Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì buổi Canh Thức cầu nguyện với chủ đề "Hãy lau khô những giọt nước mắt"

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 06-05-2016 | 16:37:10

Hôm thứ năm, Lễ Chúa Thăng Thiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì buổi cầu nguyện với chủ đề “hãy lau khô những dòng nước mắt” tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho những người đang chịu cảnh đau khổ và tìm kiếm sự ủi an.

REUTERS1415062_ArticoloCác thành viên của một gia đình và hai cá nhân đã trải qua nhiều đau khổ trong cuộc sống của họ đã làm chứng trước cộng đoàn hiện diện về những trải nghiệm đau đớn của họ và cách họ được giúp đỡ để phục hồi từ những kinh nghiệm đau khổ ấy.

Trong buổi Canh Thức, một bình đựng thánh tích những Giọt Lệ Đức Mẹ thành Syracuse đã được trưng bày bên trong đền thờ để các tín hữu tôn kính. Bình đựng thánh tích những giọt lệ Đức Mẹ liên kết với các hiện tượng ngoại thường xảy ra vào năm 1953, khi một bức tranh thạch cao nhỏ miêu tả Trái Tim Vô Nhiễm Đức Trinh Nữ Maria đã được treo ở đầu giường của một cặp vợ chồng người Ý trẻ đã nhỏ những giọt lệ như nước mắt thật của con người. Bình đựng thánh tích này chứa một phần những giọt nước mắt đã chảy ra một cách kỳ diệu từ bức ảnh Đức Mẹ đẫm lệ.

Dưới đây là bản dịch bài suy niệm của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đêm canh thức cầu nguyện:

Anh chị em thân mến,

Sau khi chúng ta đã nghe những lời chứng hết sức cảm động, và dưới ánh sáng của Lời Chúa đem lại ý nghĩa đối với những đau khổ của chúng ta, trước hết, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến giữa chúng ta. Xin Ngài soi sáng tâm trí để chúng ta biết nói những lời đem lại niềm an ủi cho anh em mình. Xin Ngài mở rộng tâm hồn mỗi chúng ta để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong những giây phút tưởng chừng như khó khăn nhất.

Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng Ngài sẽ không để họ phải cô độc một mình, nhưng trong mọi phút giây trong cuộc sống, Ngài vẫn luôn gần bên họ bằng cách ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi (Ga14, 26) để giúp đỡ, trợ sức và an ủi họ.

Vào những lúc buồn bã, đau khổ và bệnh tật, giữa những đau khổ của cuộc đàn áp và đau buồn, người ta thường tìm đến sự an ủi. Chúng ta cảm nhận một nhu cầu mạnh mẽ của một người cần được gần gũi và cần một sự cảm thông từ người khác. Chúng tôi trải nghiệm những gì có nghĩa là chao đảo mất phương hướng, bối rối, chán nản hơn chúng ta nghĩ có thể xảy ra. Chúng tôi nhìn xung quanh bằng một sự vô định, cố gắng tìm xem có ai thực sự hiểu thấu những nỗi đau của chúng ta hay không. Tâm trí chúng ta đầy rẫy những câu hỏi không lời đáp. Những lý do tự bản chất nó không thể làm cho những cảm xúc sâu xa nhất của chúng ta trở nên hợp lý được, nó không trân trọng những nỗi đau chúng ta trải nghiệm và không thể trả lời cho những nghi vấn của chúng ta được. Vào những lúc như thế này, hơn bao giờ hết chúng ta cần những lý do của tâm hồn, mà chỉ có như vậy mới có thể giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm bao trùm những nỗi cô đơn của chúng ta.

Có biết bao nhiêu nỗi buồn mà chúng ta có thấy nơi khuôn mặt của nhiều người xung quanh chúng ta! Có biết bao nhiêu giọt nước mắt tuôn trào trên mi từng giây từng phút trên thế giới chúng ta; từng giọt từng giọt tuôn trào làm nên một đại dương hoang vu, khóc để kêu xin lòng thương xót, kêu xin lòng từ bi, và kêu xin sự an ủi. Những giọt nước mắt cay đắng nhất là những giọt nước mắt gây nên bởi những sự dữ của con người: đó là những giọt nước mắt của những người chứng kiến người thân yêu của mình phải khóc thảm thiết vì họ; những giọt nước mắt của những bậc ông bà, cha mẹ, của trẻ em; những giọt nước mắt từ những đôi mắt đăm chiêu nhìn vào hoàng hôn mà như vô vọng không thể nhìn thấy ánh bình minh của một ngày mới. Tất cả chúng ta cần đến Lòng thương xót và sự an ủi của Thiên Chúa. Đây chính là sự nghèo nàn nhưng vĩ đại của chúng ta: để cầu xin sự an ủi của Thiên Chúa, Đấng đến để lau khô những giọt nước mắt từ những đôi mi ngấn lệ của chúng ta (Is 25, 8; Kh 7, 17; 21, 4).

Khi chúng ta đau khổ, chúng tôi không đơn độc. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài biết thế nào là khóc thương vì sự mất mát của một người thân. Một trong những trang cảm động nhất của Tin Mừng, nói về việc Chúa Giêsu thấy Maria khóc vì em cô là Lazarô mới qua đời. Và Ngài cũng không thể cầm được nước mắt. Ngài vô cùng cảm động và bắt đầu rơi lệ (Ga 11, 33-35). Tác giả Tin Mừng Gioan, khi viết về sự kiện này, ông muốn cho chúng ta cảm nhận được Chúa Giêsu đã cảm thông và thấu hiểu nỗi buồn của những người thân mình như thế nào. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đã làm thay đổi biết bao nhiêu nhà thần học trong nhiều thế kỷ qua, nhưng hơn nữa những giọt nước mắt ấy đã chạm đến rất nhiều tâm hồn và là niềm an ủi đối với những tâm hồn đã phải chịu nhiều tổn thương. Chúa Giêsu cũng đã trải qua những nỗi sợ hãi vì đau khổ và cái chết, sự thất vọng và chán nản khi Giuđa và Phêrô phản bội Thầy mình, và Ngài cũng đã vô cùng đau buồn trước cái chết của bạn mình là Lazarô. Chúa Giêsu “không bao giờ bỏ rơi những người mà Ngài yêu thương” (Thánh Augustinô, In Jo., 49, 5). Nếu Thiên Chúa có thể khóc, thì tôi cũng có thể khóc, vì biết rằng ngài thấu hiểu tôi. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đã chảy ra như là liều thuốc giải độc cho thái độ lãnh đạm của chúng ta trước những sự đau khổ của anh chị em chúng ta. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu dạy chúng ta biết với nỗi đau của người khác, biết chia sẻ và cảm thong trước những sự chán nản, đau khổ của đồng loại. Những giọt nước mắt này làm chúng ta nhận ra sự đau khổ và tuyệt vọng của những người phải chứng kiến người than mình bị đem đi, và những người không còn nơi để tìm sự an ủi. Những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đã rơi xuống không thể không đánh động đến chúng ta là những người tin vào Ngài.

Trong những lúc bối rối, thất vọng và buồn rầu đến rơi nước mắt, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha. Cầu nguyện thực sự là liều thuốc hữu hiệu cho những đau khổ của chúng ta. Chỉ có cầu nguyện, chúng ta mới có thể cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự dịu dàng từ ánh mắt Ngài an ủi chúng ta; sức mạnh của Lời Chúa sẽ trợ lực chúng ta và giúp chúng ta hy vọng. Chúa Giêsu, khi đứng trước mộ Lazarô, Ngài đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã nhậm lời con. Phần con, con biết rằng Cha hằng nhậm lời con” (Ga 11, 41-42). Chúng ta cũng cần xác tín rằng Chúa Cha hằng lắng nghe và nhậm lời chúng ta thiết tha nài xin. Tình yêu của Thiên Chúa, hằng tuôn đổ trên tâm hồn mỗi chúng ta, cho phép chúng ta nói rằng khi chúng ta yêu thương một ai đó, không có điều gì và không ai có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi những người mà chúng ta yêu thương được. Thánh Phaolô Tông Đồ nói với chúng ta điều này với những lời an ủi lớn lao: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki- tô. Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?.. Không, nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta ” (Rom 8,35, 37-39). Sức mạnh của tình yêu sẽ biến những đau khổ thành sự chắc chắn về sự vinh thắng của Chúa Kitô mà chúng ta hiệp thông với Ngài, và biến những đau khổ ấy thành niềm hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ cùng được chung hưởng hạnh phúc trên Thiên quốc và chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa Ba Ngôi, suối nguồn của sự sống và tình yêu vĩnh cửu.

Dưới chân Thánh giá, luôn có than mẫu Chúa Giêsu hiện diện. Mẹ sẽ lấy tà áo Mẹ mà lau khô những giọt lệ trên khuôn mặt mỗi chúng ta. Mẹ sẽ đưa tay kéo chúng ta lên và luôn đồng hành với chúng ta trên con đường của hy vọng”.

Minh Tuệ (theo Radiovaticana)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube