
Xe cứu hỏa đang dập lửa tại nhà kho của tổ chức Caritas-Spes ở Lviv, Ukraine vào ngày 19 tháng 9 năm 2023, sau khi nó bị tấn công bằng tên lửa của Nga (Ảnh: Caritas Spes)
Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án việc thường xuyên sử dụng “vũ khí thông thường” nhắm vào các mục tiêu dân sự trong một thông điệp gửi tới Đức Hồng Y Peter Turkson người Ghana, được gửi đi một ngày sau khi một nhà kho ở Ukraine chứa nhiều tấn viện trợ nhân đạo bị phá hủy trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Nga.
Trong thông điệp vào ngày 19 tháng 9, Đức Thánh Cha đã đề cập điều mà ngài nói rằng “các vấn đề đạo đức ngày càng cấp bách nảy sinh do việc sử dụng cái gọi là ‘vũ khí thông thường’, thứ vốn chỉ nên được sử dụng cho mục đích phòng thủ chứ không nhằm vào vào các mục tiêu dân sự, trong chiến tranh đương đại”.
“Tôi hy vọng rằng sự suy ngẫm liên tục về vấn đề này sẽ dẫn đến sự đồng thuận rằng những thứ vũ khí như vậy, với sức tàn phá khủng khiếp, sẽ không được sử dụng theo cách thức có thể gây ra ‘sự thương tích thừa thãi hoặc sự đau khổ không đáng có’, theo lời của Tuyên bố St. Petersburg”, Đức Thánh Cha nói.
Thông điệp của Đức Thánh Cha được công bố một ngày sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga đã phá hủy một nhà kho ở Lviv thuộc tổ chức từ thiện Caritas-Spes, nơi chứa hơn ba tấn viện trợ nhân đạo.
Tổng thư ký Caritas Quốc tế, ông Alistair Dutton, người hiện đang có mặt tại New York để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và là người mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng đã phát biểu tại đó, đã lên án vụ tấn công tàn phá.
“Vụ tấn công của Nga vào nhà kho của Caritas-Spes Ukraine ở Lviv đêm ngày 19 tháng 9, phá hủy 300 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine, là một sự xúc phạm và vi phạm trắng trợn Luật Nhân đạo Quốc tế”, Đức Thánh Cha nói.
Không có nhân viên nào bị thương trong vụ tấn công. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành chi nhánh Caritas-Spes Ukraine, Cha Vyacheslav Grynevych, cho biết nhà kho và mọi thứ bên trong đều đã bị phá hủy, bao gồm thực phẩm, các bộ dụng cụ vệ sinh, máy phát điện và quần áo.
Một số gói viện trợ bị phá hủy vừa được gửi đến từ Caritas Ba Lan trong đêm đó và dự định hỗ trợ khoảng 600 gia đình ở Ukraine. Sau khi nhà kho bị phá hủy, Caritas Ba Lan đã cam kết gửi hỗ trợ bổ sung cho các gia đình đang gặp khó khăn.
Đức Giám mục phụ tá Eduard Kava Địa phận Lviv cho biết Caritas đã sử dụng nhà kho này trong một năm rưỡi qua, và “từ nơi này, viện trợ nhân đạo đã được vận chuyển xa hơn về phía đông Ukraine cho những người đang cần được giúp đỡ”.
“Mọi thứ đã bị phá hủy”, Đức Giám mục Kava nói, nhưng đồng thời bày tỏ sự nhẹ nhõm khi không có nhân viên hay nhân viên bảo vệ nào có mặt tại hiện trường khi nhà kho bị tấn công.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc và nhiều cơ quan truyền thông khác nhau đã đưa tin rằng các kho hàng nhân đạo đang ngày càng trở thành mục tiêu của lực lượng Nga trong cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine. Vào tháng 5, hai nhà kho thuộc các tổ chức nhân đạo khác cũng đã bị tấn công ở Odessa và Ternopil.
Nga cũng đã nhiều lần bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự và đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra vì những tội ác chiến tranh bị cáo buộc.
Vào tháng 4 năm 2022, Liên Hợp Quốc đã đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và đến tháng 10 năm ngoái, nước này vẫn đang bị điều tra ở Ukraine vì cáo buộc giết hại thường dân, các vụ bắt cóc, đánh bom bừa bãi và tấn công tình dục.

Một lính cứu hỏa đang kiểm tra nhà kho của Caritas-Spes ở Lviv, Ukraine, nơi cất giữ hàng viện trợ nhân đạo, sau khi bị tên lửa Nga tấn công vào ngày 18 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: Caritas Spes)
Bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đức Hồng y Turkson, Chưởng ấn Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội (PASS), đã được gửi tới dự một hội nghị do PASS và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo tổ chức hiện đang diễn ra từ ngày 19 đến 20 tháng 9 tại Casina Pio IV của Vatican nhằm kỷ niệm 60 năm Thông điệp mang tính bước ngoặt ‘Pacem in Terris’ của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được xuất bản vào tháng 4 năm 1963.
Thông điệp vạch ra quan điểm của Vatican về các quyền và nghĩa vụ của cả người dân lẫn các quốc gia, đưa ra tầm nhìn của Đức Gioan XXIII về các mối quan hệ đúng đắn giữa các quốc gia. Trong số những vấn đề khác, Thông điệp cũng nhấn mạnh đến phẩm giá và sự bình đẳng của con người, đồng thời ủng hộ quyền phụ nữ, không phổ biến vũ khí hạt nhân và ủng hộ Liên Hợp Quốc.
Bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đánh dấu sự trao đổi thư từ công khai đầu tiên giữa ngài và Turkson kể từ khi Đức Hồng y Turkson bị cách chức khỏi vị trí đứng đầu Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican vào tháng 1 năm ngoái vì những tranh luận về việc quản lý cơ quan này.
Bức thư cũng được đưa ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bị chỉ trích vì ca ngợi “Nước Mẹ Nga vĩ đại” trong một cuộc gọi video với giới trẻ Nga, với nhận xét bị các quan chức Ukraine lên án là “sự tuyên truyền đế quốc”, và bởi các Giám mục Ukraine, những người đang có mặt tại Rôma để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ vào tuần trước, và gọi những nhận xét đó là điều khó hiểu, đáng lo ngại và gây đau đớn cho các tín hữu Công giáo Hy Lạp ở Ukraine.
Trong thông điệp gửi Đức Hồng y Turkson, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi hội nghị về ‘Pacem in Terris’ là kịp thời, đồng thời cho biết rằng nó đang diễn ra “khi thế giới của chúng ta tiếp tục nằm trong vòng vây của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần, và, trong trường hợp bi thảm của cuộc xung đột ở Ukraine, không phải không tồn tại mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”.
“Thời điểm hiện tại rất giống với thời kỳ ngay trước ‘Pacem in Terris’, khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10 năm 1962 đã đưa thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt hạt nhân trên diện rộng”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời lưu ý rằng trong những năm kể từ đó, số lượng và tiềm năng vũ khí hạt nhân ngày càng phát triển.
Việc đầu tư vào các công nghệ vũ khí khác cũng đã gia tăng, “và ngay cả sự đồng thuận lâu dài về việc cấm vũ khí hóa học và sinh học cũng đang bị căng thẳng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn lời khuyên của Đức Gioan XXIII rằng: “Các mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, phải được điều chỉnh không phải bằng vũ lực, nhưng phù hợp với các nguyên tắc của lý trí đúng đắn: các nguyên tắc về sự thật, công lý và sự hợp tác mạnh mẽ và chân thành”.
Minh Tuệ (theo Crux)