Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Sự tin tưởng giải thoát, nỗi sợ hãi gây tê liệt’

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong giờ KinhTruyền Tin vào Chúa Nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong giờ KinhTruyền Tin vào Chúa Nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong giờ Kinh Truyền Tin hàng tuần vào Chúa nhật, ngày 19 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với các tín hữu tụ tập, suy ngẫm về Dụ ngôn về những nén bạc trong Tin Mừng Mát-thêu nhằm nhấn mạnh hai cách thức khác nhau để đến gần Thiên Chúa, một cách dựa trên sự sợ hãi và cách kia dựa trên sự tin tưởng phó thác.

Sự lựa chọn nhị phân này đặt ra cho các tín hữu một “bước quyết định”, Đức Thánh Cha lập luận. Nhưng khi mô tả đặc điểm của sự tin tưởng vững chắc vào Thiên Chúa, Đức Thánh Cha lưu ý rằng mặc dù có những rủi ro và bối rối về sự không chắc chắn về những gì có thể xảy ra, nhưng sự tin tưởng mang lại sự tự do để hành động.

“Nhưng phần lớn cách chúng ta đầu tư những nén bạc phụ thuộc vào sự tin tưởng của chúng ta vào Thiên Chúa, vốn giải thoát tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta năng động và sáng tạo trong những điều tốt lành. Sự tin tưởng giải thoát, nỗi sợ hãi gây tê liệt. Sự sợ hãi cản trở, sự tin tưởng mở ra những khả năng của chúng ta. Và điều đó làm vui lòng Chúa Cha, Đấng vui mừng khi thấy con cái của mình không sợ hãi Ngài nhưng yêu mến Ngài”, Đức Thánh Cha nói.

“Họ tin tưởng và mạo hiểm: Họ trông cậy vào sự hiểu biết của ông chủ đã chọn họ, vào sự tốt lành của món quà được giao phó cho họ, vào những kỹ năng họ đã nhận được. Nhờ đó, họ có đủ can đảm để hành động tự do, sáng tạo, tạo ra của cải mới”.

Trong dụ ngôn theo Tin Mừng Mát-thêu, ông chủ trao cho các đầy tớ của mình những nén bạc khác nhau (mà trong dụ ngôn đề cập đến đơn vị tiền tệ), phản ánh cá tính của mỗi người đầy tớ. Ông chủ khi trở về sau một cuộc hành trình nhận thấy rằng hai trong số các đầy tớ đã gây lời thêm số nén bạc của mình đã được giao phó trong khi người còn lại, hành động vì sợ hãi, chỉ khư khư giữ lấy nó bằng cách đem đi chôn giấu.

Bằng cách này, Đức Thánh Cha nói rằng hành động vì sợ hãi thì chưa đủ mà còn phải tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và vào những hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta.

Sự tin tưởng là một quá trình thuận nghịch. Vì Thiên Chúa tin tưởng chúng ta bằng cách ban cho chúng ta những năng khiếu và tài năng nào đó, nên có lúc chúng ta phải hỏi: “Tôi có tin tưởng nơi Ngài đến mức đặt mình vào tình thế nguy hiểm mà không nản lòng, ngay cả khi kết quả không chắc chắn cũng như không được coi là đương nhiên không? Tôi có thể nói mỗi ngày trong lời cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, con tin cậy nơi Ngài!’?”.

“Với tư cách là một Giáo hội, chúng ta có nuôi dưỡng bầu khí của sự tin cậy và quý trọng lẫn nhau trong môi trường của chúng ta, vốn giải thoát con người và kích thích sự sáng tạo của tình yêu thương nơi mọi người?”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Vào cuối giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi cho những người đang đau khổ ở Myanmar. Vào năm 2021, quân đội ở Myanmar đã tổ chức một cuộc đảo chính và trao quyền lực cho chính quyền, dẫn đến việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, dẫn đến việc bắt bớ, tra tấn và giết hại hàng loạt.

“Tôi nhắc lại sự gần gũi của mình với người dân Myanmar thân yêu, những người không may tiếp tục đau khổ vì bạo lực và ngược đãi”.

Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi hòa bình trong cuộc chiến Israel-Hamas, đồng thời lưu ý rằng “hòa bình là điều khả thi”.

“Cần có thiện chí. Hòa bình là điều khả thi. Chúng ta đừng cam chịu chiến tranh! Và chúng ta đừng quên rằng chiến tranh luôn luôn là một sự thất bại. Chỉ những nhà sản xuất vũ khí là hưởng lợi”.

Trước đó vào buổi sáng, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VII, năm nay chọn chủ đề:  “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7).

“Tôi cảm ơn những người trong các Giáo phận và Giáo xứ đã thúc đẩy các sáng kiến liên đới với những người và gia đình đang nỗ lực tiến về phía trước”, Đức Thánh Cha nói.

“Và trong ngày này, chúng ta cũng tưởng nhớ tất cả các nạn nhân trên đường: Chúng ta cầu nguyện cho họ, cho các gia đình và cam kết ngăn ngừa những sự cố”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Hôm 18 tháng 11, Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi sự chú ý đến việc tuyên phong Chân Phước cho Cha Manuel Gonzales-Serna, một Linh mục Giáo phận, cùng với 19 Linh mục và giáo dân khác, đã bị sát hại vào năm 1936 trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha trong “bầu khí của cuộc đàn áp tôn giáo”.

“Những vị tử đạo này đã làm chứng cho Chúa Kitô cho đến cùng. Chớ gì mẫu gương của họ an ủi nhiều Kitô hữu đang bị phân biệt đối xử trong thời đại chúng ta vì đức tin của họ. Hãy cùng dành một tràng pháo tay cho các vị tân Chân Phước!”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube