Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Không bao giờ là quá muộn để hành động’ chống lại nạn buôn người

Các thành viên mạng lưới Talitha Kum cầm trên tay tác phẩm điêu khắc Thánh Josephine Bakhita tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 6 tháng 2 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các thành viên mạng lưới Talitha Kum cầm trên tay tác phẩm điêu khắc Thánh Josephine Bakhita tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 6 tháng 2 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Nhân Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nhận thức chống lại Nạn buôn người lần thứ 10, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người hãy thực hiện những hành động cụ thể để “chống lại tai họa toàn cầu này”.

“Chúng ta hãy giúp đỡ nhau để trở nên cảm thông hơn, để mở rộng cuộc sống và trái tim với anh chị em của chúng ta, những người thậm chí hiện đang bị mua bán như nô lệ. Không bao giờ là quá muộn để hành động”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một thông điệp được công bố vào ngày 8 tháng 2.

“Chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và tích cực hoạt động vì mục đích này, bảo vệ phẩm giá con người, bằng cầu nguyện và hành động với tư cách cá nhân và gia đình, hoặc với tư cách là cộng đồng Giáo xứ và Dòng tu, với tư cách là các hiệp hội và phong trào Giáo hội, cũng như trong các lĩnh vực xã hội và xã hội đời sống chính trị khác nhau”.

Bình luận của Đức Thánh Cha được đưa ra khi các tín hữu Công giáo từ hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới cùng nhau quy tụ như một phần của sáng kiến “Marathon cầu nguyện” trực tuyến nhân Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nhận thức chống lại Nạn buôn người.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, nạn buôn người được ước tính là một ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD, thu lợi nhuận từ khoảng 49,6 triệu nạn nhân trên toàn thế giới. Cơ quan Liên Hợp Quốc đã ghi nhận số người trải qua chế độ nô lệ hiện đại tăng 25% từ năm 2016 đến năm 2021.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày Quốc tế Cầu nguyện và Nhận thức chống lại Nạn buôn người cách đây 10 năm trùng với dịp Lễ Thánh Josephine Bakhita, vị thánh bảo trợ các nạn nhân của nạn buôn người, vào ngày 8 tháng 2.

“Chúng ta hãy cùng nhau bước theo bước chân của Thánh Bakhita, một Nữ tu đến từ Sudan, người khi còn nhỏ đã bị bán làm nô lệ và là nạn nhân của những kẻ buôn người. Chúng ta hãy nhớ đến sự sai trái mà Thánh nhân đã phải chịu đựng, sự đau khổ của Ngài, nhưng đồng thời cũng là sức mạnh và hành trình giải phóng và tái sinh Ngài cho một cuộc sống mới”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Thánh Bakhita khuyến khích chúng ta mở rộng đôi mắt và đôi tai của mình để nhìn thấy những người vô hình và lắng nghe những người không có tiếng nói, thừa nhận phẩm giá của mỗi người và chống lại nạn buôn người cũng như mọi hình thức bóc lột”.

Thánh Josephine Bakhita sinh năm 1869 tại Sudan. Khoảng năm 1877, Bakhita bị bọn buôn nô lệ Ả Rập bắt cóc và bán làm nô lệ. Trong thời gian làm nô lệ, Bakhita đã bị đánh đập, bị tra tấn và mang nhiều vết sẹo.

Cuối cùng, vào năm 1883, Bakhita đã bị bán cho phó Lãnh sự Ý Callisto Legani, người đã đưa Bakhita trở về Ý. Khi ở Ý, Bakhita được giao cho một gia đình và trở thành bảo mẫu của họ, và gia đình đó cuối cùng đã để Bakhita lại với các Nữ tu Canossian ở Venice khi họ đến Sudan để công tác.

Một lần với các Nữ tu, Bakhita đã học hỏi về Kitô giáo và quyết định trở thành người Công giáo. Bakhita đã từ chối quay trở lại với gia đình đã bắt mình làm nô lệ khi họ trở về Ý, và một tòa án Ý đã ra phán quyết rằng vì chế độ nô lệ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Sudan trước khi Bakhita sinh ra nên Bakhita không phải là nô lệ hợp pháp. Sau đó Bakhita đã được giải thoát khỏi kiếp nô lệ.

Với sự tự do mới tìm thấy của mình, Bakhita tiếp tục ở lại với các Nữ tu Canossian và lấy tên Josephine Margaret và Fortunata, bản dịch tiếng Latin tên tiếng Ả Rập của cô, Bakhita. Ba năm sau, Bakhita trở thành tập sinh của Dòng Nữ tử Bác ái Canossian và tuyên khấn lần cuối vào ngày 8 tháng 12 năm 1896.

 Sau đó, Bakhita sống phần còn lại của cuộc đời mình trong một tu viện ở Schio, Vicenza, làm công việc đầu bếp và người gác cửa. Bakhita qua đời vào ngày 8 tháng 2 năm 1947 và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh vào ngày 1 tháng 10 năm 2000.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người đáp lại lời kêu gọi của ngài chống lại nạn buôn người để vinh danh Thánh Josephine Bakhita, người mà ngài nói “đại diện cho tất cả những người nam nữ, những người, mặc dù bị nô lệ, vẫn có thể đạt được sự tự do”.

“Đó là lời kêu gọi hành động, huy động mọi nguồn lực của chúng ta để chống lại nạn buôn người và khôi phục lại phẩm giá đầy đủ cho những người từng là nạn nhân của nó”.

Sự kiện Marathon cầu nguyện trực tuyến nhân Ngày Thế giới chống Nạn buôn người đang được điều phối bởi Talitha Kum, một mạng lưới gồm hơn 2.000 nữ tu Công giáo phục vụ ở tuyến đầu của cuộc chiến chống buôn bán tình dục, giúp những người sống sót tìm được sự chữa lành và sự tự do đích thực.

Các nữ tu liên kết với Talitha Kum có mặt ở 77 quốc gia. Các thành viên của mạng lưới đã phục vụ 10.000 nạn nhân bị buôn bán bằng cách đồng hành cùng với họ đến các nơi tạm trú và các cộng đồng dân cư khác, chung tay vào sự hợp tác quốc tế và giúp họ trở về nhà.

 “Từ trái tim mình, tôi bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người tham gia vào hoạt động kỷ niệm ngày này và tôi chúc lành cho tất cả những ai cam kết chống lại nạn buôn người và mọi hình thức bóc lột nhằm xây dựng một thế giới huynh đệ và hòa bình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube