Đức Thánh Cha Phanxicô với các sinh viên trường Đại học Louvain: 'Hãy tiếp tục hy vọng và nỗ lực làm việc vì một tương lai tốt đẹp hơn'

Gặp gỡ các sinh viên của trường Đại học Công giáo Louvain 600 năm tuổi, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích họ tiếp tục hy vọng, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn và luôn tìm kiếm chân lý trong quá trình học tập.

Trong sự kiện công khai cuối cùng của ngày thứ hai trong chuyến Tông du tới Bỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ sinh viên của trường Đại học Công giáo danh tiếng Louvain, nơi đang kỷ niệm 600 năm thành lập.

Đức Thánh Cha đã được các thành viên Hội đồng Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Françoise Smets chào đón và trước khi bước vào khán phòng, ngài đã ký vào Sổ danh dự.

Bức thư do các sinh viên trình bày

Các sinh viên đã trình lên Đức Thánh Cha một lá thư chia sẻ suy nghĩ của họ về chủ đề trách nhiệm với môi trường, vai trò của các trường đại học trong việc thúc đẩy sự nhận thức và thay đổi, cũng như sự cần thiết về một cách tiếp cận văn hóa và tâm linh mới để giải quyết các cuộc khủng hoảng sinh thái và xã hội hiện nay.

Bức thư là kết quả của nỗ lực chung của các giáo sư, các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên, những người đã tập trung để thảo luận về Thông điệp ‘Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Họ tập trung vào 5 chủ đề: nguồn gốc triết học và thần học của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay; vai trò của cảm xúc và cam kết; vấn đề bất bình đẳng; vị thế của phụ nữ và thái độ điềm đạm; và sự đoàn kết trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Niềm hy vọng không bao giờ gây thất vọng

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nồng nhiệt cảm ơn các sinh viên vì đã chia sẻ sự bận tâm của mình về tương lai, và đồng thời ca ngợi “niềm đam mê và hy vọng” trong khát khao công lý và tìm kiếm chân lý của họ.

Đức Thánh Cha thừa nhận một số vấn đề được nêu trong bức thư, bao gồm chiến tranh, việc khai thác bừa bãi tài nguyên và con người ở Nam Bán cầu, và trách nhiệm của Giáo hội trong việc hợp pháp hóa sự thống trị thực dân trong quá khứ của châu Âu đối với các dân tộc khác.

Đức Thánh Cha lên án mọi hành vi lạm dụng tôn giáo để thống trị là hành vi xuyên tạc bang bổ hình ảnh của Thiên Chúa.

Trước những điều xấu xa này, Đức Thánh Cha khuyến khích các sinh viên tiếp tục hy vọng, bởi vì “niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng”.

Chúng ta không phải là chủ nhân của công trình sáng tạo do Thiên Chúa ban tặng

Chuyển sang câu hỏi trọng tâm được nêu ra trong lá thư về mối quan hệ giữa Kitô giáo và sinh thái, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh ba thái độ cần nuôi dưỡng.

Trước hết, ngài tập trung vào lòng biết ơn đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa, được giao phó cho nhân loại, khiến chúng ta “không phải là chủ nhân mà là khách trọ và lữ khách trên trần gian”.

Thái độ thứ hai là sứ mệnh, bổn phận bảo vệ và vun đắp công trình sáng tạo cho các thế hệ tương lai.

Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa than phiền rằng việc bảo vệ môi trường tiếp tục bị cản trở bởi sự ưu tiên đói với các lợi ích kinh tế hơn là các mối bận tâm về sinh thái.

“Chúng ta là khách, không phải là những kẻ chuyên quyền”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, khuyến khích sinh viên “cân nhắc việc vun đắp không chỉ các ý tưởng mà còn phải vun đắp thế giới”.

“Ma quỷ xâm nhập qua túi tiền. Chừng nào thị trường còn được ưu tiên thì ngôi nhà chung của chúng ta sẽ tiếp tục phải chịu đau khổ”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến lòng trung thành với cả Thiên Chúa lẫn nhân loại, thúc giục cam kết đối với sự phát triển toàn diện, tôn trọng các chiều kích thể lý, đạo đức, văn hóa và xã hội của đời sống con người và “phản đối mọi hình thức áp bức và chối bỏ người khác”. Giáo hội, Đức Thánh Cha nói, “lên án những hành vi lạm dụng này, cam kết trước hết trong việc hoán cải mỗi thành viên của mình, mỗi người chúng ta, hướng tới công lý và chân lý”.

Về vấn đề này, ngài cảnh báo chống lại việc “thao túng thiên nhiên thay vì nuôi dưỡng nó”, ám chỉ đến thuyết ưu sinh, sinh vật cơ khí hóa và trí tuệ nhân tạo.

‘Giáo hội là một người nữ’

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục suy ngẫm về một điểm khác được nêu trong lá thư: vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội, trong đó cũng liên quan đến vấn đề bạo lực và bất công giới, cũng như định kiến ​​về ý thức hệ.

Nhắc lại vai trò quan trọng của phụ nữ trong lịch sử cứu độ, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về bản chất thiết yếu của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội, và bác bỏ bất kỳ khái niệm nào về sự ganh đua giữa nam và nữ. Thay vào đó, ngài kêu gọi sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau, bắt nguồn từ phẩm giá và nhân tính chung.

“Trong Giáo hội, ngay từ đầu, nam giới và nữ giới đã được kêu gọi để yêu thương và được yêu thương”, Đức Thánh Cha nhận xét.

“Những gì tạo nên đặc điểm của phụ nữ, những gì thực sự nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hay ý thức hệ, cũng giống như phẩm giá được đảm bảo không phải bởi những luật lệ viết trên giấy, mà bởi một luật lệ nguyên bản được ghi trong trái tim chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các sinh viên Đại học Louvain (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các sinh viên Đại học Louvain (Ảnh: Vatican News)

Chúng ta làm việc để sống; chúng ta không sống để làm việc

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự hình thành học vấn của sinh viên. Ngài khuyến khích họ theo đuổi phong cách học tập riêng của mình, đồng thời lưu ý rằng họ là một phần của cộng đồng, vì giáo dục và văn hóa là một nỗ lực chung.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các sinh viên suy ngẫm về động lực của mình và học tập với mục tiêu sống một cuộc sống trọn vẹn hơn, đồng thời cảnh báo rằng công việc không phải là tất cả và là mục đích cuối cùng của cuộc sống.

“Chúng ta không nên sống để làm việc; thay vào đó, chúng ta nên làm việc để sống”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở họ rằng họ nên học tập không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn để phục vụ công ích.

Nghiên cứu có ý nghĩa nếu nó tìm kiếm chân lý giải thoát chúng ta

Kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các sinh viên Đại học Công giáo Louvain luôn tìm kiếm và làm chứng cho chân lý trong quá trình học tập của mình, bởi vì, ngài nói, “chân lý giải thoát chúng ta”.

Nếu không có chân lý, Đức Thánh Cha nói, việc học sẽ trở thành “một công cụ quyền lực, một cách để kiểm soát người khác; nó không còn phục vụ mà là thống trị”.

“Hãy tiếp tục và đừng đi vào sự phân đôi của các hệ tư tưởng”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết