Hôm thứ Tư, ngày 30 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu trước hàng ngàn tín hữu hành hương quốc tế tại Quảng trường Thánh Phêrô, đồng thời kêu gọi họ đừng biến Bí tích Thêm Sức thành “nghi thức cuối cùng” của họ với tư cách là người Công giáo mà hãy coi đó là “sự khởi đầu cho sự tham gia tích cực vào đời sống Giáo hội”.
Tiếp tục loạt bài chia sẻ Giáo lý về Chúa Thánh Thần và Giáo hội, trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng Bí tích Thêm sức là “món quà của Thiên Chúa” và là “cột mốc” không nên đánh dấu sự rời xa Giáo hội đối với các tín hữu Công giáo.
“Mọi người nói rằng đó là ‘Bí tích tạm biệt’ vì một khi những người trẻ đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, họ sẽ rời đi”, Đức Thánh Cha nói. “Họ quay lại để làm phép cưới. Đó là những gì mọi người nói”.
Đức Thánh Cha gợi ý rằng các tín hữu giáo dân “đã có cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô và đã có một số kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần” có thể thắp lại đức tin của mình bằng cách giúp những người Công giáo khác chuẩn bị tốt hơn cho Bí tích Thêm sức, đó là Bí tích của Chúa Thánh Thần “tuyệt hảo nhất”.
Suy ngẫm về những tường thuật về lễ thêm sức cho các Kitô hữu tiên khởi, được ghi lại trong Sách Công vụ Tông đồ và trong Thư thứ II của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết chính Thiên Chúa là Đấng xức dầu cho các tín hữu.
“Người đã đóng ấn trên chúng ta và ban Thánh Thần vào tâm hồn chúng ta”, Đức Thánh Cha nói với đám đông hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. “Chủ đề về Chúa Thánh Thần như là ấn tín linh thiêng mà Chúa Kitô dùng để đánh dấu chiên của Người là nền tảng Giáo lý về đặc tính không thể xóa nhòa được ban tặng bởi nghi lễ này”.
“Bí tích Thêm sức dành cho tất cả các tín hữu cũng giống như Lễ Ngũ Tuần dành cho toàn thể Giáo hội. Điều này củng cố sự kết hợp của phép rửa tội vào Chúa Kitô và Giáo hội, và sự thánh hiến vương giả cho sứ mang ngôn sứ, vương giả và tư tế”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.
Trong buổi tiếp kiến hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã bày tỏ mong muốn rằng các tín hữu Công giáo sẽ “gạt bỏ tro tàn của thói quen và sự thiếu gắn kết” để trở thành “người mang ngọn lửa của Chúa Thánh Thần” trong Năm Thánh Hy Vọng 2025 sắp tới.
Nhắc đến ngày Lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ, được cử hành vào ngày 1 tháng 11, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu rằng những người đã ra đi trước chúng ta, những người hiện đang tận hưởng “vinh quang trên trời” và “ở bên Chúa Cha”, cũng mong muốn được hiệp thông với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên hành trình tiến về Thiên đàng.
Cầu nguyện cho món quà hòa bình của Chúa Thánh Thần trên thế giới
Sau khi chào đón những người hành hương thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau — bao gồm tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Ba Lan, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha — và bày tỏ sự gần gũi với những người trẻ, các bệnh nhân, người cao niên và những cặp đôi mới cưới, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới.
“Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình. Chiến tranh vẫn tiếp tục gia tăng”, Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta hãy nghĩ đến những quốc gia đang phải chịu đựng quá nhiều sự đau khổ: Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar, Bắc Kivu [ở Congo] và rất nhiều quốc gia khác đang phải chịu đựng cảnh chiến tranh”.
“Hòa bình là một món quà của Chúa Thánh Thần và chiến tranh luôn là một sự thất bại. Không ai chiến thắng trong chiến tranh, tất cả mọi người đều thua. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình”.
Minh Tuệ (theo CNA)