Trong thông điệp gửi tới hội nghị quốc tế thường niên của Cộng đồng Sant’Egidio, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi họ đừng đánh mất hy vọng và kiên trì cầu nguyện để chống lại chiến tranh và xung đột, đặc biệt là ở Ukraine. Cuộc gặp gỡ năm nay về “Tinh thần Assisi” diễn ra tại Berlin, Đức, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 9 với chủ đề “Sự táo bạo của Hòa bình”.
“Chúng ta không thể cam chịu những bi kịch và chiến tranh xung quanh mình, nhưng phải tin rằng có hy vọng thông qua sự táo bạo của hòa bình”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khích lệ này trong thông điệp ngài gửi tới Hội nghị quốc tế do Cộng đồng Sant’Egidio cổ võ theo “Tinh thần Assisi”. Cuộc tụ họp tập trung vào chủ đề “Sự táo bạo của hòa bình” với các tham dự viên tham gia sự kiện nhóm họp tại Berlin, Đức, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 9 năm 2023.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên tham gia cuộc gặp gỡ này, đặc biệt là trong những năm gần đây khi sự kiện được tổ chức tại Đấu trường La Mã hoặc Quảng trường Campidoglio của Rôma với hình thức được sửa đổi do đại dịch. Đức Thánh Cha đã cộng tác với Cộng đồng Sant’Egidio trong nhiều sáng kiến ở Rôma và nước ngoài kể từ khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của ngài.
Đức Thánh Cha đã nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Kitô giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới và chính quyền dân sự diễn ra trong năm nay tại thủ đô nước Đức, gần Cổng Brandenburg, và “trung thành tiếp tục cuộc hành hương cầu nguyện và đối thoại do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng ở Assisi vào năm 1986”.
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi địa điểm cuộc gặp gỡ của họ đặc biệt gợi nhiều liên tưởng, vì nó diễn ra chính tại nơi bức tường ngăn cách hai miền của nước Đức và chia cắt hai thế giới Tây và Đông Âu đã sụp đổ. Sự sụp đổ của bức tường, Đức Thánh Cha nhận xét, đã mở ra những chân trời mới, chẳng hạn như tự do cho các dân tộc, sự đoàn tụ các gia đình, và hy vọng về một nền hòa bình thế giới mới sau cuộc Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô than phiền rằng trong nhiều năm qua, lời hứa về một tương lai như vậy không được xây dựng trên niềm hy vọng chung mà dựa trên “những lợi ích đặc biệt” và “sự ngờ vực lẫn nhau”.
Chiến tranh tàn phá
Ngày nay, Đức Thánh Cha nhận xét, chiến tranh vẫn tàn phá rất nhiều nơi trên thế giới.
“Tôi đang nghĩ đến một số khu vực ở Châu Phi và Trung Đông, cũng như nhiều khu vực khác trên hành tinh, bao gồm cả Châu Âu, nơi đang phải chịu đựng cuộc chiến ở Ukraine”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời gọi đó là “một cuộc xung đột khủng khiếp không có hồi kết” vốn “đã gây ra sự chết chóc, thương tích, đau đớn, lưu đày và hủy diệt”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại cuộc gặp gỡ của Cộng đồng Sant’Egidio vào năm ngoái tại Đấu trường La Mã mang tính biểu tượng của Rôma để cầu nguyện cho hòa bình, đồng thời thừa nhận rằng “chúng ta đã lắng nghe tiếng kêu của một nền hòa bình đã bị hoen ố và bị chà đạp”.
“Chúng ta không thể cam chịu trước viễn cảnh này”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời nhấn mạnh: “Cần phải có điều gì đó hơn nữa. Chúng ta cần ‘sự táo bạo của hòa bình’, vốn là trọng tâm của cuộc gặp gỡ của anh chị em”.
“Chủ nghĩa hiện thực là chưa đủ, những cân nhắc về chính trị là chưa đủ, các cách tiếp cận chiến lược được thực hiện cho đến nay vẫn chưa đủ. Cần nỗ lực nhiều hơn nữa vì chiến tranh vẫn tiếp diễn”, Đức Thánh Cha lập luận, đồng thời kêu gọi “sự táo bạo vì hòa bình” này.
Sự táo bạo của hòa bình
Sự táo bạo của hòa bình, Đức Thánh Cha giải thích, là “lời tiên tri cần có đối với những người nắm trong tay số phận của các quốc gia đang tham chiến, của cộng đồng quốc tế, của tất cả chúng ta”.
“Sự táo bạo này”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “khuyến khích các tín hữu một cách đặc biệt biến nó thành lời cầu nguyện, khẩn cầu từ thiên đường điều dường như không thể có được trên trái đất”.
Cầu nguyện kiên trì, Đức Thánh Cha nói, là hình thức của sự táo bạo đầu tiên cần có. “Trong Tin Mừng”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “Chúa Kitô chỉ ra ‘sự cần thiết phải cầu nguyện không ngừng và đừng nản lòng’, khi Ngài nói: ‘Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy; hãy gõ cửa thì sẽ mở cho'”.
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trở thành “những người ăn xin hòa bình”, cùng với tất cả anh chị em thuộc các tôn giáo khác, và tất cả những người “không cam chịu trước tính không thể tránh khỏi của xung đột”.
Cầu nguyện không nản lòng
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tham dự viên tham gia cuộc gặp gỡ rằng ngài cùng họ cầu nguyện để chiến tranh mau mau chấm dứt, và đồng thời cảm ơn họ từ tận đáy lòng vì tất cả những gì họ làm. “Thật sự cần thiết phải tiến về phía trước để vượt qua bức tường của điều không thể, được xây dựng trên lý luận dường như không thể bác bỏ nảy sinh từ ký ức về sự đau buồn khôn tả và rất nhiều sự tổn thương phải chịu trong quá khứ”.
Đức Thánh Cha thừa nhận rằng điều này quả thực rất khó nhưng không phải là không thể.
“Điều đó không phải là không thể đối với các tín hữu, những người thể hiện sự táo bạo trong lời cầu nguyện đầy hy vọng, nhưng cũng không phải là không thể đối với các chính trị gia, các nhà lãnh đạo hoặc các nhà ngoại giao”, Đức Thánh Cha cho biết thêm, và đồng thời mời gọi rằng: “Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình mà không nản lòng, gõ cửa với tinh thần khiêm tốn và kiên trì trước cánh cửa luôn rộng mở của tình yêu của Thiên Chúa và cánh cửa của nhân loại”.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết lời bằng lời kêu gọi: “Chúng ta hãy cầu xin để những con đường dẫn đến hòa bình được mở ra, đặc biệt là đối với Ukraine thân yêu và bị chiến tranh tàn phá”.
“Chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu than thống khổ của con cái Ngài”.
Thiên Ân (theo Vatican News)