Đức Thánh Cha Phanxicô: Lười biếng là một ‘cám dỗ cực kỳ nguy hiểm’ giống như sự thờ ơ

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư ngày 14 tháng 2 – năm nay trùng với Thứ Tư Lễ Tro và bắt đầu Mùa Chay – Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về chiều kích con người của thói biếng nhác, thường được gọi là lười biếng, đồng thời nhận xét rằng đó là “một kết quả thay vì là một nguyên nhân”.

Nhận xét rằng đó là một “cám dỗ cực kỳ nguy hiểm”, Đức Thánh Cha suy ngẫm về việc ‘acedia’, vốn là một từ Hy Lạp có nghĩa là “thiếu sự quan tâm”, bao hàm một chiều kích “tâm lý và triết học” và có thể liên quan đến sự thờ ơ – và thậm chí cả sự lơ đãng – có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống cá nhân cũng như tinh thần của chúng ta.

“Giống như những người trở thành nạn nhân của nó bị đè bẹp bởi dục vọng. Họ cảm thấy ghê tởm mọi thứ, mối tương quan với Thiên Chúa trở nên nhàm chán đối với họ, và ngay cả những hành động thánh thiện nhất, những hành động trước đây sưởi ấm trái tim họ, giờ đây dường như hoàn toàn vô dụng đối với họ”, Đức Thánh Cha nhận xét với các tín hữu quy tụ tham dự buổi tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô VI.

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Dựa trên chiều kích con người của tật xấu này, Đức Thánh Cha đã vạch ra cách hiểu hiện thời rằng nó có thể liên kết chặt chẽ với “sự chán nản ngã lòng”, đồng thời lưu ý rằng đối với những người mắc chứng biếng nhác, tẻ lạnh, “cuộc sống mất đi ý nghĩa của nó, việc cầu nguyện trở nên nhàm chán, và mọi cuộc chiến đều trở nên dường như vô nghĩa”.

Đối với Đức Thánh Cha, thái độ lãnh đạm hay thờ ơ này cũng bắt đầu khi “một người bắt đầu hối tiếc về thời gian đã trôi qua và tuổi trẻ không thể cứu vãn ở phía sau họ”.

“Nếu thời trẻ chúng ta nuôi dưỡng những đam mê nhiệt huyết thì giờ đây chúng dường như phi lý, những ước mơ không làm chúng ta hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta buông thả mình, và sự xao lãng, vô tư lự, dường như là lối thoát duy nhất: Người ta muốn trở nên tê liệt, mang lấy một tâm trí hoàn toàn trống rỗng… Điều đó hơi giống như một sự chết trước”, Đức Thánh Cha chia sẻ thêm.

Đức Thánh Cha đã nhắc đến mẫu gương của các vị đan tu trong sa mạc thời xưa để lấy cảm hứng, đặc biệt đề cập đến ẩn sĩ Evagrius Ponticus ở thế kỷ thứ IV, người đã gọi thói xấu này là “tên ác quỷ giữa ban trưa”.

Suy ngẫm về câu chuyện của vị đan sĩ về hiện tượng này, Đức Thánh Cha nói: “‘Kẻ lười biếng không thực hiện công việc của Thiên Chúa với sự bận tâm”, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “nó ập đến với chúng ta vào giữa một ngày, khi sự mệt mỏi lên đến đỉnh điểm và những giờ phút phía trước dường như đơn điệu, không thể sống được”.

Tuy nhiên, đối với Đức Thánh Cha, liều thuốc giải độc “quan trọng nhất” cho xu hướng này là điều ngài mô tả là “sự kiên nhẫn của đức tin”.

Việc phát triển sự kiên nhẫn này ở cấp độ cá nhân được xác định dựa trên việc chống lại sự cám dỗ ở “nơi khác” hoặc ước muốn “thoát khỏi thực tế”, Đức Thánh Cha giải thích.

“Thay vào đó, người ta phải có can đảm để ở lại và chào đón sự hiện diện của Thiên Chúa ‘ở đây và bây giờ’, trong hoàn cảnh như hiện tại”, Đức Thánh Cha tiếp tục.

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vào ngày 14 tháng 2 năm 2024, tại Đại thính đường Phaolô VI ở Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại “tên ác quỷ” của thói xấu này bằng cách nhấn mạnh rằng nó “muốn làm cho anh chị em tin rằng tất cả đều hão huyền vô ích, tất cả đều chẳng có ý nghĩa gì, tất cả đều chẳng đáng bận tâm đến bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai”.

“Có biết bao nhiêu người, trong vòng kìm kẹp của sự lạnh nhạt, bị khuấy động bởi sự bồn chồn vô danh, đã từ bỏ một cách ngu ngốc cuộc sống tốt đẹp mà họ đã dấn thân”, Đức Thánh Cha than phiền.

Nhấn mạnh rằng đây là một “trận chiến phải giành chiến thắng bằng mọi giá”, Đức Thánh Cha đã nhắc đến mẫu gương của các vị Thánh mà “trong nhiều nhật ký của các ngài”, chúng ta có thể thấy rằng các ngài đã phải đối mặt với “những khoảnh khắc khủng khiếp của những đêm đen thực sự của đức tin, khi mọi thứ dường như tối tăm”.

Gương của các Thánh cho chúng ta thấy cách “kiên nhẫn vượt qua đêm tối” và “duy trì một mức độ cam kết nhỏ hơn, đặt ra những mục tiêu trong tầm tay hơn, nhưng đồng thời kiên tâm chịu đựng, kiên trì bằng cách nương tựa vào Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong sự cám dỗ”.

“Đức tin, bị dày vò bởi thử thách của sự lạnh nhạt, không mất đi giá trị của nó. Ngược lại, đó là đức tin đích thực, đức tin rất nhân bản, bất chấp tất cả, bất chấp bóng tối làm mù quáng, vẫn khiêm tốn tin tưởng phó thác”, Đức Thánh Cha nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube