Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành toàn bộ buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư để chia sẻ về cuộc đời của Đấng Đáng Kính Matteo Ricci, một nhà Thừa sai Dòng Tên vào thế kỷ 16 ở Trung Quốc.
Đức Thánh Cha, người đã đề cập đến Trung Quốc vào mỗi buổi tiếp kiến chung thứ Tư trong ba tuần qua, đã ca ngợi “tinh thần truyền giáo” của Cha Ricci trong việc làm chứng cho Tin Mừng ở trung tâm của Hoàng thành Bắc Kinh.
“Cha Matteo Ricci qua đời ở Bắc Kinh năm 1610, hưởng dương 57 tuổi, một người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho công cuộc truyền giáo”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 31 tháng Năm.
“Tình yêu của Cha Ricci dành cho người dân Trung Quốc là một hình mẫu, nhưng điều đại diện cho đường hướng hiện tại là sự kiên định trong cuộc sống của ngài, chứng tá của cuộc đời của ngài với tư cách là một Kitô hữu”.
Cha Ricci được biết đến với việc giới thiệu Kitô giáo cho triều đại nhà Minh của Trung Quốc. Bằng cách học ngôn ngữ, thích nghi với trang phục và phong tục địa phương, vị Linh mục Dòng Tên đã tiếp cận được các vùng nội địa của đất nước vốn đã bị đóng cửa đối với người ngoại quốc.
“Cha Ricci luôn đi theo con đường đối thoại và tình thân hữu với tất cả những người mà ngài gặp gỡ, và điều này đã mở ra nhiều cánh cửa để ngài tuyên xưng đức tin Kitô giáo”, Đức Thánh Cha nói.
“Sau nỗ lực của Thánh Phanxicô Xaviê, 25 tu sĩ Dòng Tên khác đã nỗ lực những chẳng ăn thua gì để vào được Trung Quốc. Nhưng Cha Ricci và một trong những người bạn đồng hành của ngài đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nghiên cứu một cách cẩn trọng về ngôn ngữ và phong tục của Trung Quốc”, Đức Thánh Cha nói.
Sau lần đầu tiên đến Macao vào năm 1582, Cha Ricci đã kiên trì ở Trung Quốc trong suốt 18 năm trước khi có thể vào Hoàng thành Bắc Kinh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả cách thức Cha Ricci tham gia đối thoại với các học giả Trung Quốc, chia sẻ kiến thức toán học và thiên văn vốn “góp phần vào cuộc gặp gỡ hiệu quả giữa văn hóa và khoa học của Tây phương và Đông phương”.
“Tuy nhiên, danh tiếng của Cha Ricci với tư cách là một nhà khoa học không được che khuất động cơ sâu xa nhất trong mọi nỗ lực của ngài: đó là việc loan báo Tin Mừng”, Đức Thánh Cha nói.
“Với cuộc đối thoại khoa học, với các nhà khoa học, Cha Ricci đã tiến bước, nhưng ngài đã làm chứng về đức tin của mình, về Tin Mừng. Sự tín nhiệm có được thông qua đối thoại khoa học đã trao cho Cha Ricci sự đáng tin cậy để đề xuất chân lý của đức tin và luân lý Kitô giáo, điều mà ngài đã đề cập một cách sâu rộng trong các tác phẩm tiếng Trung Quốc của ngài, chẳng hạn như ‘Ý nghĩa đích thực của Chúa Tể trời đất’” (‘The True Meaning of the Lord of Heaven’”).
Khi Cha Ricci đặt chân đến Bắc Kinh vào tháng 1 năm 1601, ngài chưa bao giờ rời khỏi đó. Cha Ricci được chôn cất tại Nghĩa trang Zhalan của Bắc Kinh, là người ngoại quốc đầu tiên được chôn cất trên đất Trung Quốc trong triều đại nhà Minh.
“Trong những ngày cuối đời, với những người thân thiết nhất và hỏi ngài cảm thấy thế nào, Cha Matteo Ricci ‘trả lời rằng lúc đó ngài đang nghĩ liệu niềm vui mà ngài cảm nhận trong lòng có lớn hơn ý tưởng rằng ngài đang gần kề việc kết thúc cuộc hành trình đi kiếm tìm và cảm nếm Thiên Chúa hay không, hoặc nỗi buồn có thể khiến ngài phải rời xa những người bạn đồng hành trong toàn bộ sứ mạng mà ngài vô cùng yêu mến, và sự phục vụ mà ngài vẫn có thể thực hiện đối với Thiên Chúa trong sứ mạng này’”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chính lời cầu nguyện đã nuôi dưỡng cuộc đời truyền giáo của Cha Ricci mà trong đó ngài đã giúp “dẫn dắt nhiều môn đệ và bạn bè Trung Quốc của mình đón nhận đức tin Công giáo”.
Đức Thánh Cha nói rằng các nhà truyền giáo có thể học hỏi từ cách Cha Ricci làm chứng bằng chính cuộc sống của ngài cho những gì ngài đã tuyên bố. “Đây là sự nhất quán của những người loan báo Tin Mừng. … Tôi có thể thuộc lòng ‘Kinh Tin Kính’, tôi có thể nói tất cả những điều chúng ta tin tưởng, nhưng nếu cuộc sống của bạn không phù hợp với những gì bạn tuyên xưng, thì điều đó quả thực vô ích”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Điều thu hút mọi người là lời chứng mạch lạc; người Kitô hữu chúng ta được mời gọi để sống những gì chúng ta tuyên xưng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến hành án phong Hiển thánh cho Cha Ricci vào tháng 12 năm ngoái vào ngày sinh nhật lần thứ 86 của ngài. Trong sắc lệnh được ban hành vào ngày 17 tháng 12, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng Cha Ricci đã sống một cuộc đời nhân đức anh hùng, khiến ngài trở nên “Đáng kính”.
Tuần trước, vào cuối buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu Công giáo cầu nguyện để Tin Mừng có thể được chia sẻ đầy đủ và tự do tại Trung Quốc.
“Tôi mời gọi mọi người dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa để Tin mừng về Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh có thể được loan báo một cách trọn vẹn, đẹp đẽ và tự do, sinh hoa trái vì lợi ích của Giáo hội Công giáo cũng như toàn thể xã hội Trung Quốc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói .
Một số hình ảnh trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư:
Minh Tuệ (theo CNA)