Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Sự phát triển công nghệ phải thăng tiến con người’

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống vào ngày 12 tháng 2 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống vào ngày 12 tháng 2 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu với các thành viên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống tại Vatican, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp “các nguồn lực khoa học và công nghệ” đồng thời “thăng tiến con người trong tính đặc thù không thể giản lược của họ”.

Bình luận của Đức Thánh Cha được đưa ra khi các thành viên của Học viện Giáo hoàng đang gặp gỡ nhau tại Rôma từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 2 để tham dự đại hội của họ, năm nay tập trung vào chủ đề: “Con người: Ý nghĩa và Thách đố”.

Lưu ý rằng Học viện sẽ xem xét câu hỏi nền tảng về “điều gì đặc biệt ở con người”, Đức Thánh Cha đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách nhấn mạnh sự phức tạp của việc đánh giá câu hỏi này, đặc biệt là trong bối cảnh của sự phát triển theo cấp số nhân của khoa học và công nghệ.

Những cân nhắc này, mà Học viện sẽ thảo luận trong những ngày sắp tới, trình bày một sự hiểu biết nền tảng về việc “làm thế nào khả năng sáng tạo được trao phó cho con người có thể được thực hiện một cách có trách nhiệm”, Đức Thánh Cha nhận xét.

Nhấn mạnh rằng điều này về cơ bản là một nhiệm vụ “nhân chủng học”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày nay “chúng ta đucợ khuyến khích phát triển một nền văn hóa, bằng cách tích hợp các nguồn lực khoa học và công nghệ, có khả năng thừa nhận và thăng tiến con người trong tính đặc thù không thể giản lược của họ”.

“Cần phải khám phá xem liệu tính đặc trưng này có được tìm thấy ngay cả ở thượng nguồn của ngôn ngữ hay không, trong phạm vi tình cảm và cảm xúc, ham muốn và chủ ý, mà chỉ con người mới có thể nhận thức, đánh giá cao và chuyển đổi thành mối quan hệ tích cực và có lợi với người khác, được trợ giúp bởi ân sủng của Đấng Tạo Hóa”, Đức Thánh Cha nói. “Cuối cùng, đây là một nhiệm vụ văn hóa, vì văn hóa định hình và chỉ đạo các nguồn lực tự phát của cuộc sống và các tập tục xã hội”.

Đức Thánh Cha khen ngợi công việc của Học viện, vốn đại diện cho nhiều tiếng nói trong việc tiếp cận các vấn đề luân lý và xã hội thông qua lăng kính “đối thoại” và “trao đổi liên ngành”.

“Tôi chỉ có thể khuyến khích hình thức đối thoại này, vốn cho phép mỗi người đưa ra những suy nghĩ của riêng mình trong khi tương tác với những người khác trong việc trao đổi quan điểm lẫn nhau”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha cũng khen ngợi nhóm vì điều ngài coi là “phương pháp tiến hành hiệp hành” của họ, đồng thời lưu ý rằng đó là một quá trình “đòi hỏi khắt khe” vì nó liên quan đến “sự chú ý cẩn thận và sự tự do về tinh thần, cũng như sự sẵn sàng khởi hành trên những con đường chưa được khám phá và chưa được biết đến, thoát khỏi những nỗ lực vô ích để ‘nhìn lại’”.

Đặt mối quan hệ này trong bối cảnh rộng lớn hơn của truyền thống Kitô giáo, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Kitô giáo “luôn đưa ra những đóng góp đáng kể, tiếp thu những yếu tố có ý nghĩa từ mọi nền văn hóa nơi nó đã bén rễ và diễn giải lại chúng dưới ánh sáng của Chúa Kitô và Tin Mừng, sử dụng các nguồn lực ngôn ngữ và khái niệm hiện có trong các bối cảnh văn hóa khác nhau”.

Lưu ý rằng quá trình hội nhập văn hóa này “dài dằng dặc” và đòi hỏi “một cách tiếp cận trí tuệ có khả năng đón nhận nhiều thế hệ”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “nó có thể được so sánh với sự khôn ngoan và tầm nhìn của những người trồng cây khi biết rằng những hoa trái của họ sẽ được con cái của họ hưởng dùng, hoặc những người xây dựng những ngôi thánh đường biết rằng chúng sẽ được các thế hệ tương lai hoàn thành”.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai sau buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, đã lưu ý rằng “sự cấp bách của chủ đề này được áp đặt bởi việc suy nghĩ về tương lai của chúng ta với tư cách là một nhân loại mà ngày nay có nguy cơ biến mất do tự hủy diệt hoặc mất tự chủ”.

“Do đó, chúng tôi đã đặt vấn đề nhân học vào trung tâm của công việc năm nay một cách trực tiếp, đặc biệt là vì nó ngày càng trở nên gay gắt hơn trong các cuộc tranh luận công khai, không chỉ trong các khía cạnh Giáo hội và học thuật”.

Học viện Giáo hoàng về Sự sống được Thánh Gioan Phaolô II thành lập trong Tông Thư Vitae Mysterium năm 1994 như một cách để nghiên cứu “các vấn đề chính của y sinh học và luật pháp, liên quan đến việc cổ võ và bảo vệ sự sống, trước hết là trong mối quan hệ trực tiếp mà chúng có với luân lý Kitô giáo và các chỉ thị của Huấn quyền của Giáo hội”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube