Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cầu nguyện cho những người Rohingya tại Myanmar đang bị bách hại

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 09-02-2017 | 07:31:16

ĐTC Phanxicô đã kêu gọi cầu nguyện cho những người Rohingya tại Myanmar – những người dân đang bị bách hại và bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương xứ sở của mình.

Mianma

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần, ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi các tín hữu hiện diện hãy cùng hiệp ý với Ngài trong lời cầu nguyện “cho các anh chị em Rohingya của chúng ta đang bị xua đuổi khỏi Myanmar và hiện đang phải trốn chạy từ nơi này sang khác vì chẳng ai muốn đón nhận họ”.

“Họ là những công dân tốt, họ không phải là các Kitô hữu, họ là những người ôn hòa, họ đều là anh chị em của chúng ta và trong nhiều năm qua họ đã phải chịu nhiều đau khổ, họ đang bị tra tấn và sẽ bị giết hại, đơn giản chỉ vì họ nêu cao đức tin Hồi giáo của mình”, ĐTC Phanxicô nói.

Và cùng với 7.000 tín hữu hiện diện tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican, ĐTC Phanxicô đã xướng ‘Kinh Lạy Cha’ để cầu nguyện cho các anh chị em di dân – những người đang bị lạm dụng và bị làm nhục, và cách đặc biệt để cầu nguyện cho những người Rohingya.

ĐTC Phanxicô cũng nhắc nhớ ngày 8/2 là ngày lễ kính Thánh Josephine Bakita – một nô lệ Sudan đã được trả tự do để rồi sau đó trở thành nữ tu Dòng Bác Ái Canossa tại Ý. Chị đã được Giáo Hội tuyên Thánh trong Năm Thánh 2000.

Các nhóm nhân quyền đã kêu gọi chính phủ Myanmar ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế độc lập về các vụ lạm dụng bị cáo buộc là do các lực lượng an ninh đối với các thành viên của các dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, trong đó có các vụ giết người, cướp phá các ngôi nhà cũng như việc lạm dụng bạo lực tình dục một cách có hệ thống như đã được báo cáo.

Ước tính có khoảng 1.000.000 người Rohingya phải đối diện với nạn kì thị và phân biệt đối xử nơi đất nước Myanmar với phần đông dân số theo Phật giáo, quốc gia này cũng được biết đến với tên gọi là Miến Điện. Hầu hết những người này không có quyền công dân và bị coi là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh, thậm chí ngay cả khi gia đình họ đã sinh sống trong nước qua nhiều thế hệ. Bạo lực năm 2012 đã khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của họ, và hơn 100.000 vẫn phải sống trong các trại tị nạn nhơ nhuốc bẩn thỉu.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube