Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Tình yêu trọn vẹn’ là ‘con đường nên thánh’

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 15 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 15 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngỏ lời với các tham dự viên tham gia hội nghị nghiên cứu “Chiều kích cộng đoàn của sự thánh thiện”, đã tập trung tại Rôma từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 11 tại Học viện Giáo hoàng Thánh Augustinô để suy ngẫm về chủ đề sự thánh thiện phổ quát.

Đức Thánh Cha chia khái niệm về sự thánh thiện phổ quát thành ba thành phần chính: “Sự thánh thiện hiệp nhất, sự thánh thiện trong gia đình và sự thánh thiện tử đạo”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng ơn gọi nên thánh trước hết được nhấn mạnh bởi lòng bác ái và “do đó nó không chỉ là một sự kiện cá nhân mà còn là một sự kiện cộng đoàn. Khi Thiên Chúa kêu gọi cá nhân, điều đó luôn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha đã củng cố quan điểm này bằng cách đề cập đến mẫu gương của Thánh Têrêsa Lisieux, Bông Hoa Nhỏ của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã tưởng nhớ thánh nhân trong Tông Huấn gần đây của ngài, C’est la Confiance (Chính Niềm Tín Thác).

“Sự thánh thiện hiệp nhất, và qua nhân đức của các Thánh, chúng ta có thể nhận biết Mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng ‘hiệp nhất… với mọi người’ ôm lấy toàn thể nhân loại trong lòng thương xót của Ngài, bởi vì tất cả mọi người, họ đều là một và giống nhau”, Đức Thánh Cha nói.

Khía cạnh thứ hai, sự thánh thiện trong gia đình, được nhấn mạnh một cách nổi bật trong bài phát biểu của Đức Thánh Cha, trong đó ngài chia nhỏ giữa mẫu gương của vợ chồng và đơn vị gia đình rộng hơn.

“Sự thánh thiện của vợ chồng, cũng như sự thánh thiện đặc biệt của hai người riêng biệt, cũng là sự thánh thiện chung trong hôn nhân: do đó, là sự nhân lên – chứ không chỉ đơn thuần là thêm vào – món quà cá nhân của mỗi người”.

Đức Thánh Cha đã gắn kết khía cạnh thứ hai và thứ ba của sự thánh thiện với nhau bằng cách đề cập ngắn gọn đến gia đình Ulma, những người đã được tuyên phong Chân Phước vào tháng Chín vừa qua. Việc tuyên phong Chân Phước cho các thành viên trong gia đình Ulma là một sự kiện lịch sử, vì đây là lần đầu tiên cả một gia đình được Giáo hội tuyên phong Chân Phước. Họ bị giết hại vào năm 1944 tại Ba Lan do Đức Quốc xã chiếm đóng vì đã che chở cho hai gia đình Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Khía cạnh thứ ba và cuối cùng của sự thánh thiện cá nhân là sự thánh thiện của các vị tử đạo, đó là “một kiểu mẫu mạnh mẽ mà chúng ta có nhiều gương mẫu trong suốt lịch sử của Giáo hội”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của các vị tử đạo trong Giáo hội, đồng thời lưu ý rằng nó không bị giới hạn ở một thời gian và địa điểm cụ thể mà thay vào đó đã tồn tại trong toàn bộ lịch sử của Giáo hội. “Không có thời kỳ nào mà không có các vị tử đạo, cho đến ngày nay”, Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta đừng quên rằng thời đại chúng ta cũng có nhiều vị tử đạo”.

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng “ơn gọi nên thánh phổ quát” này là một chủ đề “được Công đồng Vatican II rất mực yêu thích”.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập đến Hiến chế Tín lý Lumen Gentium năm 1964 của Giáo hội.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng kể từ khi kết thúc Công đồng vào năm 1965, Giáo hội đã đặc biệt nhấn mạnh con đường nên thánh cộng đoàn, điều đã được phản ánh trong thực tế là các cuộc tuyên phong Chân Phước và tuyên Thánh gần đây đã bao gồm nhiều “cặp vợ chồng, những người độc thân, Linh mục, các tu sĩ nam nữ sống đời thánh hiến, và giáo dân thuộc mọi lứa tuổi, nguồn gốc và văn hóa, kể cả các gia đình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã dành một chút thời gian để đề cập đến Tông Huấn Gaudete et Exsultate năm 2018 của ngài.

“Tôi muốn thu hút sự chú ý đến việc tất cả các anh chị em này thuộc về ‘dân thánh trung thành của Thiên Chúa’ cũng như sự gần gũi của họ với chúng ta, như những vị thánh ‘bên cạnh’, những thành viên trong các cộng đoàn của chúng ta, những người sống bác ái cao cả trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống hàng ngày, bất chấp những giới hạn và khiếm khuyết của họ, đều bước theo Chúa Giêsu cho đến cùng”, Đức Thánh Cha nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube