Đức Phanxicô và Công đồng Vatican II: ‘Đó không phải là chiến trường, mà là tương lai’

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII dẫn đầu phiên họp khai mạc của Công đồng Vatican II tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 (Ảnh: CNS photo / L’Osservatore Romano)

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII dẫn đầu phiên họp khai mạc của Công đồng Vatican II tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 (Ảnh: CNS photo / L’Osservatore Romano)

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên được thụ phong Linh mục sau Công đồng Vatican II.

Không giống như hai người tiền nhiệm của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô không có mặt tại Rôma để tham dự bất kỳ phiên họp nào của Công đồng Vatican, nhóm họp từ năm 1962 đến năm 1965.

Nhưng đối với Giáo hội Công giáo trong thế giới hiện đại và sức khỏe trong tương lai và sự thánh thiện, Đức Thánh Cha Phanxicô xác quyết rằng Công đồng Vatican II nắm giữ yếu tố then chốt.

Trình bày logo Năm Thánh 2025, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella cho biết Đức Thánh Cha đang mời gọi các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới chuẩn bị cho Năm Thánh tiếp theo bằng cách nghiên cứu các văn kiện của Công đồng, đặc biệt là bốn Hiến Chế, tập trung vào: Phụng vụ; Hội thánh với tư cách là Dân Chúa; Kinh Thánh; và vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại.

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như bắt đầu cuộc nghiên cứu vào ngày hôm sau bằng cách ban hành “Desiderio Desideravi” (“Tôi những khát khao mong mỏi”), một Tông Thư được ngài mô tả như một suy niệm về phụng vụ và là một bức thư khẳng định mạnh mẽ cuộc cải cách của Công đồng Vatican II đối với Thánh lễ nghi thức Latinh được Chúa Thánh Thần linh hứng.

“Tôi không hiểu làm thế nào có thể nói rằng người ta công nhận tính hợp lệ của Công đồng (Vatican II) – mặc dù điều đó khiến tôi ngạc nhiên rằng một người Công giáo có thể cho rằng đừng làm như vậy – đồng thời không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ đã cho ra đời ‘Sacrosanctum Concilium’, một tài liệu diễn tả thực tế của phụng vụ kết hợp mật thiết với tầm nhìn của Giáo hội được mô tả một cách đáng phục trong ‘Lumen Gentium‘, Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong bức thư, được công bố vào ngày 29 tháng 6.

Gặp gỡ vào tháng 5 với các biên tập viên của các tạp chí và tập san Dòng Tên ở châu Âu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố một cách thẳng thắn về sự phản kháng của một số Giám mục và Linh mục đối với Giáo huấn của Công đồng Vatican II và tầm nhìn của Công đồng về Giáo hội.

“Công đồng mà một số Giám mục ghi nhớ nhất là Công đồng Trentô. Những điều tôi đang nói không phải là vô nghĩa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các biên tập viên.

“Chủ nghĩa khôi phục đã xuất hiện để bịt miệng Công đồng”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “số lượng các nhóm ‘người phục hồi’ – ví dụ, ở Hoa Kỳ có rất nhiều người như vậu – là con số đáng kể”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý một điều mà ngài đã nhiều lần đề cập trước đây: “Phải mất một thế kỷ để một Công đồng bắt rễ. Vậy thì chúng ta vẫn còn 40 năm để làm cho nó bén rễ!”.

Trong suốt 9 năm trong Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nỗ lực giúp Giáo hội đạt được sự tiến bộ đó.

Trong Tông Huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, Tông Huấn năm 2013 đặt ra tầm nhìn cho Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả việc Công đồng kêu gọi “sự hoán cải trong Giáo hội” và “sự cởi mở đối với sự tự đổi mới liên tục sinh ra từ lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô”.

Sự thúc đẩy của Đức Thánh Cha Phanxicô hầu làm cho các tín hữu Công giáo làm quen với Công đồng Vatican II không chỉ liên quan đến việc nghiên cứu; thông qua tiến trình liên tục chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2023, ngài muốn họ tự mình trải nghiệm điều đó.

Năm 2015, đánh dấu kỷ niệm 50 năm phục hồi các Thượng hội đồng cho Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đó là “một trong những di sản quý giá nhất của Công đồng Vatican II”.

Liên kết sự nhấn mạnh của Công đồng về phẩm giá và trách nhiệm của tất cả những người đã được rửa tội đối với đời sống và sứ mạng của Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các Hồng y và những người lãnh đạo các văn phòng thuộc Giáo triều Rôma vào tháng 12: “Thượng hội đồng muốn trở thành một kinh nghiệm của việc cảm nhận chính chúng ta là tất cả các thành viên của một dân tộc lớn hơn, đoàn dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa, và do đó cũng là những người môn đệ, những người lắng nghe và chính nhờ sự lắng nghe này, cũng có thể hiểu được thánh ý của Thiên Chúa, vốn luôn được bày tỏ theo những cách thức không thể đoán trước”.

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục nói về việc cụ thể hóa tầm nhìn của Công đồng về Giáo hội như một cộng đồng nơi tất cả những người đã được rửa tội được trao quyền để thực hiện trách nhiệm chia sẻ Tin Mừng với thế giới, đặc biệt là với những người bị xã hội dân sự loại trừ hoặc gạt ra bên lề xã hội.

Trong Tông Huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói một trong những “ảnh hưởng về mặt mục vụ” của Giáo huấn của Công đồng đó là “cảm giác về sự cân xứng phù hợp” trong Giáo huấn và việc rao giảng của Giáo hội.

“Ví dụ”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “nếu trong suốt năm phụng vụ, một Linh mục quản xứ nói về sự chừng mực tiết chế 10 lần nhưng chỉ đề cập đến bác ái hoặc công lý 2 hoặc 3 lần, thì kết quả là một sự mất cân bằng, và chính những nhân đức đáng lẽ phải hiện diện nhiều nhất trong việc rao truyền và giảng dạy Giáo lý lại bị bỏ qua. Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta nói về luật pháp nhiều hơn nói về ân sủng, về Giáo hội nhiều hơn nói về Đức Kitô, về lời của Đức Giáo hoàng nhiều hơn nói về Lời của Thiên Chúa”.

Trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng với Cha Antonio Spadaro, Linh mục Dòng Tên, vào tháng 8 năm 2013, ông nói, “Công đồng Vatican II là việc đọc lại Phúc Âm dưới ánh sáng của văn hóa đương đại” và “đã tạo ra một phong trào canh tân vốn chỉ đơn giản xuất phát từ cùng một Phúc Âm. Thành quả của nó quả thực vô cùng to lớn”.

“Động lực của việc đọc Tin Mừng, hiện thực hóa thông điệp của Tin Mừng cho thời đại ngày hôm nay – vốn là điển hình của Công đồng Vatican II – là điều hoàn toàn không thể đảo ngược”, Đức Thánh Cha nói.

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, người gia nhập Dòng Tên năm 1958 và được thụ phong Linh mục vào năm 1969, Công đồng và việc canh tân đời sống và tầm nhìn của Giáo hội là một phần trong quá trình đào tạo của ngài cho công việc mục vụ.

“Trong lịch sử của Châu Mỹ Latinh mà tôi đã đắm chìm trong đó, trước hết với tư cách là một sinh viên Dòng Tên trẻ tuổi và sau đó khi thi hành sứ vụ của mình, chúng tôi đã hít thở một bầu không khí Giáo hội vốn nhiệt tình hấp thu và tự tạo ra những trực giác về thần học, Giáo hội và tâm linh của Công đồng, đồng thời hội nhập văn hóa và thực hiện chúng”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong phần lời tựa cho cuốn “Tinh thần huynh đệ: Dấu chỉ của thời đại”, một cuốn sách của Đức Hồng y Michael Czerny và Cha Christian Barone được xuất bản vào năm 2021.

“Rất đơn giản”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Công đồng đã bước vào con đường của việc trở thành Kitô hữu và Giáo hội, và trong suốt cuộc đời tôi, những trực giác, nhận thức và linh đạo của tôi đơn giản được tạo ra bởi những gợi ý của Giáo huấn của Công đồng Vatican II”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube