GENÈVE. ĐTC kêu gọi các tín hữu Kitô ”tiến bước trong Thần Khí”, loại bỏ sự tìm kiếm tư lợi, và chân thành dấn thân trên con đường tiến về hiệp nhất.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài suy niệm tại buổi cầu nguyện đại kết tại nguyện đường trụ sở Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ, sáng ngày 21-6-2018.
ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ 3 đến thăm Hội Đồng đại kết các Giáo Hội Kitô sau chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 năm 1969 và Thánh Gioan Phaolô 2 ngày 12-6 năm 1982. Ngài được mời đến thăm tổ chức này nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, một tổ chức đại kết rộng lớn nhất trong phong trào đại kết hiện nay, qui tụ 348 Giáo Hội Kitô thành viên gồm Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo cùng nhiều cộng đoàn Giáo Hội độc lập khác, với tổng cộng 500 triệu tín hữu.
ĐTC đến Genève lúc 10 giờ 10 phút sáng ngày 21-6-2018. Từ trên máy bay bước xuống, ngài đã được Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, Ông Alain Berset, cùng với các quan chức chính quyền đón tiếp. Đặc biệt cũng có hai cựu vệ binh Thụy Sĩ dàn chào. Hai em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa cho ngài. Buổi tiếp đón chính thức cũng được diễn ra với quốc thiều và duyệt qua hàng quân danh dự. Trong số những người chào đón ĐTC tại Phi trường, ngoài Đức Cha Charles Morerod, OP, GM giáo phận Fribourg và cũng là Chủ tịch HĐGM Thụy Sĩ, có Mục Sư Gottfried Lochar, Chủ tịch Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Thụy Sĩ. Buổi tiếp đón được nối tiếp với cuộc hội kiến riêng giữa ĐTC và tổng thống Thụy Sĩ tại phòng khánh tiết của sân bay, trong khi ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin và các chức sắc cấp cao khác của Tòa Thánh gặp gỡ và trao đổi với ngoại trưởng Liên bang Thụy Sĩ.
Rời Phi trường Genève lúc 11 giờ, ĐTC đã đến Trung tâm Đại Kết. Tại đây ngài được Tổng thư ký Hội đồng đại kết là Mục sư Olav Fykste Tveit, thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther Na Uy, cùng với các chức sắc của Hội đồng, nồng nhiệt tiếp đón, trong đó có Nữ Mục Sư Agnes Abuom, thuộc Anh giáo, người Kenya, Điều hợp viên Hội đồng, Đức TGM Chính thống Gennadios. Các vị tháp tùng ĐTC tiến vào nhà nguyện của Hội đồng Đại kết, nơi có khoảng 230 người, trong đó hơn 100 là thành viên Ủy ban trung ương của Hội đồng này, và các nhân viên chờ đợi sẵn để tham dự buổi cầu nguyện với ĐTC.
Sau lời dẫn nhập và kinh nguyện thống hối, có phần cầu nguyện xin ơn hòa giải và hiệp nhất, trước khi mọi người lắng nghe đoạn Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát đoạn 5.
Suy niệm của Đức Thánh Cha
Lên tiếng trong dịp này ĐTC đã diễn giải lời mời gọi của thánh Phaolô Tông Đồ trong bài đọc trích từ thư gửi tín hữu Galát: ”Hãy tiến bước theo Thần Khí” (Gl 5,16.25), ngài nhận định rằng: ”Theo Thần Khí: nếu mỗi người là một hữu thể tiến bước, mà lại khép kín vào mình, thì họ chối bỏ ơn gọi của mình, nếu Kitô hữu mà làm như vậy, thì càng tệ hơn nữa. Vì như thánh Phaolô nhấn mạnh, có một hướng đi khác không thể dung hợp với đời sống Kitô: một đàng là tiến bước theo Thần Khí, theo con đường đã được vạch ra từ bí tích Rửa tội; và con đường kia là ”thỏa mãn ước muốn của xác thịt” (Gl 5,10). Thành ngữ này có nghĩa là tìm kiếm thành đạt bằng cách đi theo con đường chiếm hữu, theo tinh thần ích kỷ, qua đó con người tìm cách vơ vét đây đó tất cả những gì họ thấy là hợp. Họ không để mình được đồng hành ngoan ngoãn đến nơi Chúa chỉ dẫn, nhưng theo con đường riêng của mình. Chúng ta thấy trước mắt những hậu quả thê thảm của con đường này: đó là ngấu nghiến mọi sự, và con người không còn nhìn thấy những bạn đồng hành của mình nữa; vì thế trên con đường đời, họ có một thái độ rất dửng dưng lãnh đạm. Do bản năng thúc đẩy, họ trở thành nô lệ cho sự tiêu thụ vô độ; khi ấy tiếng Thiên Chúa bị bóp nghẹt; những người khác, đặc biệt là những người không có khả năng tự lập, như những trẻ nhỏ và người già, trở thành những điều gây phiền toái cho họ; và các thụ tạo không còn ý nghĩa nào khác hơn là để thoả mãn việc sản xuất, theo nhu cầu.
Từ những nhận xét trên đây, ĐTC rút ra kết luận và nói:
Anh chị em thân mến, ngày nay hơn bao giờ hết, những lời này của thánh Phaolô Tông Đồ đang chất vấn chúng ta: tiến bước theo Thần Khí là loại bỏ tinh thần thế tục. Là chọn lựa con đường phục vụ và tiến bộ trong sự tha thứ. Là đi vào lịch sử với nhịp bước của Thiên Chúa: không phải với thái độ hăng say làm điều ác, nhưng theo nhịp bước của một giới răn duy nhất: ”Con hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v.14). Thực vậy, con đường theo Thần Khí được đánh dấu bằng những cột mốc mà thánh Phaolô liệt kê: ”Yêu thương, vui mừng, an bình, đại đảm, từ nhân, tốt lành, trung thành, dịu dàng, tự chủ” (v.22).
”Chúng ta được kêu gọi cùng nhau tiến bước trên con đường tiến qua sự hoán cải liên tục, để canh tân não trạng của chúng ta hầu thích ứng với tâm thức của Thánh Linh. Qua dòng lịch sử, những chia rẽ giữa các Kitô hữu thường xảy ra vì nơi căn cội, trong đời sống cộng đoàn, có sự xâm nhập của não trạng trần tục: người ta thỏa mãn những tư lợi của mình trước, rồi mới nghĩ đến những lợi ích của Chúa Giêsu Kitô. Trong những tình cảnh như thế, kẻ thù của Thiên Chúa và của con người dễ dàng phân rẽ chúng ta, vì hướng đi của chúng ta là hướng đi của xác thịt, chứ không phải là hướng đi của Thánh Linh. Thậm chí một vài toan tính trong quá khứ nhắm chấm dứt những chia rẽ như thế đã thất bại thảm thương, vì chủ yếu những toan tính ấy theo những tiêu chuẩn phàm tục. Nhưng phong trào đại kết, mà Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô đã góp phần rất nhều, đã nảy sinh nhờ Thánh Linh (Xc Unitatis redintegratio, 1). Phong trào đại kết đã đưa chúng ta tiến bước theo ý Chúa Giêsu và có thể tiến triển nếu tiến bước theo sự hướng dẫn của Thần Khí, chúng ta từ bỏ mọi thái độ co cụm tự tham chiếu mình”.
ĐTC nhắc nhở rằng:
”Sau bao nhiêu năm dấn thân đại kết, trong năm kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Đồng đại kết này, chúng ta hãy cầu xin Thánh Linh củng cố bước đường của chúng ta. Khựng lại trước những khác biệt còn tồn đọng, đó là điều quá dễ dàng; quá nhiều khi ta bị chặn lại ngay từ lúc mới khởi hành, vì bị suy nhược do thái độ bi quan. Ước gì những cách biệt không phải là cái cớ để tự bào chữa, và ngay bây giờ chúng ta có thể tiến bước theo Thần Khí: cầu nguyện, loan báo tin Mừng, cùng nhau phục vụ, đó là điều có thể và làm đẹp lòng Chúa! Cùng nhau tiến bước, cầu nguyện, làm việc chung với nhau, đó là con đường tốt nhất của chúng ta.
”Con đường này có một mục tiêu rõ ràng, đó là sự hiệp nhất. Con đường trái ngược, con đường chia rẽ đưa tới chiến tranh và tàn phá. Chúa yêu cầu chúng ta liên tục bước vào con đường hiệp thông dẫn đến hòa bình. Thực vậy, chia rẽ là công khai chống lại ý Chúa Kitô, nhưng nó cũng là gương mù cho thế giới và gây thiệt hại chính nghĩa thánh thiêng nhất, đó là rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (UR 1). Chúa yêu cầu chúng ta hiệp nhất; thế giới đang bị xâu xé vì quá nhiều chia rẽ gây thiệt hại nhất là cho những người yếu thế, đang kêu cầu hiệp nhất”.
Buổi cầu nguyện đại kết được tiếp nối với kinh tuyên xưng đức tin, các lời nguyện phổ quát, Kinh Lạy Cha, và lời nguyện cho các tín hữu Kitô được hiệp nhất.
Trước khi từ giã vào lúc quá 12 giờ trưa, ĐTC còn tặng cho nhà nguyện của Hội Đồng Đại kết pho tượng bằng đồng diễn tả Chúa Giêsu chịu đóng đanh do nhà đúc tượng Alberto Ghinzani ở Pavia, miền bắc Italia, sáng tác năm 1990.
Thăm Học Viện đại kết Bossey
Tiến đến, ngài viếng thăm tại Học viện Đại kết ở làng Bossey, cách trụ sở Hội đồng đại kết 18 cây số, về hướng bắc và gần biên giới Pháp.
Đây là một trung tâm quốc tế gặp gỡ, đối thoại và huấn luyện, trực thuộc Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô. Trung tâm tọa lạ trong lâu đài Bossey có từ thế kỷ 18 và Học viện tại đây được thành lập cách đây 72 năm (1946) qui tụ những người thuộc các hệ phái Kitô, các nền văn hóa khác nhau. Mỗi năm Học viện cũng tiếp đón các sinh viên, các nhà nghiên cứu về thần học, đại kết, truyền giáo học và đạo đức xã hội. Ban giảng huấn thuộc nhiều hệ phái và trường phái thần học khác nhau, số sinh viên hiện nay vào khoảng 30 người, và hàng năm các sinh viên này thường về Roma hành hương trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Khoa trưởng của Học viện này hiện nay là một linh mục Công Giáo người Nigeria, Cha Lawrence Iwunadi, từ 6 năm nay là giáo sư tại trường này.
Tại trung tâm, ĐTC đã dùng bữa trưa với 9 vị thuộc Hội đồng Đại Kết, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô và một thông dịch viên.
Sau bữa ăn, các vị ra vườn, trao đổi quà tặng với nhau và ĐTC được mời viếng thăm nhà nguyện của Học viện, cũng như chào thăm 30 sinh viên chờ sẵn tại đây.
G. Trần Đức Anh OP Radio Vatican