Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi “lòng nhiệt thành tông đồ” của Thánh Daniele Comboni, một Linh mục truyền giáo và Giám mục người Ý, người đã đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ nô lệ ở Châu Phi.
Đức Cha Comboni đã chứng kiến “nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ” với tư cách là một nhà truyền giáo vào giữa thế kỷ 19 tại khu vực ngày nay là Sudan. Trong các bài viết của mình, ngài đã nói về chế độ nô lệ hơn 450 lần và chỉ trích việc buôn bán nô lệ “hạ thấp loài người và thay đổi con người, giống như tất cả chúng ta, được ban cho ánh sáng trí tuệ, tia sáng thần linh và hình ảnh của Chúa Ba Ngôi cực Thánh, xuống tình trạng buồn thảm của động vật”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời “đầy nghị lực và mang tính tiên tri” của vị sáng lập Dòng Truyền Giáo Comboni trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 20 tháng 9.
“Giấc mơ của Đức Cha Comboni là ước mơ về một Giáo hội có lý tưởng chung với những người bị đóng đinh trong lịch sử, để cùng họ trải nghiệm sự phục sinh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Phát biểu với khoảng 15.000 người tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đề cập đến Thánh Comboni như một ví dụ về cách các Kitô hữu “được kêu gọi chống lại mọi hình thức nô lệ”.
“Thật không may, chế độ nô lệ, giống như chủ nghĩa thực dân, không phải là chuyện của quá khứ”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.
“Ở Châu Phi… sự bóc lột chính trị đã mở lối cho ‘chủ nghĩa thực dân kinh tế’ cũng mang tính nô lệ không kém”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trích dẫn bài phát biểu của ông tại Cộng hòa Dân chủ Congo hồi đầu năm nay.
Thánh Comboni đã tóm tắt tầm nhìn của mình về việc truyền giáo ở Châu Phi bằng những từ “Cứu Châu Phi bằng Châu Phi”, một tư duy mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ không mang tính chủ nghĩa thực dân”.
“Thánh Daniel Comboni muốn mọi Kitô hữu tham gia vào công cuộc truyền giáo”, Đức Thánh Cha nói. “Với tinh thần này, ngài đã tích hợp suy nghĩ và hành động của mình, thu hút sự tham gia của các giáo sĩ địa phương và thúc đẩy tinh thần phục vụ giáo dân của các Giáo lý viên”.
Thánh Comboni sinh năm 1831 trong một gia đình nghèo ở một thị trấn bên bờ hồ Garda ở miền bắc nước Ý. Sau khi khám phá ra ơn gọi Linh mục của mình, Comboni đã được truyền cảm hứng từ những câu chuyện nghe được từ các Linh mục truyền giáo trở về từ Châu Phi.
Ở tuổi 26, Cha Comboni đã tham gia một đoàn truyền giáo tới Khartoum, Sudan, vào năm 1857, 3 năm sau khi ngài được chịu chức Linh mục.
Sau 2 năm ở Châu Phi, 3 trong số 5 nhà truyền giáo khác mà Cha Comboni đi cùng đã qua đời, và Cha Comboni cũng lâm bệnh.
Cha Comboni đã viết cho cha mẹ mình: “Chúng con sẽ phải làm việc cực nhọc, đổ mồ hôi sôi nước mắt, chết chóc, nhưng ý nghĩ rằng chúng con lao nhọc và chết vì tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và sức khỏe của những linh hồn bị bỏ rơi nhất trên thế giới quá đỗi ngọt ngào đến nỗi khiến chúng con không thể từ bỏ quyết tâm vĩ đại của mình”.
Vị Linh mục truyền giáo người Ý sau đó đã viết rằng người dân Châu Phi “đã chiếm hữu trái tim tôi để rồi tôi chỉ sống vì họ mà thôi”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh “niềm đam mê truyền giáo vĩ đại của Thánh Comboni” phát xuất từ “niềm vui Tin Mừng, được rút ra từ tình yêu của Chúa Kitô, từ đó dẫn đến tình yêu của Chúa Kitô”.
Thánh Comboni viết: “Chúa Giêsu Thánh Thể chính là nguồn sức mạnh của tôi”.
Cha Comboni được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa của Trung Phi và được tấn phong Giám mục vào năm 1877. Ngài qua đời ở Sudan vào năm 1881 giữa một trận dịch tả. Di sản của Thánh Comboni vẫn tiếp tục tồn tại trong các Dòng tu do ngài thành lập, hiện được gọi là Dòng Thừa Sai Thánh Tâm Comboni và Dòng các Nữ tu Truyền giáo Comboni, và có mặt ở 42 quốc gia trên khắp 5 châu lục.
“Thánh Comboni đã làm chứng cho tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành, người đi tìm con chiên lạc lối và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Lòng nhiệt thành của ngài rất mạnh mẽ và mang tính tiên tri trong việc chống lại sự thờ ơ và loại trừ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Trong những bức thư của mình, Thánh Comboni tha thiết kêu gọi Giáo hội yêu quý của mình đã bỏ quên Châu Phi quá lâu… Chứng tá của Thánh nhân dường như muốn lặp lại với tất cả chúng ta, mọi tín hữu nam nữ trong Giáo hội: ‘Đừng quên người nghèo – hãy yêu thương họ – vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang hiện diện trong họ, chờ đợi họ phục sinh’”.
Minh Tuệ (theo CNA)