Đức Phanxicô nói với Đức Thượng Phụ Chính Thống giáo: ‘Mối dây liên kết đức tin, đức cậy và đức mến’ hiệp nhất hai Giáo hội

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I tại Vatican vào ngày 4 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I tại Vatican vào ngày 4 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Nhân dịp Lễ Thánh Anrê Tông đồ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp tới Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I thành Constantinople bày tỏ “tình cảm yếu mến huynh đệ” của ngài và suy ngẫm về “mối dây liên kết sâu sắc của đức tin, đức cậy và đức mến” giữa hai Giáo hội.

Đức Thánh Cha mở đầu bức thư bằng cách tập trung vào hành trình hòa giải giữa hai Giáo hội, đồng thời lưu ý rằng Lễ Thánh Anrê diễn ra trước cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Đại kết Athenagoras tại Giêrusalem vào tháng 1 năm 1964.

“Cuộc gặp gỡ đó là một bước tiến quan trọng trong việc phá bỏ rào cản của sự hiểu lầm, ngờ vực và thậm chí thù địch đã tồn tại gần một thiên niên kỷ. Điều đáng chú ý là ngày nay chúng ta chẳng còn nhớ nhiều đến những lời nói và phát biểu của hai vị Mục tử tiên tri đó nhưng trước hết là cái ôm nồng nhiệt của họ”, Đức Thánh Cha viết trong bức thư của mình.

“Mẫu gương của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras cho chúng ta thấy rằng tất cả những con đường đích thực dẫn đến việc khôi phục sự hiệp thông trọn vẹn giữa các môn đệ của Chúa Kitô đều được đặc trưng bởi sự tiếp xúc cá nhân và thời gian dành cho nhau”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục.

Cuộc gặp gỡ đó là một điểm bước ngoặt trong mối quan hệ Công giáo-Chính thống, từ mối quan hệ bất hòa xa lạ đến đối thoại, vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1483 một vị Giáo hoàng và một Thượng phụ đại kết gặp gỡ nhau.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng “điều vô cùng có ý nghĩa là hành trình hòa giải, gia tăng sự gần gũi và vượt qua những trở ngại vẫn cản trở sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn này đã bắt đầu bằng một cái ôm, một cử chỉ thể hiện một cách hùng hồn sự thừa nhận lẫn nhau về tình huynh đệ trong Giáo hội”.

Hàng năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đều gửi một thông điệp nhân dịp Lễ Thánh Anrê Tông đồ tới Đức Thượng phụ đại kết, người kế vị Thánh Anrê và là “người có vai trò ngang nhau” trong Giáo hội Chính thống Đông phương.

Năm nay, Đức Thánh Cha đã bày tỏ “lòng biết ơn” của mình và cảm ơn Đức Thượng phụ Bartholomew I vì đã tham dự buổi cầu nguyện đại kết trước khi khai mạc Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào tháng 10. Trong một thông cáo báo chí trước sự kiện, Tòa Thánh cho biết rằng buổi cầu nguyện đã được chuẩn bị nhằm “nhấn mạnh tính trung tâm của việc cầu nguyện trong tiến trình Hiệp hành, vốn là một tiến trình tâm linh” và “nhấn mạnh sự kết nối giữa con đường Hiệp hành và con đường đại kết”.

“Sự ủng hộ cá nhân của Hiền huynh và của Tòa Thượng phụ Đại kết, cũng được thể hiện thông qua sự tham gia của một đại biểu huynh đệ vào công việc của hội đồng, là nguồn khích lệ lớn lao cho sự tiếp tục mang lại nhiều ích lợi tiến trình Hiệp hành đang diễn ra trong Giáo hội Công giáo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bức thư của mình.

Buổi canh thức cầu nguyện còn có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tôn giáo khác bao gồm Đức Tổng Giám mục Justin Welby Địa phận Canterbury, Đức Thượng phụ Chính thống giáo Coptic Tawadros II, và Mục sư Anne Burghardt của Liên đoàn Thế giới Lutheran.

Trong Instrumentum Laboris, tài liệu làm việc của Vatican hướng dẫn các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, chủ đề về đại kết đã được nhấn mạnh một cách nổi bật.

“Thật vậy, cả tính Hiệp hành lẫn đại kết đều khởi nguồn từ phẩm giá từ Bí tích Rửa tội của toàn thể dân Thiên Chúa. Chúng cùng nhau mời gọi sự cam kết đổi mới đối với tầm nhìn về một Giáo hội truyền giáo có tính Hiệp hành. Đó là những tiến trình của sự lắng nghe và đối thoại và mời gọi chúng ta lớn lên trong một sự hiệp thông không đồng nhất nhưng hiệp nhất trong sự đa dạng hợp pháp. Chúng nhấn mạnh sự cần thiết của tinh thần đồng trách nhiệm, vì các quyết định và hành động của chúng ta ở các cấp độ khác nhau đều ảnh hưởng đến mọi chi thể trong thân thể Chúa Kitô. Chúng là những tiến trình tâm linh của sự sám hối, tha thứ và hòa giải trong một cuộc đối thoại hoán cải vốn có thể dẫn đến việc chữa lành ký ức”, theo nội dung bức thư.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc lá thư ngày 30 tháng 11 của mình bằng cách viết rằng cả hai Giáo hội đều “phục vụ nhân loại, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, bạo lực và bóc lột”. Đức Thánh Cha cũng đã kêu gọi hòa bình.

“Chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện với Thiên Chúa, Người Cha nhân hậu của chúng ta, để tiếng gầm rú của vũ khí, vốn chỉ mang lại sự chết chóc và sự hủy diệt, có thể chấm dứt, và để chính phủ cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo biết luôn tìm kiếm con đường đối thoại và hòa giải”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết