Đức TGM Sviatoslav Shevchuk: Động thái của Nga ở phía đông Ukraine khiến 'toàn thể nhân loại' bị đe dọa

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 24-02-2022 | 14:42:51
Đức Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: ACI Group)

Đức Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine (Ảnh: ACI Group)

Hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine cho biết “toàn thể nhân loại đã bị đặt vào tình thế nguy hiểm” khi Nga công nhận độc lập đối với các khu vực ở miền đông Ukraine.

Trong lời kêu gọi được đưa ra vào ngày 22 tháng 2, Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk đã lên án quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc công nhận các khu vực ly khai Lugansk (LNR) và Donetsk (DNR) của Ukraine với tư cách là các thực thể độc lập.

“Việc Tổng thống Liên bang Nga công nhận ‘độc lập và chủ quyền’ của LNR và DNR tự xưng tạo ra những thách thức và đe dọa nghiêm trọng đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế và đối với luật pháp quốc tế, trên cơ sở mà qua đó người dân và các quốc gia của họ ngày nay tồn tại và hợp tác”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

“Những thiệt hại không thể khắc phục đã được thực hiện đối với logic của các mối quan hệ quốc tế, vốn được kêu gọi để bảo vệ hòa bình và trật tự công bằng của các xã hội, tính thượng tôn của luật pháp, trách nhiệm giải trình của các quyền lực nhà nước, bảo vệ con người, bảo vệ sự sống con người và các quyền tự nhiên”.

“Ngày nay, toàn thể nhân loại đã bị đặt vào tình thế nguy hiểm – những kẻ quyền lực có quyền tự áp đặt đối với bất cứ ai họ muốn, bất kể pháp quyền”.

Những bình luận của Đức Tổng Giám mục Shevchuk được đưa ra một ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày ăn chay cầu nguyện toàn cầu cho Ukraine sẽ được tổ chức vào ngày Thứ Tư Lễ Tro ngày 2 tháng 3. Đức Thánh Cha đã công bố sáng kiến này trong buổi tiếp kiến chung của mình hôm thứ Tư ngày 23 tháng 2.

Vị Tổng Giám mục 51 tuổi đã lãnh đạo Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraina, Giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo hội Công giáo Đông phương, kể từ năm 2011.

Có hơn 4 triệu người Công giáo Hy Lạp gốc Ukraina trên toàn thế giới, hầu hết trong số họ sống ở Ukraina, một quốc gia chủ yếu là Kitô giáo Chính thống với dân số 44 triệu người. Ukraine đã tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991.

Chiến tranh Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2014, tập trung vào phía đông Ukraine. Theo Tổ chức Caritas Quốc tế, liên minh của các tổ chức từ thiện Công giáo có trụ sở tại Vatican, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người và khiến 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Các bên tham chiến đã đồng ý ngừng bắn vào tháng 7 năm 2020. Nhưng gần đây Nga đã điều động ít nhất 150.000 quân tới biên giới Ukraine.

Tổng thống Putin tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 21 tháng 2 rằng ông sẽ công nhận các khu vực ly khai Lugansk và Donetsk của Ukraine với tư cách là các thực thể độc lập. Các khu vực, do phe ly khai do Nga hậu thuẫn điều hành, bao gồm cả vùng đất hiện do lực lượng vũ trang Ukraine nắm giữ.

Các quốc gia phương Tây đã phản ứng lại thông báo này bằng cách công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng và các chính trị gia Nga.

Trong một bài phát biểu video vào ngày 23 tháng 2, ông Putin cho biết rằng Nga vẫn tiếp tục “mở cửa cho cuộc đối thoại trực tiếp và trung thực” nhằm tìm kiếm các giải pháp ngoại giao. Nhưng ông cũng cho biết thêm rằng lợi ích của Nga là “không thể thương lượng đối với chúng tôi”.

“Cuộc chiến, bắt đầu chống lại người dân của chúng tôi vào năm 2014, đã gây ra những vết thương sâu sắc cho nhiều đồng bào của chúng tôi: hàng nghìn người bị giết hại, bị thương tật, bị bỏ lại trong sự cô đơn”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

“Động thái hôm qua của Tổng thống Liên bang Nga đã phá hủy các nguyên tắc nền tảng đối với quá trình khôi phục hòa bình lâu dài ở Ukraine, tạo ra con đường cho một làn sóng xâm lược quân sự mới chống lại nhà nước của chúng tôi, mở ra cánh cửa cho một hoạt động quân sự toàn diện chống lại người dân Ukraine”.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk cho biết rằng công dân của Ukraine, quốc gia lớn thứ hai của châu Âu theo diện tích sau Nga, có “quyền tự nhiên và nghĩa vụ công dân” để bảo vệ quê hương tổ quốc của họ.

“Giờ đã đến lúc đoàn kết các nỗ lực của chúng ta để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Ukraine”, Đức Tổng Giám mục Shevchuk nói.

Đức Tổng Giám mục Shevchuk kêu gọi những người có tinh thần thiện chí “đừng bỏ qua những đau khổ của người dân Ukraine, do sự xâm lược của quân đội Nga”.

“Chúng tôi là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Và chính vì lý do đó, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ và chiến đấu vì nó”, vị Giám chức nhận xét.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube