Trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, Đức Phanxicô đã ủy thác việc đọc bản văn giáo lý cho một cộng tác viên. Việc loan báo Tin Mừng “không phải là một cẩm nang để áp dụng mà là công việc của Chúa Thánh Thần”. Lời kêu gọi mới cầu nguyện cho hòa bình “đặc biệt ở Ukraine, Israel và Palestine. Chiến tranh luôn là một thất bại, chỉ có những nhà sản xuất vũ khí mới được lợi”.
Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của sứ mệnh truyền giáo, bởi vì “Giáo hội không công bố chính mình, nhưng là một ân sủng, một món quà”. Sứ điệp hôm nay được Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ với những người hành hương hiện diện tại Hội trường Phaolô VI trong buổi tiếp kiến ngày thứ Tư.
Cũng trong ngày hôm nay, Đức Giáo Hoàng, vì tình trạng viêm hô hấp ảnh hưởng đến ngài trong vài tuần nay, đã giao phó việc đọc bài giáo lý của ngài cho Đức ông Filippo Ciampanelli, một viên chức của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. “Tôi vẫn đang gặp khó khăn. Tôi tốt hơn nhiều, nhưng tôi cảm thấy mệt mỏi nếu tôi nói quá nhiều”, ngài giải thích.
Tiếp tục loạt bài suy tư về việc truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào điều mà ngài gọi là “một đặc điểm thiết yếu cuối cùng: việc công bố phải diễn ra trong Chúa Thánh Thần”. Bởi vì “Chúa Thánh Thần là nhân vật chính, Ngài luôn đi trước các nhà truyền giáo và làm cho hoa trái nảy mầm”. Thật vậy, sứ mệnh “không phải là một sách hướng dẫn để áp dụng mà là công việc của Chúa Thánh Thần.”
Tính ưu việt của Chúa Thánh Thần – ngài nói thêm – “không được dẫn chúng ta đến sự lười biếng. Sự tháo vát can đảm mà Chúa Thánh Thần khơi dậy khiến chúng ta bắt chước phong cách của Người, một phong cách luôn có hai đặc điểm: sáng tạo và đơn sơ” .
“Trong thời đại của chúng ta, thời đại không giúp ích gì cho việc có một quan điểm tôn giáo về cuộc sống và trong đó việc rao giảng trở nên khó khăn hơn, mệt mỏi hơn và dường như không có kết quả ở nhiều nơi – ngài giải thích – cơn cám dỗ từ bỏ việc phục vụ mục vụ có thể nảy sinh. Có thể chúng ta ẩn náu trong những vùng an toàn, chẳng hạn như thói quen lặp đi lặp lại những việc chúng ta luôn làm, hoặc trong những lời mời gọi đầy cám dỗ của một nền linh đạo thân mật, hoặc thậm chí trong một ý nghĩa bị hiểu lầm về tính trung tâm của phụng vụ. Đây là những cơn cám dỗ đội lốt lòng trung thành với truyền thống, nhưng thường thì, thay vì đáp lại Thần Khí, chúng là những phản ứng đối với những bất mãn cá nhân. Mặt khác, sự sáng tạo mục vụ, mạnh dạn trong Thần Khí, bùng cháy với ngọn lửa truyền giáo của Ngài, là bằng chứng của lòng trung thành với Ngài.”
Và sau đó là sự đơn sơ, “bởi vì Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến nguồn cội, đến lời loan báo đầu tiên.” Mọi hoạt động truyền giáo phải dẫn chúng ta đến việc lặp lại với mọi người chúng ta gặp: “Chúa Giêsu Kitô yêu thương bạn, Người đã hiến mạng sống của Người để cứu bạn, và bây giờ Người đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày, để soi sáng bạn, để củng cố bạn, để giải thoát bạn”.
“Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần thu hút và cầu khẩn Ngài mỗi ngày – Đức Phanxicô kết thúc bài giáo lý – xin Ngài là nguyên lý của sự tồn tại và công việc của chúng ta; đứng đầu mọi hoạt động, mọi cuộc gặp gỡ, mọi cuộc họp và thông báo. Ngài làm sống động và trẻ hóa Giáo hội.”
Chào mừng các nhóm khách hành hương hiện diện, sau đó Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người về Lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội sắp diễn ra: “Đức Maria ‘tin’ vào tình yêu của Thiên Chúa và đáp lại bằng tiếng ‘xin vâng’. Hãy học nơi Mẹ hoàn toàn tin tưởng vào Chúa để làm chứng cho lòng tốt và tình yêu Tin Mừng ở khắp mọi nơi.”
Cuối cùng, một lần nữa ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người đang phải chịu thảm kịch chiến tranh, “đặc biệt là người dân Ukraine, Israel và Palestine. Chiến tranh luôn là sự thất bại – ngài nhắc lại lần nữa -. Không ai thắng, tất cả mọi người đều thua. Chỉ những nhà sản xuất vũ khí mới kiếm được tiền.”
(Theo AsiaNews)