Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ tân Đại sứ Nga tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến tân Đại sứ Nga tại Vatican Ivan Soltanovsky vào ngày 18 tháng 9 năm 2023, tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến tân Đại sứ Nga tại Vatican Ivan Soltanovsky vào ngày 18 tháng 9 năm 2023, tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ tân Đại sứ Nga tại Tòa Thánh mới được bổ nhiệm, Ivan Soltanovsky.

Cuộc gặp gỡ, trong đó tân Đại sứ Soltanovsky đã đệ trình ủy nhiệm thư của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô, diễn ra vài ngày sau khi Đặc phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đến thăm Bắc Kinh để thảo luận về những nỗ lực mang lại hòa bình ở Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra.

“Bầu khí của cuộc gặp gỡ hết sức thân thiện” và hai người “đã thảo luận cách đặc biệt về sứ mệnh của Đặc phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ukraine, Đức Hồng y Matteo Zuppi, nhằm giải quyết một số vấn đề nhân đạo”, ông Soltanovsky nói với hãng thông tấn TASS của Nga.

“Chúng tôi đã đồng ý tiếp tục cuộc đối thoại trung thực và cởi mở với Tòa Thánh, theo truyền thống dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”, ông Soltanovsky nói với hãng thông tấn TASS.

Trong thời gian phục vụ với tư cách là Đặc phái viên hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng y Zuppi đã thực hiện một số chuyến viếng thăm ngoại giao trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy hòa bình giữa Nga và Ukraine, bao gồm các điểm dừng ở Kyiv, MoscowWashington, D.C. Đức Hồng y Zuppi có mối quan hệ chặt chẽ với Cộng đồng Sant’Egidio, một hiệp hội giáo dân Công giáo đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sứ mệnh của Đức Hồng y Zuppi không có mục tiêu hòa giải trước mắt, Vatican cho biết.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết vào ngày 15 tháng 9 rằng “Đặc phái viên Vatican [Đức Hồng y Zuppi Zuppi] sẽ quay trở lại” và Moscow sẽ “chào đón ông ấy”. Vatican hiện vẫn chưa xác nhận chuyến đi của Đức Hồng y Zuppi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Đại sứ Nga sắp mãn nhiệm Aleksandr Avdeyev khi ngài có chuyến thăm ngoại thường tới Đại sứ quán Nga vào ngày 25 tháng 2 năm 2022, một ngày sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu. Vatican cho biết Đức Thánh Cha đã tới Đại sứ quán “để bày tỏ sự quan ngại của ngài đối với cuộc chiến”.

Sau đó, vào tháng 9 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài có tham gia vào một cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, liên quan đến việc gọi điện cho Đại sứ Avdeyev “để xem liệu ngài có thể làm được điều gì đó không, liệu việc trao đổi tù nhân có thể được đẩy nhanh hay không”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần lên án chiến tranh và kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nhưng đôi khi cũng nhận được những lời chỉ trích từ người Ukraine về cách ngài thể hiện. Gần đây nhất, vào tháng 8, Vatican đã minh định rằng Đức Thánh Cha không có ý định ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga trong khi phát biểu ngẫu hứng trong cuộc hội nghị video trực tiếp với giới trẻ Nga vào ngày 25 tháng 8.

Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến “Nước Mẹ Nga” và ca ngợi “nước Nga vĩ đại của Peter I, Catherine II, đế chế khai sáng vĩ đại đó”. Tổng thống Vladimir Putin trước đây đã so sánh mình với Sa hoàng Peter Đại đế thế kỷ 18 khi biện minh cho cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine đã phản ứng với lời cảnh báo: “Chúng tôi hy vọng rằng những lời này của Đức Thánh Cha được nói ra một cách tự nhiên tự phát, không có bất kỳ nỗ lực đánh giá lịch sử nào, chứ đừng nói đến việc ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga”.

Đại sứ Vatican tại Kyiv cũng đã minh định rằng những lời của vị Giáo Hoàng Rôma phải được hiểu trong bối cảnh Đức Thánh Cha Phanxicô là “một đối thủ kiên quyết và chỉ trích bất kỳ hình thức chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa thực dân nào trên mọi dân tộc và mọi hoàn cảnh”.

Nga và Tòa Thánh đã khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 2010 sau khi duy trì quan hệ ngoại giao hạn chế kể từ năm 1990.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube