Đức Thánh Cha Phanxicô: ‘Giáo dục chất lượng xây dựng con người tốt hơn chứ không phải lợi ích kinh tế’

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Quốc tế Tông đồ Giáo dục Dòng Tên tại Vatican vào ngày 24 tháng 5 năm 2024 (Ảnh CNS/ Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Quốc tế Tông đồ Giáo dục Dòng Tên tại Vatican vào ngày 24 tháng 5 năm 2024 (Ảnh CNS/ Truyền thông Vatican)

Giáo dục đích thực là đồng hành cùng giới trẻ để khám phá và xây dựng công ích thông qua sự nghiêm túc trong học tập và phục vụ người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Chúng ta cần chuyển từ văn hóa ‘tôi’ sang văn hóa ‘chúng ta’, trong đó một nền giáo dục có chất lượng được xác định bởi kết quả nhân bản hóa chứ không phải bởi kết quả kinh tế của nó”, Đức Thánh Cha nói với các thành viên của Ủy ban Quốc tế Tông đồ Giáo dục Dòng Tên trong một bài diễn văn trong buổi tiếp kiến tại Vatican hôm 24 tháng 5.

Ủy ban này là cơ quan cố vấn cho Ban Thư ký Giáo dục của Dòng Tên và tập trung vào giáo dục trung học và mầm non thay vì các trường đại học. Ủy ban báo cáo vào năm 2023 rằng có hơn 2.300 trường học trong mạng lưới toàn cầu của Dòng Tên, đào tạo “hơn 2 triệu học sinh, thuộc mọi thành phần tôn giáo, văn hóa, xã hội và ngôn ngữ ở 5 châu lục và hơn 70 quốc gia”.

Trong bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn cho nhóm, Đức Thánh Cha viết rằng các tu sĩ Dòng Tên phải nhấn mạnh đến việc các nhà giáo dục cần phải có “một mối tương quan thực sự với Thiên Chúa”.

Cách duy nhất để giúp chia sẻ “kho tàng được mạc khải nơi Chúa Giêsu” với giới trẻ và giúp họ “trải nghiệm mầu nhiệm giải thoát và cứu độ của Người” đó là để người trẻ nhận thấy nơi các nhà giáo dục và cha mẹ của họ “mối tương quan này với Thiên Chúa và sự tôn trọng sâu sắc đối với người khác và đối với công trình sáng tạo”, Đức Thánh Cha viết.

“Trường học của chúng ta cũng phải là nhà thầy dạy của các nhà giáo dục, thầy dạy của các nhà sư phạm”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.

Các trường học của Dòng Tên đã cho phép mỗi thế hệ mới lắng nghe thông điệp Tin Mừng đồng thời cũng là nơi có sự nghiêm ngặt về học thuật và trí tuệ, Đức Thánh Cha viết. “Nhưng trung tâm đã và phải tiếp tục nói về Chúa Giêsu. Đó là lý do tại sao Dòng Tên, thông qua chương trình giảng dạy và các hoạt động ở trường, đã nỗ lực để những người trẻ có thể tiếp xúc với Tin Mừng, phục vụ người khác và do đó, đóng góp cho công ích”.

Các tu sĩ Dòng Tên tin rằng bắt đầu từ khi còn trẻ, mọi người nên học cách khám phá “Thiên Chúa hiện diện nơi người khác, đặc biệt nơi người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội”, Đức Thánh Cha viết. “Đây là nền giáo dục thực sự, đồng hành cùng với người trẻ để khám phá, qua việc phục vụ người khác và qua sự nghiêm túc trong học thuật, việc xây dựng công ích”.

Trên thực tế, Đức Thánh Cha viết, Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục mà ngài thúc đẩy nhằm mục đích tái xem xét các nỗ lực giáo dục để những người trẻ có thể “được chuẩn bị và bắt đầu thay đổi não trạng của một nền giáo dục chỉ vì thành công của cá nhân tôi, thành não trạng của một nền giáo dục giúp họ khám phá ra sự viên mãn thực sự của cuộc sống, khi các năng khiếu và khả năng cá nhân được sử dụng cùng với những người khác, để xây dựng một xã hội và thế giới nhân bản và huynh đệ hơn”.

Nếu không có hiệp ước toàn cầu, Đức Thánh Cha viết, “thế giới của chúng ta, vốn đã phải chịu quá nhiều bạo lực và sự phân cực, sẽ không thể tạo ra một tương lai đầy hy vọng hoặc vượt qua những thách thức nghiêm trọng ảnh hưởng đến nó và buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn rằng chúng ta cùng chia sẻ một ngôi nhà chung”.

Giáo dục là một nỗ lực lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và nhận thức rằng kết quả cuối cùng không phải lúc nào cũng rõ ràng, Đức Thánh Cha viết. “Ngay cả Chúa Giêsu cũng không có được kết quả tốt đẹp với các môn đệ ngay từ đầu, nhưng Ngài đã kiên nhẫn và tiếp tục kiên nhẫn với chúng ta để dạy chúng ta rằng giáo dục là chờ đợi, nhẫn nại và kiên trì với tình yêu thương”.

Minh Tuệ (theo Catholic Review)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube