Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu Công giáo tái tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 25 tháng 3

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha vào ngày 12 tháng 5 năm 2017 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha vào ngày 12 tháng 5 năm 2017 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu Công giáo lập lại hành động tận hiến hàng năm cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 25 tháng 3.

Lễ Truyền Tin trọng thể vào thứ Bảy ngày 25 tháng 3 sắp tới đánh dấu một năm kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến nước Nga và Ukraina cho Đức Trinh Nữ Maria tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với lời cầu xin cho hòa bình trên thế giới.

Vào cuối buổi triều yết chung hôm thứ Tư ngày 22 tháng 3, Đức Thánh Cha đã nhắc lại hành động tận hiến mang tính lịch sử của mình và đồng thời kêu gọi các cộng đồng Giáo xứ và các nhóm cầu nguyện lặp lại việc tận hiến hàng năm cho Đức Trinh Nữ Maria.

“Thứ Bảy tới sẽ đánh dấu Lễ Truyền Tin, và chúng ta nghĩ đến ngày 25 tháng 3 năm ngoái, khi, hiệp ý cùng với tất cả các Giám mục trên thế giới, chúng ta thánh hiến Giáo Hội và nhân loại, đặc biệt là Nga và Ukraine, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Chúng ta đừng mệt mỏi chán ngán với việc phó thác chính nghĩa hòa bình cho Nữ Vương Hòa Bình”, Đức Thánh Cha nói. “Vì vậy, tôi muốn mời gọi mỗi tín hữu và cộng đoàn, đặc biệt là các nhóm cầu nguyện, cứ vào ngày 25 tháng 3 hãy lập lại hành động tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ, là Mẹ, gìn giữ tất cả chúng ta trong sự hiệp nhất và bình an”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu gọi mọi người đừng quên cầu nguyện cho “những người dân Ukraine đang phải chịu đựng quá nhiều đau khổ”.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu tất cả các Giám mục trên thế giới cùng với ngài thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria, một tháng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Từ mũi Florida đến Seattle, mọi Giáo phận của Hoa Kỳ đều tham gia vào việc thánh hiến dưới hình thức này hay hình thức khác. Đức Giám mục Địa phận Fairbanks đã đọc lời nguyện thánh hiến trên bờ biển Bering, hướng về nước Nga, quốc gia láng giềng của Giáo phận của ngài cách đó chỉ vài trăm dặm về phía tây.

Lời nguyện thánh hiến cũng được đọc đồng thời bởi Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha, tại Thánh địa Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha.

Tại Moscow, các tín hữu Công giáo đã theo dõi và cầu nguyện cùng với chương trình truyền hình trực tiếp nghi tức thánh hiến của Đức Thánh Cha từ Nhà thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Đức Trinh Nữ Maria đặc biệt yêu cầu rằng nước Nga phải được thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ trong những lần hiện ra tại Fatima năm 1917.

Bộ Phụng tự của Vatican định nghĩa việc thánh hiến cho Đức Trinh Nữ Maria là sự thừa nhận công khai về “vai trò đặc biệt của Đức Maria trong Mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo hội, về tầm quan trọng phổ quát và gương mẫu của chứng tá Tin Mừng của Mẹ, về sự tin cậy vào lời chuyển cầu của Mẹ, và hiệu quả của sự bảo trợ của Mẹ.”

Trước đây, một số Giáo hoàng đã thánh hiến Giáo hội và thế giới cho Đức Trinh Nữ Maria. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ vào ngày 31 tháng 10 năm 1942.

Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến thế giới, đặc biệt là Ukraine và Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Trinh Nữ Maria trong nghi thức sám hối Mùa Chay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 25 tháng 3 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hiến thế giới, đặc biệt là Ukraine và Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Trinh Nữ Maria trong nghi thức sám hối Mùa Chay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican vào ngày 25 tháng 3 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Thánh Gioan Phaolô II – người đã ba lần thánh hiến toàn thể Giáo hội và thế giới cho Đức Trinh Nữ Maria trong Triều đại Giáo hoàng của mình – đã dạy rằng bằng cách tận hiến bản thân cho Đức Maria, chúng ta đón nhận sự trợ giúp của Mẹ trong việc dâng mình trọn vẹn cho Chúa Kitô.

Trước khi đọc lời nguyện thánh hiến vào năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích rằng đó là “một hành động của sự tin tưởng phó thác hoàn toàn của những người con, giữa sự đau khổ của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa đang đe dọa thế giới của chúng ta, hướng về Mẹ, đặt tất cả mọi nỗi sợ hãi và sự đau đớn của họ nơi Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ và dâng mình cho Mẹ”.

“Điều đó có nghĩa là đặt vào Trái Tim vẹn sạch và không tì vết đó, nơi Thiên Chúa được phản chiếu, của cải vô giá là tình huynh đệ và hòa bình, tất cả những gì chúng ta có và đang có, để Mẹ, Người Mẹ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, có thể bảo vệ và gìn giữ chúng ta”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube