Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Mục tử và Tu sĩ nam nữ tại Nam Sudan: ‘Hãy sát cánh với người dân, bất kể rủi ro’

Một Nữ tu trong đám đông hét lên rằng đất nước cần hòa bình khi Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị lên xe rời sân bay ở Juba, Nam Sudan vào thứ Sáu, ngày 3 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: Ben Curtis/AP)

Một Nữ tu trong đám đông hét lên rằng đất nước cần hòa bình khi Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị lên xe rời sân bay ở Juba, Nam Sudan vào thứ Sáu, ngày 3 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: Ben Curtis/AP)

JUBA – Vào ngày thứ hai ở Nam Sudan, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ các Mục tử và Tu sĩ của đất nước rằng nhiệm vụ của họ là sát cánh với người dân và bênh vực cho họ, ngay cả khi gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Trò chuyện với các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh của Nam Sudan tại Nhà thờ chính tòa Thánh Têrêsa ở Juba, Đức Thánh Cha nói rằng các thừa tác viên của Giáo hội được kêu gọi “lên tiếng chống lại sự bất công và lạm dụng quyền lực áp bức và sử dụng bạo lực để đạt được mục đích riêng giữa đám mây của sự xung đột”.

“Nếu chúng ta muốn trở thành những người Mục tử đứng ra làm trung gian hòa giải, chúng ta không thể giữ thái độ trung lập trước nỗi đau do những hành động bất công và bạo lực gây ra. Vi phạm các quyền cơ bản của bất kỳ người phụ nữ hay đàn ông nào là một hành vi xúc phạm đến Chúa Kitô”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền đạt sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những người bị tàn phá bởi nhiều năm bạo lực và nghèo đói, ngài nói rằng “cần phải mở rộng vòng tay với anh chị em của chúng ta, để hỗ trợ họ trên hành trình của họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đã đến Juba vào thứ Sáu sau khi đến Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo, thực hiện chuyến viếng thăm đại kết chính thức tới Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby, và Người điều hành Giáo hội Scotland, Mục sư Iain Greenshields.

Ngay sau khi giành được độc lập vào năm 2011, Nam Sudan đã bị tàn phá bởi xung đột bạo lực giữa giới lãnh đạo chính trị và một số nhóm đối lập, và trong khi các cuộc đàm phán hòa bình đang đạt được tiến triển, nhiều việc vẫn chưa được thực hiện, vì hàng triệu người vẫn phải di tản và tình trạng nghèo đói ở nước này đang tràn lan.

Vào đêm đầu tiên ở Juba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với giới lãnh đạo chính trị của Nam Sudan, than phiền về sự chậm trễ liên tục trong việc thực hiện thỏa thuận hòa bình chia sẻ quyền lực năm 2018 và đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện lời hứa của họ.

Nam Sudan là một quốc gia đa số theo Kitô giáo, với hơn 60% trong số 11 triệu dân theo một số hình thức Kitô giáo. Phần lớn các Kitô hữu là người Công giáo hoặc Anh giáo, với số tín hữu Công giáo chiếm khoảng 52% tổng dân số, khiến cho khía cạnh đại kết trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha có tầm quan trọng mang tính sống còn đối với người dân địa phương.

Theo thống kê của Vatican, có hơn 7,2 triệu người Công giáo ở Nam Sudan, với 10 Giám mục và khoảng 300 Linh mục Dòng và Giáo phận. Chỉ có 35 nam Tu sĩ chưa được truyền chức đang phục vụ trong nước, và khoảng 218 Nữ tu, và hiện có hơn 500 tu sinh hiện đang được đào tạo để trở thành Linh mục.

Trong cuộc gặp gỡ vào ngày 4 tháng 2 với các Giám mục, Linh mục và Tu sĩ, Đức Thánh Cha nói rằng họ với tư cách là thừa tác viên của dân Chúa nhiệm vụ không hề dễ dàng khi phục vụ tại một vùng đất “đầy vết sẹo bởi chiến tranh, sự hận thù, bạo lực và nghèo đói”, nơi có hai bờ sông Nile chảy qua đất nước đã “tắm trong biết bao dòng máu vô tội”.

Ông tập trung vào hình ảnh nhân vật Mô-sê trong Kinh Thánh, người được cứu khi còn là một đứa trẻ sơ sinh sau khi thả trôi sông Nile, và người đã quay trở lại để cứu người dân của mình và giải phóng họ khỏi cuộc sống nô lệ dưới tay người Ai Cập.

Đức Thánh Cha nói rằng nhân vật Môsê vừa hiền lành vừa là người cầu thya nguyện giúp cho dân của mình, đồng thời lưu ý rằng Môsê chỉ biểu lộ tính hiền lành của mình sau khi nỗ lực tự mình giải quyết sự bất công, bằng việc giết một người lính Ai Cập đang đánh đập một nô lệ người Do Thái.

Các Giám mục, Linh mục và Tu sĩ cũng bị cám dỗ tự đặt mình vào vị trí trung tâm, Đức Thánh Cha nói, “chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể tìm ra câu trả lời cho những đau khổ và nhu cầu của mọi người thông qua nguồn nhân lực, như tiền bạc, trí thông minh hoặc quyền lực. Thay vào đó, mọi thứ chúng ta đạt được đều xuất từ Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải phó thác bản thân cho Thiên Chúa, “trước khi chúng ta bị cuốn vào các dự án cá nhân và Giáo hội của mình”.

Thiên Chúa giúp những Thừa tác viên của ngài nhận thức rằng “chúng ta không phải là thủ lĩnh bộ lạc, mà là những Mục tử có lòng thương xót và nhân hậu; chứ không phải những tên lãnh chúa, mà là những người tôi tớ cúi xuống rửa chân cho anh chị em chúng ta; không phải là một cơ quan thế tục quản lý của cải trần gian, mà là cộng đồng con cái của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Môsê cũng tham gia vào cuộc sống của dân tộc mình, sống giữa họ và lên núi để cầu nguyện cho họ, đóng vai trò là “chiếc cầu nối họ với Thiên Chúa”.

“Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta không phải là trở thành một Giáo hội được tổ chức hoàn hảo, nhưng là một Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô, đứng giữa cuộc sống đầy khó khăn của người dân, một Giáo hội sẵn sàng vấy bẩn bàn tay của mình vì con chiên”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cho biết rằng những người phục vụ dân Chúa không bao giờ được theo đuổi “uy tín tôn giáo hoặc xã hội”, mà nên đứng về phía dân của họ.

“Chúng ta hãy nỗ lực hết sức mình để xua đuổi cám dỗ về chủ nghĩa cá nhân, về lợi ích đảng phái”,  Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Thật đáng buồn biết bao khi các vị Mục tử của Giáo hội không có khả năng hiệp thông, khi họ không hợp tác, và thậm chí phớt lờ nhau! Chúng ta hãy vun đắp sự tôn trọng lẫn nhau, sự gần gũi và hợp tác thiết thực. Nếu chính chúng ta không làm được điều này, làm sao chúng ta có thể rao giảng điều đó cho người khác?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà truyền giáo đang phục vụ ở Nam Sudan, đồng thời lưu ý rằng một số người trong số họ đã trải qua bạo lực hoặc đã bị giết hại trong khi thi hành sứ vụ của họ.

“Một cách rất thực tế, họ đã hy sinh mạng sống của mình vì Tin Mừng. Sự gần gũi của họ với các anh chị em của họ là một bằng chứng tuyệt vời mà họ để lại cho chúng ta, một di sản mời gọi chúng ta tiếp tục sứ mạng của họ”, Đức Thánh Cha nói, “một nhà truyền giáo phải sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì Chúa Kitô và vì Phúc Âm”.

“Chúng ta cần những con người can đảm và quảng đại sẵn sàng chịu đau khổ và chết vì Châu Phi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trong sự kiện sáng hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha đã nghe lời chứng liên quan đến hai Nữ tu Thừa sai đã bị sát hại vào năm 2021.

Hai Nữ tu Mary Daniel Abut và Chị Regina Roba Luate đã bị phục kích, Sơ Abut qua đời ngay lập tức và Sơ Luate không chịu nổi vết thương trên đường đến bệnh viện. Họ đang trở về sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Giáo xứ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời thuộc Giáo phận Torit một ngày trước đó.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube