng về Tôn giáo Thế giới tại Blackfriars Hall, Oxford, cho biết trước đây Đức Hồng y Sako đã đề xuất sự hiệp nhất lớn hơn, nhưng Đức Thượng phụ Awa III thuộc Giáo hội trước đây Assyria đã bày tỏ lo ngại về việc Giáo hội Đông phương phải “hủy bỏ quyền tự trị của mình”, theo lời của Tiến sĩ O’Mahony.

Giáo sư Dietmar Winkler, chuyên gia tư vấn về cuộc đối thoại của Vatican với các Giáo hội Đông phương, cho biết ông “chắc chắn rằng không có cuộc đàm phán nào giữa Đức Thượng phụ Sako và Rôma” về khả năng hợp nhất của hai Giáo hội, nhưng ông lưu ý rằng Đức Hồng y Sako đã trình bày Giáo lý và những lập luận thần học về sự hiệp thông trọn vẹn giữa một số Giáo hội Công giáo Đông phương và các Giáo hội Đông phương lâu đời.

Cho rằng Giáo hội Assyria “(một cách đúng đắn) không thể chấp nhận” thẩm quyền của Đức Giáo hoàng, Giáo sư Winkler kết luận: “Một mô hình đại kết mới phải được phát triển, nhưng nó vẫn chưa tồn tại”.

Dưới thời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, hai Giáo hội đã ký một hiệp ước vào năm 2001 cho phép được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể của nhau. Giáo hội Chaldean xuất hiện vào thế kỷ thứ XVIII từ Giáo hội Assyria lâu đời hơn ở Đông phương, sau khi tiếp xúc với người châu Âu và nền giáo dục châu Âu.

Minh Tuệ (theo The Tablet)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube