Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Sự tập trung công nghệ vào tính hiệu quả đang làm mất nhân tính của xã hội ngày nay’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón công chúng tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón công chúng tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican vào ngày 29 tháng 11 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Vẫn đang trong quá trình hồi phục sau khi bị cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào thứ Tư, ngày 29 tháng 11, nhưng suy tư của ngài đã được đọc bởi một quan chức Vatican.

Sự xuất hiện của Đức Thánh Cha tại Đại thính đường Phaolô VI vào ngày 29 tháng 11 diễn ra một ngày sau khi các bác sĩ thuyết phục ngài hủy chuyến Tông du đã lên kế hoạch tới Dubai để tham dự hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 12.

Đức Thánh Cha Phanxicô, người cũng đã phải cần có một phụ tá đọc bài chia sẻ của ngài trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa hhật, đã ngồi trên sân khấu trước đám đông trong suốt buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 29 tháng 11, kéo dài một giờ, trong đó có một buổi biểu diễn xiếc.

Trong bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của mình, được đọc bởi Đức Ông Filippo Ciampanelli thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đổi mới xã hội trên cơ sở “một tầm nhìn về cuộc sống mang tính kỹ trị và duy vật, loại bỏ những người không sinh lợi và và khó để nhìn xa hơn những gì trước mắt”.

Quan điểm này được củng cố bằng cách đề cập đến câu chuyện trong Kinh Thánh về Tháp Babel, đây là bài học về việc con người “hy sinh mọi cá tính để đạt được hiệu quả của tập thể”.

Tuy nhiên, một đặc điểm độc đáo ngày nay là “chúng ta thậm chí có thể nói rằng chúng ta thấy mình đang ở trong nền văn minh đầu tiên trong lịch sử, một nền văn minh cố gắng tổ chức một xã hội loài người trên toàn cầu mà không có sự hiện diện của Thiên Chúa, tập trung vào các thành phố vĩ đại mà chỉ có chiều ngang, chỉ có tính phàm trần, ngay cả khi chúng có những tòa nhà cao chọc trời đến chóng mặt”, Đức Thánh Cha nhận xét.

Trong cuộc tìm kiếm “hiệu quả của tập thể” này thay vào đó là một mong muốn “hấp thu sự độc đáo của mỗi người thành điều hão huyền của sự đồng nhất”.

Nhưng những xu hướng này “là những tham vọng nguy hiểm, xa lánh, mang tính hủy diệt”, đặc biệt trong bối cảnh thời điểm hiện tại vì “sự gắn kết, thay vì dựa trên tình huynh đệ và hòa bình, thường dựa trên tham vọng, chủ nghĩa dân tộc, sự tương hợp, các cơ cấu kinh tế kỹ thuật khắc sâu niềm tin rằng Thiên Chúa thì vô nghĩa và vô dụng: không phải bởi vì chúng ta tìm kiếm thêm kiến ​​thức, nhưng trên hết là để có thêm quyền lực”.

Nhận thức được những thách thức này, Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý rằng “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng”, Tông Huấn năm 2013 của ngài về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, đưa ra một liều thuốc giải độc tiềm năng cho xu hướng phổ biến hiện nay này, đồng thời cho biết rằng cần phải có “một cách thức loan báo Tin Mừng có khả năng rọi ánh sáng vào những cách thức mới trong mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, với môi trường, và khơi dậy những giá trị căn bản. Nó phải đến được những nơi mà những câu chuyện và mô hình mới được hình thành, đem Lời Chúa Giêsu đến tận nơi thẳm sâu nhất của linh hồn của các thành phố của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng việc loan báo Tin Mừng không chỉ là một dự án trừu tượng, cũng không chỉ là “sự lặp lại của một phong cách đã có, mà là chứng từ rằng Tin Mừng ngày nay vẫn còn sống động ở đây đối với chúng ta”. Thay vào đó, nó được xây dựng dựa trên cuộc đối thoại đòi hỏi “thường xuyên lui tới những không gian nơi người ta đau khổ, làm việc, học hỏi và suy tư, sống ở ngã tư nơi con người chia sẻ những gì có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ”.

“Nó có nghĩa, với tư cách là một Giáo hội, là men cho đối thoại, gặp gỡ, hiệp nhất. Suy cho cùng, những công thức đức tin của chúng ta là kết quả của cuộc đối thoại và gặp gỡ giữa các nền văn hóa, cộng đồng và các hoàn cảnh khác nhau”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

“Chúng ta không được e ngại đối thoại: Ngược lại, chính sự đương đầu và phê bình giúp chúng ta bảo vệ thần học khỏi bị biến thành ý thức hệ”.

Vào cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi hòa bình và cầu nguyện cho những người tiếp tục đau khổ vì cuộc chiến Israel-Hamas.

“Tôi hy vọng rằng lệnh ngừng bắn đang diễn ra ở Gaza sẽ tiếp tục để tất cả các con tin được trả tự do và việc tiếp cận viện trợ nhân đạo cần thiết vẫn được cho phép”, Đức Thánh Cha nói. “Tôi nghe từ Giáo xứ ở đó: Không có nước, không có lương thực và người dân đang đau khổ. Chính những người dân thường, những người bình thường phải chịu đau khổ”.

Đức Thánh Cha cũng đã có những lời lẽ gay gắt đối với các nhà sản xuất vũ khí: “Có một nhóm kiếm được rất nhiều tiền: các nhà sản xuất vũ khí; những thứ này kiếm được nhiều tiền từ cái chết của người khác”.

Đức Thánh Cha kết thúc bằng việc cảm ơn các thành viên của đoàn xiếc đã biểu diễn trong buổi tiếp kiến.

“Đoàn xiếc diễn tả một chiều kích của tâm hồn con người: niềm vui nhưng không, niềm vui giản dị đó, được tạo nên nhờ sự huyền bí của trò chơi”, Đức Thánh Cha nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube