Đức Phanxicô với các trường học: ‘Giáo dục những người di cư và những người tị nạn cũng như chính học sinh của quý trường’

Adow Ibrahim Ali, bên phải, trong một bức ảnh được chụp đang cung cấp nước cho Ibrahim Osman Mohammed ở một vùng hẻo lánh phía đông Kenya gần biên giới Somali. Cùng đi với anh họ của mình, Mohammed rời nhà của mình ở Buale, Somalia, ba tuần trước đó vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã giết chết hầu hết các loài động vật của họ (Ảnh: Paul Jeffrey / CNS)

Adow Ibrahim Ali, bên phải, trong một bức ảnh được chụp đang chia sẻ nước cho Ibrahim Osman Mohammed ở một vùng hẻo lánh phía đông Kenya gần biên giới Somali. Cùng đi với anh họ của mình, Mohammed rời nhà của mình ở Buale, Somalia, ba tuần trước đó vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã giết chết hầu hết các loài động vật của họ (Ảnh: Paul Jeffrey / CNS)

Trong khi ca ngợi các trường học và đại học đã triển khai các chương trình giáo dục đặc biệt dành cho những người di cư và những người tị nạn, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắn nhủ họ rằng họ cũng có việc cần phải làm với sinh viên và đội ngũ nhân viên của chính họ.

“Mọi cơ sở giáo dục đều được mời gọi trở thành nơi chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập cho tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu hôm 29 tháng 9 trong cuộc gặp với các tham dự viên tham dự hội nghị quốc tế về cung cấp giáo dục và đào tạo cho những người di cư và những người tị nạn trong các trại tập trung, trực tuyến và ở các nước sở tại.

Hội nghị từ ngày 26-28 tháng 9 được tài trợ bởi Đại học Giáo hoàng Grêgôriô và Mạng lưới Giáo dục Người tị nạn và Di cư. Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, và Inna Sovsun, thành viên quốc hội Ukraine và cựu thứ trưởng thứ nhất bộ giáo dục và khoa học, nằm trong số những diễn giả của hội nghị.

Đức Thánh Cha Phanxicô khen ngợi cá tham dự viên tham gia sự kiện vì đã xem xét các sáng kiến “dựa trên nhu cầu của các anh chị em di cư của chúng ta, đặc biệt chú ý đến trẻ em và thanh thiếu niên. Các bạn đã nghe thấy mong muốn được theo đuổi con đường học vấn của họ mặc dù họ đã phải rời xa quê hương của mình”.

Việc tập trung vào giáo dục là điều cần thiết, Đức Thánh Cha nói, bởi vì những người di cư và những người tị nạn cần nhiều hơn sự cho phép để bước vào một quốc gia an toàn. Họ phải được “chào đón, đồng hành, khuyến khícha và hội nhập”.

Các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học Công giáo, nên xem xét những cách thức tốt hơn để hỗ trợ những người di cư và những người tị nạn, và họ nên khám phá những đóng góp mà nghiên cứu của họ có thể thực hiện để hiểu được vấn đề di cư, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Người dân có “quyền không di cư”, Đức Thánh Cha nói, nhưng điều đó đòi hỏi phải giải quyết vấn đề bạo lực, phân biệt đối xử và nghèo đói cùng cực khiến mọi người cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ đất nước của mình.

Và, Đức Thánh Cha nói, mối quan hệ giữa vấn đề di cư và “một hình thức bạo lực khác, cụ thể là việc lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta”, cần phải được nghiên cứu sâu hơn về mặt học thuật.

“Trái đất đã bị tàn phá bởi việc khai thác tài nguyên quá mức và do ô nhiễm hàng thập kỷ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Kết quả là, ngày càng nhiều người buộc phải rời khỏi mảnh đất của họ, những nơi đã trở nên không thể ở được”.

Để phục vụ trực tiếp những người di cư và những người tị nạn, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các trường đại học mở rộng cơ hội đào tạo từ xa, tăng học bổng cho các sinh viên di cư và tị nạn và hợp tác với nhau để “tạo điều kiện công nhận bằng cấp và trình độ chuyên môn” cho những người di cư và những người tị nạn giành được tại nhà. Sự công nhận như vậy, Đức Thánh Cha nói, là vì lợi ích của những người mới đến, cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng chủ nhà của họ.

Và, Đức Thánh Cha nói, trong khuôn viên của chính họ, các trường học và các trường đại học phải giáo dục chính sinh viên của họ về vấn đề di cư và tạo ra các cộng đồng chào đón những người mới đến.

“Các trường học và các trường đại học là những môi trường đặc quyền không chỉ để giảng dạy mà còn để gặp gỡ và hội nhập”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Các cơ sở giáo dục đại học của Công giáo được kêu gọi để giáo dục sinh viên của chính họ, những người sẽ trở thành các quản trị viên, các doanh nhân và các nhà lãnh đạo văn hóa trong tương lai, hiểu rõ hơn về hiện tượng di cư, trong quan điểm về công lý, trách nhiệm toàn cầu và sự hiệp thông trong sự đa dạng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các trường đại học tạo cơ hội cho “những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa” với những người mới đến “để giáo viên và sinh viên có cơ hội lắng nghe câu chuyện của những người đàn ông và phụ nữ là những người di cư, những người tị nạn, những người tản cư hoặc nạn nhân của nạn buôn người”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube